Tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong truyền kỳ mạn lục (Trang 86 - 88)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.2. Tâm lý nhân vật

Tâm lý, tình cảm vốn là một đặc trưng khá nổi bật của con người, đặc biệt là ở giới nữ, đây là yếu tố quan trọng tạo nên nét nổi bật khi tác giả phản ánh các vấn đề về giới. Khi miêu tả nam giới, yếu tố tâm lý nhân vật ít được tác giả chú ý miêu tả mà chủ yếu là biểu hiện của con người ý chí, hành động. Nhân vật thường là biểu hiện cái chí của mình - đây là biểu hiện phẩm chất trong mối quan hệ với cộng đồng, có chí làm trai, chí làm người quân tử. Phùng Lập Ngôn trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu là vị quan thẳng thắn, cương trực. Với láng giềng bạn bè, ông “lấy nghĩa mà chơi bời đi lại với nhau rất thân, coi nhau như anh em vậy”, dù gia đình ông và gia đình người láng giềng Từ Đạt lề thói không giống nhau: “Phùng giàu mà Từ nghèo, Phùng xa hoa mà Từ tiết kiệm; Phùng chuộng dễ dãi mà Từ thì giữ lễ”

[5, tr. 22]. Ông có người con trai là Trọng Quỳ, Từ Đạt có người con gái là Nhị Khanh; trai tài gái sắc đôi trẻ có ý muốn kết duyên Châu Trần, ông cũng vui lòng ưng gả, không vì chê Từ nghèo chọn nàng dâu, không vì môn đăng hộ đối mà cốt ở con người Nhị Khanh “khéo biết cư xử với họ hàng rất hòa mục” [5, tr. 22]. Rõ ràng, Phùng Lập Ngôn là người trọng nghĩa, không vì tiền bạc mà chơi bời với bè bạn mà chỉ cốt về cái nghĩa khí ở con người. Đó là một phẩm chất rất đáng quý và hiếm thấy trong xã hội đương thời.

Còn đối với người phụ nữ, đặc biệt là đối với người phụ nữ truyền thống, nếu như tâm lý được nhấn mạnh là những nét tâm lý thiên về lý trí và thể hiện phẩm hạnh đạo đức thì những nét tâm lý ở người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ

lại là những nét tâm lý đời thường, những tình cảm thuần túy, thậm chí có cả những nét tâm lý chứa đựng yếu tố thân xác, thể hiện tâm tư thầm kín của người phụ nữ. Miêu tả cảnh chia ly, điều mà người trần thuật nhấn mạnh ở người phụ nữ truyền thống là tính chất lý trí, tâm lý sẵn sàng chịu đựng, không ngần ngại hy sinh và nhất dạ mong người chồng sớm trở về - thực chất đây là những nét tâm lý của người vợ nhu thuận, hết mực hy sinh vì chồng.

Tuy nhiên, với những nhân vật người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính thì yếu tố tâm lý nhân vật được tác giả đề cập khá đậm nét. Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây

là câu chuyện mà tâm lý nhân vật nữ được diễn tả nhiều hơn cả trong các truyện về người phụ nữ ở tập truyện này. Qua câu chuyện, lần đầu tiên trong văn học, tâm trạng ghen tuông, mặc cảm của người phụ nữ được nói tới qua nhân vật Đào Hồng Nương: thấy Hà Nhân khen Liễu Nhu Nương nhan sắc tột bậc mà không nhắc đến mình, Hồng Nương buồn rầu mấy hôm không đến, sau đó gửi Hà Nhân một bài thơ bộc bạch suy nghĩ và tâm trạng của nàng:

Tinh hà cốt cách tuyết tinh thần, Lộ nhị yên điều lưỡng dạng tân. Khả hận Đông hoàng tư trước ý, Nhất chi tiều tụy nhất chi xuân. (Băng sơn cốt cách, tuyết tinh thần, Nhị mởn ngành mềm đã xứng cân. Khá trách Đông hoàng thiên vị lắm, Một cành bỏ héo, một cành xuân) [5, tr. 58].

Bên cạnh việc miêu tả tâm lý buồn rầu, sầu tủi, nhớ thương của người phụ nữ khi phải xa tình nhân, ở những truyện về người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, tác giả Truyền kỳ mạn lục đã ít nhiều quan tâm đến những yếu tố tâm lý có chứa đựng khát vọng về hạnh phúc ái ân của người phụ nữ. Trong

Chuyện nàng Túy Tiêu, miêu tả tâm lý của Túy Tiêu khi xa Dư Nhuận Chi, nhà văn không chỉ quan tâm đến tâm lý vời vợi mong chờ của người phụ nữ mà còn chú ý đến tâm lý tiếc nuối, xa xót của nàng về quãng đời ái ân ngắn ngủi. Nét tâm lý này thiếu vắng trong thế giới tâm lý của những người phụ nữ chính diện:

Duyên kim phận cải xe vương,

Những mừng giây sắn được nương bóng tùng. Thiên thai một cuộc kỳ phùng,

Thú vui lửa đượm hương nồng chưa bao. Chương Đài cành liễu nghiêng chao, Biệt ly mang nặng biết bao oán sầu. Duyên may hóa rủi ngờ đâu.

Ngậm hờn mối tủi chịu sầu cho xong. [5, tr. 177].

Như vậy, nét tâm lý thiên về hy sinh đời sống bản năng, sẵn sàng chịu đựng thiệt thòi vì người đàn ông của nhân vật phụ nữ truyền thống không thấy xuất hiện trong tâm lý nhân vật nữ có cá tính mạnh mẽ. Nét tâm lý được chú ý miêu tả ở những người phụ nữ này chủ yếu là những nét tâm lý đời thường, gắn với xúc cảm riêng tư, cá nhân: tâm lý đau buồn, sầu tủi, nuối tiếc và níu kéo, bên cạnh đó còn có nét tâm lý chứa đựng khát vọng ái ân của người phụ nữ. Nhà văn đã thể hiện những nét tâm lý này khá thành công qua thể loại từ khúc. Những lời từ này chính là nền móng để các nhà thơ thế kỷ sau học tập, phát triển nhằm thể hiện phong phú thêm thế giới nội tâm nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong truyền kỳ mạn lục (Trang 86 - 88)