Cách ứng xử, hành động của nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong truyền kỳ mạn lục (Trang 88 - 93)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.3. Cách ứng xử, hành động của nhân vật

Trong văn học trung đại, nếu khi khắc họa các nhân vật nam giới, tác giả thường khắc họa nhân vật qua hành động thì khi khắc họa về nữ giới tác giả thường khắc họa qua tâm lý. Tuy nhiên, trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục

tác giả Nguyễn Dữ khi nghiên cứu dưới góc nhìn về giới thường để lại ấn tượng trong lòng độc giả không chỉ qua thế giới nội tâm phong phú hay ngôn ngữ táo bạo mà còn thể hiện qua hành động. Các nhân vật nam giới dù là ai: nho sĩ, thương buôn …, dù là nhân vật chính diện hay phản diện, tính cách của họ được khắc họa qua hành động. Nếu làm theo sách vở thánh hiền họ sẽ được ngợi ca; theo sắc dục, ham chơi, không lo học hành thi cử còn làm những điều trái với luân thường đạo lý sẽ bị chê cười. Từ Thức được coi là nhân vật nho sĩ chính diện, ông là đại diện tiêu biểu cho một vị quan “hiền đức, nghĩa hiệp”. Điều đáng ca ngợi nhất ở Từ Thức chính là chàng rất nặng tình với quê hương, xứ sở, với gia đình, bạn bè. Sống ở chốn bồng lai tiên cảnh quả là thích hợp với một tâm hồn “thích đàn, ham thơ, mến cảnh” như chàng. Không chỉ vậy, chàng còn có một người vợ hiền xinh đẹp, dịu dàng, một “nàng thơ” của cuộc đời mình. Thế nhưng, giữa chốn thần tiên sung sướng với người đẹp, Từ Thức vẫn không nguôi nỗi nhớ quê nhà: “Tôi bước

khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót,lòng cỏ héo hon, dám xin thể

tình mà cho được tạm về, chẳng hay ý nàng thế nào?” [5, tr. 125]. Có thể coi

đây chính là những khúc nhạc lòng réo rắt của một mối tình quê sâu đậm ở Từ Thức. Dù thân ở cõi tiên, nhưng lòng vẫn nặng với trần thế.

Vẫn là những Nho sĩ nhưng Phùng Trọng Quỳ trong Chuyện người

nghĩa phụ ở Khoái Châu lại là kẻ đáng chê trách “vì quen thân phóng lãng,

thuộc tính chơi bời”. Trọng Quỳ chính là kẻ đã tự tay hất đổ hạnh phúc của mình, đẩy một người vợ hiền như Nhị Khanh vào bước đường cùng phải tự tận. Trong lời bình cuối truyện, Phùng Trọng Quỳ bị lên án gay gắt, bị gọi là “tuồng chó lợn”. Hắn là hiện thân cho một bộ phận Nho sĩ phóng đãng, chơi bời không chịu tu thân, tích đức và hậu quả là hắn làm hại vợ con. Với Hà Nhân, chàng được xây dựng một cách khá sinh động, từ lời nói, cử chỉ cho đến tâm trạng. Hà Nhân vì say mê Đào, Liễu mà bỏ bê học hành; vì tình yêu

sâu đậm với hai nàng mà thoái thác chuyện lấy vợ theo ý cha mẹ. Chàng quả là kẻ đáng trách đối với song thân, là đứa con “hư đốn” của chế độ phong kiến khi phạm vào lời răn sắc dục. Còn Dư Nhuận Chi sẵn sàng vì một “ả ca xướng” mà có những hành động mạo hiểm đến ngu xuẩn dưới góc nhìn của chế độ phong kiến. Tuy kết cục của chàng và Túy Tiêu được mãn nguyện, nhưng chàng vẫn là một trong những đại diện tiêu biểu cho những Nho sinh bỏ bê học hành, ham mê sắc đẹp, thiếu ý thức. Viên quan họ Hoàng trong

Chuyện yêu quái ở Xương Giang cũng là minh chứng cho thấy nữ sắc quả là

mối họa khôn lường. Thông qua những Nho sĩ này, Nguyễn Dữ muốn đưa ra lời cảnh tỉnh với tầng lớp Nho sĩ nói riêng và những kẻ làm trai nói chung phải tránh xa sắc dục, chuyên tâm tu dưỡng đạo đức, lễ giáo phong kiến. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác thì kẻ sĩ như Phật Sinh, Hà Nhân và Dư Nhuận Chi lại là những hình mẫu lý tưởng trong khát vọng về một tình yêu tự do đặt trong mối quan hệ với những nữ nhân mà họ yêu say đắm.

Trình Trung Ngộ, Trương Sinh là những kẻ thất học hoặc chữ nghĩa ít ỏi. Vì là lái buôn ít học mà Trình Trung Ngộ không phán đoán, không nghi ngờ để từng bước, từng bước một sa vào bẫy của Nhị Khanh đến nỗi chịu cảnh thịt nát xương tan. Trương Sinh cũng là kẻ ít học, tính lại đa nghi nên mới để một người phụ nữ đức hạnh như Vũ Nương phải hàm oan mà gieo mình xuống sông tự tử. Người thì được chú trọng ngoại hình, lời nói, kẻ thì được khắc họa tính cách, hành động; cả Trung Ngộ và Trương Sinh đều đáng trách. Qua hai nhân vật này, Nguyễn Dữ muốn khẳng định điều gì? Kẻ làm trai phải học hành, tu dưỡng thì mới có cách phán đoán, nhận định tình hình đúng đắn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Và phải chăng, vì hai nhân vật này ít chữ nghĩa nên sai lầm của họ chỉ trách móc, cảnh báo chứ không lên án gay gắt như một số nhân vật khác? Như thần Thuồng luồng trong Chuyện

gửi gắm ngụ ý sâu xa của Nguyễn Dữ. Không chỉ dừng lại ở việc phê phán thói hoang dâm, cậy quyền thế của một vị thần (nhân vật hư cấu) ở thế giới tâm linh, nhân vật này còn nhằm mục đích chĩa mũi nhọn vào những tên quan lại ở thế giới thực. Và cuối cùng, nhân vật này đã phải bị trừng trị thích đáng.

Còn khi xây dựng người phụ nữ, những người phụ nữ truyền thống được ngợi ca là “nghĩa phụ”, “trinh liệt” tác giả cũng khắc họa họ qua ứng xử và hành động mà Nho gia và những người theo quan điểm nam quyền khuyến khích, ngưỡng mộ. Những hành động, cách ứng xử thiên về thực hiện lý tưởng đạo đức này đương nhiên khác với cách ứng xử và hành động thiên về đời sống thân xác, thiên về thỏa mãn khao khát cá nhân của người phụ nữ bị xem là nổi loạn. Miêu tả những người phụ nữ theo chuẩn mực truyền thống, tác giả hầu như cũng chỉ chú ý đến những ứng xử của họ trong khuôn viên, phạm vi gia đình chứ không quan tâm đến phương diện đời sống xã hội của họ. Gia đình chính là không gian, là địa bàn sống, địa bàn hoạt động của nhân vật nữ truyền thống.

Trong Truyền kỳ mạn lục, những người phụ nữ dám lên tiếng đòi nữ quyền là những người phụ nữ này luôn chọn cách ứng xử, hành động thiên về đời sống thân xác, thiên về thỏa mãn khát vọng cá nhân chứ không theo những chuẩn mực đạo đức Nho gia như những nhân vật nữ theo khuôn mẫu truyền thống.

Không chỉ chú ý đến cách ứng xử trái đạo lý Nho giáo chính thống, miêu tả các nhân vật nữ này, nhà văn còn chú ý nhiều đến hành động của họ. Nếu như các nhân vật nữ theo khuôn mẫu truyền thống thường chỉ được tô đậm trong hành động tự vẫn để chứng minh lòng trinh liệt và hầu như không có cử chỉ kèm lời thì các nhân vật nữ có tiếng nói đấu tranh lại xuất hiện với hàng loạt hành động và cử chỉ, nhất là những hành động và cử chỉ vốn bị Nho gia phong kiến phê phán.

Xuất hiện trước Trình Trung Ngộ, Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo

không nhu mì như những người con gái khuôn phép mà “xốc xiêm rảo bước”, vừa đi vừa nói chuyện với người hầu gái. Bao giờ nàng cũng có những cử chỉ kèm lời rất tình tứ như cười, thở dài, chau mày, ôm đàn … Tất cả những cử chỉ đó dưới con mắt Nho gia đều là biểu hiện của người phụ nữ đa tình, lẳng lơ, không phải là cử chỉ của người con gái đoan chính. Bởi lẽ, theo quan điểm Nho gia, người con gái đoan chính thì phải phải ăn nói đoan trang, không được có những cử chỉ vượt chuẩn.

Không chỉ xuất hiện với những cử chỉ vượt lễ giáo, Nhị Khanh còn đối lập với các nhân vật phụ nữ truyền thống qua hàng loạt hành động ma quái, chủ động và táo bạo. Giữa đêm khuya, nàng lên cầu hẹn hò với chàng trai chưa một lần nói chuyện, trong thời gian chờ đợi người con trai ấy xuất hiện, nàng ngồi “tựa vào lan can trên cầu, ôm đàn gẩy mấy khúc Nam cung, mấy điệu Thu tứ” rất tình tứ và nghệ sĩ.

Khác hẳn với quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” của Nho giáo, Nhị Khanh gợi ý cho Trung Ngộ đến gặp mình trong không gian đêm tối, không gian bị nhà Nho coi là không gian gian dâm, sau đó xuống thuyền cùng Trung Ngộ tình tự, ân ái, làm thơ. Nàng cũng chính là người chủ động đến thuyền Trung Ngộ hàng đêm để được thỏa thú vui ân ái mà nàng khao khát. Hành động của nàng tất cả đều chủ động, bình đẳng với Trung Ngộ chứ không bị động so với người đàn ông này, dù cho những hành động như vậy dễ bị quan điểm Nho giáo cho là “cọc đi tìm trâu”, gian dâm, thiếu đứng đắn.

Tuy nhiên, tất cả những hành động chủ động và táo bạo đó của Nhị Khanh lại được nhìn bằng thái độ e sợ và coi thường. Hành động, cử chỉ của nàng rõ ràng được miêu tả với dụng ý tô đậm chân dung một yêu nữ. Thái độ coi thường, e sợ này không chỉ thể hiện trong những từ ngữ nhấn mạnh sự đa tình, tinh quái của nàng (xốc xiêm rảo bước, thở dài mà nói, chau mày nói, cười mà rằng, sấn

lại nắm vạt áo, gọi eo éo, nói thì thào …) mà còn thể hiện rõ qua chi tiết cường điệu hóa hình ảnh của nàng sau khi nàng và Trung Ngộ chết, thể hiện qua lời nhận xét của người kể chuyện, của các nhân vật trong truyện về nàng và đặc biệt qua phần kết truyện và lời bình về nàng ở cuối tác phẩm.

Tóm lại, hành động của các nhân vật trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, đặc biệt là giới nữ, bên cạnh những hành động hợp với chuẩn mực thì họ lại có những hành động táo bạo, chủ động, vượt ngoài khuôn phép Nho gia. Cách ứng xử của họ cũng không phải là cách ứng xử hết mực vì người đàn ông, hy sinh tất cả vì người đàn ông và nhất nhất tuân theo chuẩn mực đạo đức Nho gia như những người phụ nữ truyền thống mà là cách ứng xử vượt ngoài lễ giáo, lấy khát vọng và quyền lợi cá nhân làm tiêu chí xử thế. Tuy nhiên, những hành động và ứng xử táo bạo này hầu như không được miêu tả với thái độ đồng tình hay ngưỡng mộ mà thường bị tỏ thái độ ghê sợ, khinh thường. Đó cũng là dấu ấn trong phương thức nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng để thể hiện vấn đề giới trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong truyền kỳ mạn lục (Trang 88 - 93)