Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (195 4 1975)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tính chính đáng của đảng cộng sản cầm quyền ở việt nam (Trang 39 - 44)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Chiến công ấy là “một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” [9, tr.471]. Thắng lợi đó đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định mở đường cho dân tộc Việt Nam tiến vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, quá độ lên CNXH.

Trong hoàn cảnh đất nước đang phải trải qua thời kỳ chiến tranh tàn khốc, để giành được thắng lợi, đòi hỏi quyền lực của Đảng phải là tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện mới có thể đạt được hiệu quả nhanh chóng, kịp thời. Có thể nói, Đảng ta đã áp dụng phương thức tuyệt đối quyền lực, “Đảng trực tiếp quyết định từ chủ trương, đường lối, chiến lược cho đến những vấn đề cụ thể, bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện thống nhất, khẩn trương và nghiêm ngặt”. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với với Nhà nước, trong giai đoạn này, hầu như không có sự phân biệt một cách rõ ràng: việc Đảng đứng trên Nhà nước, tuyệt đối hóa quyền lực của Đảng là hợp lý, cần thiết, nhằm đem lại hiệu lực và hiệu quả cao trong thực tế.

Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền thể hiện trên mọi mặt của công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trước tiên, Đảng Lao động Việt Nam luôn luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định lập trường cách mạng, kiên định “quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ” vì sự sống còn của dân tộc, vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân Việt Nam là

độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng CNXH. Từ đó, Đảng đã có những sáng tạo trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, không chỉ có đường lối chính trị đúng mà Đảng cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Ở những bước ngoặt khó khăn của cách mạng, đứng trước những thách thức, Đảng luôn tỏ rõ và nâng cao bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện ở những thời điểm cam go của cách mạng, Đảng đã có những quyết sách sáng suốt, kịp thời, chủ động chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thách thức. Đó là quyết định của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, Khóa II (năm 1959) khởi nghĩa từng phần, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách độc đáo, khéo léo, đáp ứng khát vọng của nhân dân yêu nước và cán bộ miền Nam, được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Bản lĩnh chính trị chẳng những là cần thiết trong hoạch định đường lối chính sách mà cả trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện.

Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới. Chính sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin của Đảng trong thực tiễn cách mạng đã chứng minh giá trị bền vững, sức sống của học thuyết cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Để tiếp tục trở thành nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng, trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam thấm nhuần sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [25, tr.273-274].

Vai trò nổi bật, thể hiện tính chính đáng chính trị của Đảng cầm quyền là đã thiết kế con đường đúng đắn, với giải pháp tối ưu để giải phóng miền

Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước trước một kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Đó là cùng một lúc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền nhằm mục tiêu chung và bao trùm là chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Đây là ngọn cờ đúng đắn duy nhất tập hợp được lực lượng lớn nhất trên cả hai miền Nam, Bắc tiến hành kháng chiến cứu nước, cũng là ngọn cờ chính nghĩa phù hợp với mục tiêu cách mạng và xu thế thời đại, được cả loài người đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, Đảng có đường lối quốc tế đúng đắn, luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản cao cả; luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, liên minh chiến đấu chặt chẽ với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, gắn chặt với ba dòng thác cách mạng; luôn coi cuộc chiến đấu chống Mỹ vừa là nhiệm vụ dân tộc thiêng liêng, vừa là nghĩa vụ quốc tế cao cả; mọi hoạt động chống Mỹ, cứu nước đều nhằm phục vụ lợi ích cả cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới nên đã tranh thủ được sự giúp đỡ rộng lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Một phương pháp sáng tạo - phương pháp cách mạng mà Đảng đã vận dụng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đó là, đánh địch không chỉ bằng quân sự mà bằng chiến lược tổng hợp, cả quân sự, chính trị và ngoại giao; đánh địch bằng sức mạnh ở cả tiền tuyến và hậu phương, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; kiên quyết thực hành chiến lược tiến công nhưng biết thắng từng bước; vừa đánh, vừa đàm để kéo địch xuống thang từng bước và để đánh thắng chúng. Đây là bước phát triển cao về đường lối và nghệ thuật tiến hành chiến tranh, là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sức mạnh của nhân dân thể hiện ở sự đoàn kết, thống nhất rất cao; thống nhất nhận thức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động; đoàn kết toàn

dân, đoàn kết Bắc - Nam; trên dưới một lòng, triệu người như một quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đoàn kết, thống nhất vốn là một truyền thống tốt đẹp của Đảng ta, nhân dân ta; trong những lúc khó khăn, cả nước càng đoàn kết, thống nhất để vượt qua thử thách lớn nhất. Nhờ đoàn kết, thống nhất, dân tộc ta mới vượt qua được hiểm họa ngoại xâm và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đối đầu với một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh bậc nhất thế giới, Đảng đã hoạch định đường lối cách mạng, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm mục tiêu chung là đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3/1964) nêu rõ: Để thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần giữ gìn hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta “đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa (…) Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy” [8, tr.106-108]. Hưởng ứng mục tiêu chính nghĩa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông đảo các tầng lớp nhân dân từ Bắc đến Nam đã một lòng, một dạ tích cực xây dựng hậu phương, tòng quân ra tiền tuyến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chiến lược của Đảng, các hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất thích hợp ở mỗi miền lần lượt ra đời và hoạt động tích cực như: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” ở miền Bắc; “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” và “Liên minh các lực lượng dân

chủ, hoà bình miền Nam Việt Nam” ở miền Nam. Tuyên ngôn, chương trình, nghị quyết của các hình thức Mặt trận này đều quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân Việt Nam siết chặt hàng ngũ trong Mặt trận, đoàn kết thực hiện mục tiêu đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Các quan điểm, chủ trương đúng đắn về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, với các hình thức phù hợp đã đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở miền Bắc XHCN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy tụ và phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và với quyết tâm “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến lớn”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... Nhiều phong trào thi đua được phát động và đem lại những hiệu ứng tích cực như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”… Cả miền Bắc ngày đêm hướng về miền Nam, dốc hết sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Cả miền Nam ngày đêm hướng về miền Bắc như hướng về đầu nguồn của cách mạng và kháng chiến. Tinh thần đoàn kết ấy đã tạo nên sức mạnh to lớn - sức mạnh của nhân dân, góp phần làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Có được sức mạnh, tinh thần quật cường đó của nhân dân là do Đảng đã dũng cảm khẳng định và truyền cho toàn dân ý chí chống xâm lược gang thép; đã sáng suốt hoạch định đường lối chiến tranh cách mạng với việc triệt để động viên toàn dân. Đó là cái “cẩm nang thần kỳ” làm nên thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, trong giai đoạn từ 1945 đến 1975, mặc dù gặp phải vô vàn những khó khăn, thử thách, nhưng bằng lý tưởng là Đảng phải lãnh đạo nhân dân giữ vững chính quyền để làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành. Thêm vào đó là sự gương mẫu, hy sinh của cán bộ, đảng viên được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện đã thu phục được lòng dân bằng tâm đức của mình. Đường lối, chính sách của Đảng cho từng giai đoạn, thời điểm là kịp thời, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của đất nước, của mỗi miền. Cách thức chuyển từ đạt quyền lực một cách hợp lý thành lãnh đạo, cầm quyền một cách hợp pháp là kịp thời, nhanh chóng. Phương thức tuyệt đối hóa quyền lực của Đảng đối với Nhà nước cũng là cần thiết, phù hợp để đạt được hiệu lực và hiệu quả,… Chính những yếu tố cơ bản đó tạo cho Đảng có sức hấp dẫn cao đối với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, một lòng ủng hộ, đi theo sự lãnh đạo của Đảng để vượt qua hàng loạt khó khăn, thử thách - tức là Đảng đã tích tụ được hầu hết các yếu tố để tạo nên tính chính đáng cao trong cầm quyền của Đảng trong suốt thời kỳ này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tính chính đáng của đảng cộng sản cầm quyền ở việt nam (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)