thì các triệu chứng bệnh khá phổ biến trong quá trình mắc bệnh là đau, mất ngủ, sốt, nôn/buồn nôn, khó thở… cùng với diễn biến tâm lý như sợ hãi bệnh tật và các can thiệp điều trị, lo lắng cho tương lai của bản thân và gia đình, sợ chết, suy giảm khao khát sống [4].
Theo tác giả Trịnh Hữu Vách trong báo cáo của Health Bridge năm 2010 cho thấy hầu hết NB ung thư thường đau trong quá trình mắc bệnh (75,9%) cùng với các triệu chứng khác như mệt mỏi (78,8%), mất ngủ (55,1%), sốt (40,7%), nôn/buồn nôn và khó thở (38,5%). Diễn biến tâm trạng khá phổ biến của NB trong quá trình mắc bệnh ung thư như là sợ hãi bệnh tật và các can thiệp điều trị (50,5%), lo lắng cho tương lai của bản thân và gia đình (47,5%), sợ chết (31,5%), sợ mất lương và nghèo (25,9%), mất ham muốn sống (15,6%) [55].
Điều này cho thấy nhu cầu cần được CSGN (chống đau, điều trị triệu chứng,
hỗ trợ tâm lý tinh thần…) đối với NB ung thư là rất lớn. Vì vậy rất cần sự quan tâm chú ý và đáp ứng trong công tác CSGN của NVYT cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế giúp kiểm soát đau, triệu chứng và hỗ trợ tinh thần cho NB [4].
Một số nghiên cứu đã cho thấy nhu cầu của NB ung thư là rất lớn như nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên về nhu cầu CSGN của NB ung thư tại Trung tâm Ung bướu tỉnh Thái Bình cho thấy 76,3% NB có nhu cầu CSGN; nghiên cứu của tác giả Trần Thị Hảo về nhu cầu CSGN của người dân tại 10 tỉnh Việt Nam năm 2010 cho thấy nhu cầu CSGN cho NB ung thư của người dân là 71,2% [12],[16].
Trong nghiên cứu của chúng tôi nhu cầu CSGN của NB ung thư tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định chiếm tỷ lệ cao là 81,1%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên và Trần Thị Hảo là do nghiên cứu của chúng tôi ĐTNC chủ yếu là những NB có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên và nghiên cứu trên NB ung thư, còn nghiên cứu của tác giả Trần Thị Hảo là nghiên cứu về nhu cầu CSGN của người dân [12],[16]. Như vậy, nhu cầu cần CSGN của NB cũng như của người dân là rất lớn và khá đồng đều ở các vùng miền khác nhau. Điều đó cho thấy sự quan tâm tới sức khỏe của bản thân NB, gia đình NB cũng như của người dân ngày càng được nâng cao.
Nghiên cứu của tác giả Trịnh Hữu Vách về thực trạng đáp ứng nhu cầu của NB ung thư năm 2010 cho thấy 24,2%-69,7% NB ung thư có triệu chứng nhưng không được đáp ứng. Hơn 1/3 trong tổng số người được hỏi nói rằng họ hiếm khi hoặc không bao giờ được tư vấn. Tư vấn mà họ nhận được chủ yếu là về các triệu chứng, phương pháp điều trị (48,1), dinh dưỡng (46,2%) [55].
Trong những năm gần đây với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu của con người nói chung cũng như nhu cầu của NB nói riêng và đặc biệt là nhu cầu của NB ung thư ngày càng cao. Vì vậy, đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận, chăm sóc, điều trị cho NB để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của NB. Do đó, một số nghiên cứu đánh giá về sự hài lòng của NB, sự đáp ứng với nhu cầu CSGN của NVYT ngày càng cao. Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Minh Hùng đánh giá sự hài lòng của NB, gia đình NB ung thư khi tham gia dịch vụ CSGN tại nhà cho thấy 85 – 100% NB, gia đình NB hài lòng với đội CSGN [14]. Nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên về thực trạng đáp ứng nhu cầu CSGN cho NB ung thư điều trị nội trú tại Trung tâm Ung bướu tỉnh Thái Bình cho thấy tỷ lệ ĐTNC được đáp ứng nhu cầu CSGN là 83,9% [16]. Trong nghiên cứu của chúng tôi thực trạng đáp ứng nhu cầu CSGN của NB là 84,6%. Điều này cho thấy chất lượng, dịch vụ trong khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao và cải thiện với mục đích cuối cùng là nâng cao CLCS cho NB nhằm đáp ứng sự hài lòng của NB và gia đình NB [55].
4.2.1. Nhu cầu và thực trạng đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thông tin y tế của ĐTNC
Việc cung cấp thông tin y tế đối với NB đóng vai trò quan trọng giúp NB hiểu biết về bệnh và các vấn đề liên quan một cách đầy đủ, tăng khả năng phối hợp với NVYT trong việc lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp, tăng khả năng tuân thủ điều trị, giúp họ đối phó với các tác dụng phụ liên quan đến bệnh làm giảm lo lắng và trầm cảm. Từ đó, làm tăng hiệu quả điều trị bệnh, tăng sự hài lòng, cải thiện CLCS của NB [26]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng tỷ lệ NB có nhu cầu cần hỗ trợ thông tin y tế là cao nhất với tỷ lệ chung là 77,7%. Kết quả này có sự tương đồng với nhiều nghiên cứu khác cho thấy nhu cầu thông tin y tế là nhu cầu phổ biến nhất ở NB ung thư [16],[18],[19]. Nhu cầu cần hỗ trợ về thông tin y tế chủ
yếu là thông tin về mặt chuyên môn của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc. Khi nhu cầu thông tin y tế được đáp ứng cùng với sự đáp ứng về tâm lý, xã hội sẽ là nguồn động viên để NB yên tâm điều trị, đó cũng là lý do mà NB tới bệnh viện để điều trị bệnh.
Trong các nhu cầu về thông tin y tế nói chung thì nhu cầu cần biết thông tin về chẩn đoán bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là 82,9%; nhu cầu cần biết thông tin về các phương pháp điều trị chiếm tỷ lệ 79,1%. Nhu cầu cần biết thông tin về tiên lượng bệnh chiếm 77,1%. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy nhu cầu về chẩn đoán bệnh, phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh đều chiếm tỷ lệ cao nhất [16],[19],[43].
Chẩn đoán ung thư gây một cú sốc lớn và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh cuộc sống của NB [42]. Vì vậy việc chẩn đoán, tiên lượng chính xác cùng với những phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn đó chính là nhu cầu cần nhất của NB khi nằm viện là điều dễ hiểu [16].
Xuất phát từ mong muốn của NB, Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã đáp ứng khá tốt về nhu cầu hỗ trợ thông tin y tế cho NB. Tỷ lệ ĐTNC được đáp ứng nhu cầu thông tin y tế nói chung chiếm 79,7%. Trong đó, ĐTNC được đáp ứng thông tin về chẩn đoán bệnh cao nhất chiếm tỷ lệ 84,3%; tỷ lệ
ĐTNC được cung cấp thông tin về các phương pháp điều trị bệnh; được cung cấp
thông tin về mục đích các xét nghiệm, can thiệp điều trị cùng chiếm tỷ lệ 79,7%;
được cung cấp thông tin về tiên lượng bệnh chiếm 77,4%. Nhu cầu thông tin được
đáp ứng thấp nhất là được cung cấp thông tin về cách tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe với tỷ lệ 69,7%. Nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên cũng cho thấy thực trạng đáp ứng nhu cầu thông tin y tế cho NB cũng rất cao chiếm 92,1%. Trong đó,
đáp ứng thông tin về chẩn đoán bệnh chiếm 91,3%; đáp ứng thông tin về phương
phương pháp điều trị bệnh chiếm 86,6%; đáp ứng thông tin về tiên lượng bệnh chiếm 82,6% [16]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn với nghiên cứu của Trần Thị Liên có lẽ là do có sự khác biệt về độ tuổi trong nghiên cứu.
Như vậy, NB ung thư có nhu cầu cần hỗ trợ về thông tin y tế là rất cao mà nhu cầu thông tin cũng thay đổi tùy từng thời điểm. Vì vậy, NVYT cần tăng cường giao tiếp, lắng nghe và chia sẻ với NB. Điều quan trọng là xác định và giải quyết nhu cầu thông tin của NB để giúp họ đưa ra các quyết định và tăng khả năng tuân thủ điều trị, tăng sự kết hợp với NVYT. Xác định thông tin nào là quan trọng đối với NB ung thư và mức độ hài lòng của họ với thông tin họ nhận được là rất quan trọng trong việc giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe xác định các lĩnh vực cần cải thiện và giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của NB để đáp ứng các nhu cầu của họ khi cần. Điều này sẽ cho phép phân bổ nguồn lực tốt hơn và giúp các tổ chức chăm sóc sức khỏe nâng cao chất lượng chăm sóc lấy NB làm trung tâm [26].
4.2.2. Nhu cầu và thực trạng đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thể chất, sinh hoạt hàng ngày của ĐTNC
Nhu cầu về thể chất, sinh hoạt hàng ngày là những nhu cầu liên quan tới cuộc sống, công việc hàng ngày của NB. Nhất là khi NB nằm viện điều trị thì nhu cầu này càng bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ ĐTNC cần hỗ trợ về thể chất, sinh hoạt hàng ngày chiếm tới 77,4% và tỷ lệ NB được đáp ứng nhu cầu về yếu tố này cũng khá cao chiếm 74,6%.
Đau là triệu chứng phổ biến ở NB ung thư. Theo ước tính có tới 80% NB ung thư bị đau liên quan đến bệnh và có khoảng 65-80% NB ung thư bị bệnh nặng đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày, làm gián đoạn giấc ngủ của họ, làm suy giảm giấc ngủ, tâm trạng và can thiệp vào các hoạt động xã hội và các mối quan hệ bình thường. Cơn đau do ung thư có thể được kiểm soát tốt ở 90% trường hợp, nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy gần một nửa số NB ung thư ở các nước phát triển được kiểm soát đau dưới mức tối ưu [27].
Trong các nhu cầu cần hỗ trợ thì nhu cầu cần kiểm soát tốt hơn các triệu chứng như đau, buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn chiếm tỷ lệ cao nhất là 78,3%. Nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Thắm cũng cho kết quả tương đồng về tỷ lệ này là 82,4% [19]. Kết quả nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên nhu cầu này chiếm
71,6% [16]. Trong nghiên cứu “đánh giá thực trạng và nhu cầu chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế” thì nhu cầu nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần chiếm 99,07% [11]. Kết quả này cao hơn so với kết quả của chúng tôi vì ĐTNC của tác giả là những NB ung thư giai đoạn cuối nên họ phải chịu nhiều đau đớn do bệnh tật và sự đối mặt với cái chết dễ ảnh hưởng đến cả thể chất, tinh thần của NB. Qua đó có thể thấy rằng đau đớn, mệt mỏi, mất ngủ…là các triệu chứng phổ biến của NB ung thư gây ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý bình thường và ảnh hưởng đến tinh thần của NB; do đó, hầu hết NB ung thư đều có nhu cầu giảm đau và kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về CSGN cho NB ung thư thì tất cả NB bị đau đều phải được điều trị giảm đau và cải thiện CLCS của họ. Việc chú ý đến nhu cầu giảm đau cho NB là rất cần thiết, cần có sự đánh giá đau và đưa ra các can thiệp tùy vào nhu cầu của từng cá nhân NB [4]. Vì vậy, tại địa điểm chúng tôi nghiên cứu về cơ bản cũng đã đáp ứng khá tốt nhu cầu cần kiểm soát các triệu chứng của NB với tỷ lệ là 76,6%. Kết quả của chúng tôi cũng có sự tương đồng với nghiên cứu của Trần Thị Liên khi kết quả của tác giả là 81,1% [16]. Điều này cho thấy việc hỗ trợ giảm đau cho NB đã dần được đáp ứng với mục đích cải thiện các triệu chứng và nâng cao CLCS cho NB.
Ở NB ung thư, khối u phát triển nhanh chóng kéo theo nguồn dinh dưỡng cần để nuôi nó cũng tăng lên theo cấp số nhân. Đồng thời do ảnh hưởng của điều trị các triệu chứng như nôn, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy hoặc táo bón thường xảy ra nên nhu cầu cần hỗ trợ về dinh dưỡng của NB cũng rất lớn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ NB có nhu cầu cần hỗ trợ về dinh dưỡng chiếm 75,1%. Tỷ lệ ĐTNC được đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng chiếm 78,3%. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Trần Thị Liên về tỷ lệ nhu cầu cần hỗ trợ dinh dưỡng chiếm 71,1%; Tỷ lệ NB được đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng chiếm 72,6% [16].
Nhu cầu cần hỗ trợ trong việc chăm sóc vệ sinh cá nhân như mặc quần áo, tắm gội chiếm tỷ lệ thấp là 66%. Tỷ lệ được đáp ứng cũng thấp nhất chiếm tỷ lệ 60,3%. Trong nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên nhu cầu cần hỗ trợ về vệ sinh cá nhân chiếm 41,1%; Tỷ lệ NB được đáp ứng chiếm 42,4% [16]. Điều này cũng dễ hiểu vì
chăm sóc toàn diện ở Việt Nam chưa phát triển đầy đủ, cùng với sự quá tải bệnh viện, tâm lý e ngại của NB nên trong quá trình nằm điều trị việc vệ sinh cho NB chủ yếu vẫn dựa vào người nhà NB.
Như vậy, nhu cầu cần hỗ trợ về thể chất, sinh hoạt hàng ngày là nhu cầu có liên quan tới NB nhiều nhất vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của NB, làm giảm CLCS của họ. Vì vậy, họ rất cần được sự hỗ trợ của NVYT, người thân để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe chung của mình. Gia đình và NVYT cần quan tâm hơn nữa đến nhu cầu về thể chất, sinh hoạt của NB đặc biệt là nhu cầu giảm đau và kiểm soát các triệu chứng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của NB.
4.2.3. Nhu cầu và đáp ứng nhu cầu về giao tiếp của ĐTNC
Giao tiếp là cầu nối giữa con người với nhau. Giao tiếp hiệu quả cho NB ung thư và / hoặc người chăm sóc có thể đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu tâm lý nhằm giảm gánh nặng cho người chăm sóc, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần và thúc đẩy sự thân mật [35].
Trong nghiên cứu của chúng tôi nhu cầu giao tiếp, quan hệ cao nhất của ĐTNC là nhu cầu cần sự cảm thông, chia sẻ của NVYT chiếm tỷ lệ 81,4%. Nhu cầu cần nói chuyện với những người có hoàn cảnh như mình và nhu cầu cần sự động viên khích lệ của những người thân trong gia đình cùng chiếm tỷ lệ 78,9%. Về mức độ đáp ứng nhu cầu giao tiếp cho thấy hầu hết các nhóm nhu cầu mà NB có nhu cầu cao thì cũng được đáp ứng ở mức cao. ĐTNC nhận được sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ của NVYT và nhận được sự động viên, khích lệ của những người thân trong gia đình cùng chiếm tỷ lệ cao nhất là 78,3%. So sánh với nghiên cứu của tác giả Trần Thị Liên thì có sự tương đồng về nhóm nhu cầu cần sự động viên khích lệ của người thân trong gia đình chiếm 82,4%; cần được nói chuyện với những người có hoàn cảnh như mình chiếm 72,1% [16]. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ về mặt tinh thần cho NB còn trong quá trình chăm sóc, điều trị NVYT là người cung cấp thông tin về bệnh cho họ nên ĐTNC có nhu cầu cao trong nhóm này là điều hiển nhiên.
Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, điều trị NVYT cần cởi mở tạo một bầu không khí thoải mái, dễ chịu để tạo niềm tin cho NB. Có khi chỉ là một câu chào hỏi, một cử chỉ, một hành động quan tâm chăm sóc cũng tạo nên sự thân mật giữa NVYT với NB, người nhà NB. Từ đó sẽ tăng hiệu quả trong giao tiếp, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của NB. Giao tiếp hiệu quả giúp tăng kiến thức của NB và hiểu biết chung, tăng sự tuân thủ các khuyến nghị trong điều trị của NB [4] .