Cái nhìn về giới trong văn học Việt Nam thời trung đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong truyền kỳ mạn lục (Trang 35 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Cái nhìn về giới trong văn học Việt Nam thời trung đại

Trước khi phong trào nữ quyền cất tiếng nói chính thức, tư tưởng nữ quyền đã manh nha trong những làn điệu ca dao, dân ca:

Ba đồng một mớ đàn ông,

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha. Ba trăm một mụ đàn bà,

Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.

Một chế độ nô dịch người phụ nữ, họ là bề tôi, thấp hèn thì bài ca dao trên hoàn toàn đi ngược lại với nhãn quan của xã hội phong kiến. Ở đó, nam giới mất đi địa vị thống trị, nữ giới vốn thân bèo bọt bỗng chốc được đề cao, trở nên có giá trị. Đó chính là tiếng nói phản kháng đòi trả lại sự công bằng cho nữ giới.

Hay trong vở chèo Quan âm Thị Kính, Thị Mầu đảm nhận vai phản diện với sự lẳng lơ, đĩ thõa, nhưng xét cho cùng Thị đã bứt phá khỏi sự ràng buộc của cương thường để được sống và tồn tại với bản ngã. Giáo lý phong kiến không cho phép nữ giới chủ động tìm đến tình yêu, tình dục càng khắt khe hơn thế. Nhưng Thị Mầu đã cả gan chống chế cả xã hội để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình, mặc xã hội bêu rếu. Sự nổi loạn ấy, nhà thơ Anh Ngọc từng đánh giá:

Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu.

Đặc biệt, cuối thể kỉ XVIII đầu thể kỉ XIX, tiếng nói nữ quyền đã cất lên công khai trong những áng thơ Nôm qua những sáng tác của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du …. Nói đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người ta nghĩ ngay đến tứ thơ táo bạo, đanh thép. Bà không ngần ngại ném thẳng vào lễ giáo phong kiến những tiếng chửi đầy chua ngoa, đanh đá:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng, Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

(Lấy chồng chung, Hồ Xuân Hương)

Ước mơ về một ngôi nhà, một chồng, một vợ chỉ mãi là mơ ước và hạnh phúc như chiếc chăn quá chật, người ấm kẻ không. Thảm cảnh làm lẽ uất nghẹn trong lòng nữ sĩ và lâu dần bộc phát thành tiếng chửi thề vào một xã hội đầy bất công. Đấy chính là tiếng nói nữ quyền manh nha và bộc lộ rõ rệt cùng với sự báo hiệu chế độ phong kiến suy tàn.

Hay một Thúy Kiều, cho đến tận bấy giờ, người đọc vẫn không thể quên một cô gái vốn thuộc dòng Nho gia, nhưng Thúy Kiều quay lưng với đạo lý, dám trốn song thân để tìm đến tình yêu:

Cửa ngoài vội rủ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

(Truyện Kiều,Nguyễn Du)

Điểm qua một vài sáng tác ở bộ phận văn học dân gian và văn học viết mới thấy rằng, tư tưởng nữ quyền đã hé lộ và dần trở nên mạnh mẽ.

Như vậy, cùng với sự đi lên của xã hội đã làm cho người phụ nữ thay đổi về vị thế lẫn những cảm xúc riêng tư. Những quan niệm mới về giới nữ được thiết lập đã tạo ra sự va đập với các chuẩn mực truyền thống. Giới nữ ngày nay có phần rời xa những thuần phong mỹ tục đã được đặt ra trước đó. Mẫu hình nữ nhi truyền thống không còn là thước đo chuẩn mực cho người

phụ nữ hiện đại. Nếu như trước đây, toàn bộ diện mạo, thân phận, bản tính, địa vị … của nữ giới như thế nào là do diễn ngôn nam giới tạo ra và quyết định thì giờ đây, khi bừng tỉnh phát hiện tất cả chỉ là trò chơi ngụy tạo của diễn ngôn lẫn văn hóa, thì nữ giới đã tiến hành kiến tạo những biểu tượng thiên kiến về giới nữ, họ chống lại sự xuyên tạc, sự áp chế của nam giới và đòi hỏi định nghĩa lại về phụ nữ. Người phụ nữ không phải sống một cuộc sống do các thiết chế của người đàn ông dựng nên. Họ xây dựng những diễn ngôn cho riêng mình, không nhằm hạ thấp nam giới mà khẳng định giá trị của giới nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong truyền kỳ mạn lục (Trang 35 - 37)