Kết cấu theo trình tự biên niên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuấn, chàng trai nước việt từ góc nhìn thể loại (Trang 74 - 77)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Kết cấu theo trình tự biên niên

Nổi bật và giữ vị trí chủ đạo trong Tuấn, chàng trai nước Việt là kết cấu biên niên. Đây là kết cấu theo trình tự từng năm, từng mốc thời gian của lối biên niên trong ghi chép sử học. Toàn bộ tác phẩm có 45 chương, được sắp xếp theo trình tự thời gian, tất cả trải dài trong 45 năm; bắt đầu từ năm 1900 (chương 1) và kết thúc vào ngày 19-8-1945 (chương 45). Ở đầu mỗi chương

đều có phần tóm lược nội dung chính. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, giữa lối biên niên và tiểu thuyết chương hồi.

Tiếp cận Tuấn, chàng trai nước Việt qua từng chương, từng trang,từng sự kiện được ghi chép cụ thể, có thể thấy tính biên niên của tác phẩm được thể hiện rất rõ ràng. Thời gian trong tác phẩm diễn ra theo trình tự xuôi chiều, giữa thời gian tự sự và thời gian lịch sử trùng khít nhau. Những sự kiện diễn ra có quan hệ hầu như sát hợp phần lớn với thực tế lịch sử - xã hội.

Tình hình Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến khi kết thúc cuộc đô hộ được Tuấn ghi lại cụ thể qua các thời kỳ lịch sử cụ thể như sau: chương 1 (1900-1910); chương 2 (1910-1916); chương 3 (1916); chương 4 (1916- 1920); chương 5 (1921); chương 6 (1923); chương 7 (1924); chương 8 (1920-1924); chương 9 (1924); chương 10 (1920-1924); chương 11 (1920- 1924); chương 12 (1920-1924); chương 13 (1925); chương 15 (1926); chương 16 (1926); chương 17 (1926); chương 19 (1927); chương 20 (1927); chương 21 (1927); chương 22 (1927); chương 23 (1927-1930); chương 24 (1930); chương 25 (1930); chương 26 (1930); chương 27 (1931); chương 28 (1931); chương 29 (1932); chương 30 (1932); chương 31 (1932-1933); chương 33 (1933-1934-1935); chương 34 (1933-1935); chương 35 (1936- 1937); chương 36 (1937); chương 37 (1937); chương 38 (1937); chương 40 (1937-1938-1939); chương 41 (1939); chương 42 (1940); chương 43 (1940- 1941); chương 44 (1942-1943); chương 45 (1944-1945). Có thể thấy, mỗi chương đều diễn ra trong một thời điểm hoặc một thời đoạn cụ thể. Các mốc thời gian này nối tiếp với nhau qua từng chương, không hề bị đứt đoạn. Thời gian lịch sử trong tác phẩm được ghi lại một cách liền mạch theo chiều tuyến tính. Đây chính là điển hình của lối ghi chép biên niên trong sử học.

Trong kết cấu biên niên của Tuấn, chàng trai nước Việt, có những chương tác giả viết theo giai đoạn, có những chương lại viết theo từng năm.

Có những năm, tác giả chỉ viết gói gọn trong một chương. Có những năm được viết kéo dài từ chương này qua chương khác. Mặc dù vậy trình tự sắp xếp về thời gian thì luôn liên tục và theo chiều tuyến tính.

Trong Tuấn, chàng trai nước Việt, các chương không được đặt tên theo một nhân vật, một sự kiện hay một nội dung tóm tắt đó. Tất cả các chương đều được đặt tên theo năm hoặc năm + địa danh. Đó là năm, nơi diễn ra các sự kiện sắp được kể trong mỗi chương. Chẳng hạn, tên của chương 21 là “1927”, tên của chương 22 là “Hà Nội - 1927”, tên của chương 25 và 26 là “1930”, tên của chương 27 và 28 là “1931”. Việc đặt tên chương theo năm là một trong những biểu hiện rõ nét của kết cấu biên niên. Bởi về mặt hình thức, cách đặt tên này rất giống với cách đặt tên chương, mục trong phương pháp viết sử theo lối biên niên.

Kết cấu biên niên của Tuấn, chàng trai nước Việt còn được thể hiện rõ ở tính cụ thể, chính xác về mốc thời gian của mỗi sử kiện. Mỗi sự kiện lịch sử nổi bật trong tác phẩm đều gắn liền với một mốc thời gian cụ thể, chính xác theo từng năm. Chẳng hạn, năm 1927 gắn với sự kiện đám tang cụ Phan Đức Kế, năm 1930 gắn với sự kiện khởi nghĩa Nguyễn Thái Học thất bại, năm 1932 gắn với sự kiện phong trào “Tiểu thư đi bộ” ra đời, năm 1932 gắn với sự kiện phụ nữ Huế chống phong trào lãng mạn của phụ nữ Hà Nội… Theo từng năm từ trước đến sau, các sự kiện lịch sử được thuật lại một cách chính xác, lớp lang. Toàn bộ tác phẩm đều được viết theo phương thức này. Tính chất biên niên của tác phẩm vì thế được thế hiện rất rõ.

Bên cạnh lối ghi chép biên niên của sử học, tác giả còn kế thừa một trong những thủ pháp đặc trưng của tiểu thuyết chương hồi là tóm tắt nội dung từng chương ở đầu mỗi chương. Chẳng hạn, chương 32 tóm tắt hai nội dung chính là “thực lực của quân đội thuộc địa Pháp chiếm đóng ba xứ Bắc Trung Nam” và “cuộc diễu binh ngày 14-7-1939”; chương 33 tóm tắt nội

dung “thực lực và khuyết điểm của các đảng cách mạng Bắc Trung Nam”. Điều này giúp người đọc dễ dàng theo dõi tác phẩm với một dung lượng lớn lên đến gần nghìn trang. Hơn nữa, sự kết hợp này còn tạo ra tính hấp dẫn, gợi sự tò mò cho độc giả, mang đến cho tác phẩm ấn tượng độc đáo riêng so với các tác phẩm văn xuôi đương thời.

Tổ chức kết cấu tác phẩm theo lối chương hồi là một dụng ý nghệ thuật của tác giả Nguyễn Vỹ trong Tuấn, chàng trai nước Việt. Ngoài chức năng thông báo nội dung chính để tiện theo dõi và gây tò mò cho người đọc, kết cấu theo lối chương hồi còn giúp cho tác phẩm có sự liên kết chặt chẽ giữa các chương, đảm bảo tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm. Hơn nữa, với nội dung tóm lược ở đầu chương và nội dung cụ thể trong chương có thể đối chiếu, kết cấu theo lối chương hồi còn đảm bảo tính khách quan, chính xác cho các sự kiện cũng như giọng điệu trần thuật. Có thể nói, với kết cấu này, tính chất hư cấu của truyện, tiểu thuyết trong Tuấn, chàng trai nước Việt, được giảm xuống tối đa, đồng thời, tính khách quan, chân thực của thể ký được tăng cường lên đáng kể.

Với kết cấu biên niên, tuần tự các lớp sự kiện được diễn ra theo từng mốc thời gian cụ thể, trong đó, tất cả đều là sự kiện thật diễn ra trong thời gian thật, ở địa điểm thật. Đây là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của thể loại ký. Kết cấu biên niên được sử dụng triệt để trong Tuấn, chàng trai nước Việt xóa nhòa ranh giới thể loại giữa tiểu thuyết và ký. Đây là lý do quan trọng để tác giả Nguyễn Diên Xướng khẳng định Tuấn, chàng trai nước Việt là một tác phẩm “biên ký”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuấn, chàng trai nước việt từ góc nhìn thể loại (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)