6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Thời gian nghệ thuật
Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [12; tr.322]. Có thể hiểu, thời gian nghệ thuật là thời gian được thể hiện trong tác phẩm văn học. Khác với thời gian khách quan luôn tuyến tính và đo được bằng đồng hồ, lịch, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể vươn tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài
thành một chốc lát và ngược lại, có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận.
Thời gian nghệ thuật “thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới” [12; tr.322]. Sự cảm nhận, tự cảm thấy của con người đa dạng, phong phú bao nhiêu thì thời gian nghệ thuật trong văn học của đa dạng, phong phú bấy nhiêu. Do đó, nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu con người trong văn học nói riêng không thể bỏ qua phương diện thời gian nghệ thuật.
Khảo sát Tuấn, chàng trai nước Việt, chúng tôi nhận thấy, hai kiểu thời gian tiêu biểu, nổi bật trong tác phẩm này là thời gian tuyến tính và thời gian phi tuyến tính. Trong đó, thời gian tuyến tính xuất hiện xuyên suốt, chiếm giữ vị trí chủ đạo trong toàn bộ tác phẩm.
3.2.2.1. Thời gian tuyến tính
Thời gian tuyến tính là thời gian trong câu chuyện diễn ra theo trình tự xuôi chiều từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Trong Tuấn, chàng trai nước Việt, kiểu thời gian này xuất hiện thường xuyên, được thể hiện theo trình tự biên niên ký và đặc biệt, đó đều là những mốc thời gian cụ thể, xác thực, gắn liền với các sự kiện thực, trong đó có nhiều sự kiện lịch sử nổi tiếng.
Trong tác phẩm Tuấn, chàng trai nước Việt, biểu hiện nổi bật nhất của kiểu thời gian tuyến tính là trần thuật theo năm lịch sử. Cụ thể, đó là khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1900 và kết thúc vào năm 1945 được thuật lại một cách liền mạch qua các chương. Mỗi chương có thể kể lại các sự kiện trong một năm hoặc nhiều năm nhưng toàn bộ dòng thời gian sự kiện từ 1900 đến 1945 của tác phẩm không hề đứt đoạn, ngắt quãng. Tính chất liên tục, xác thực của thời gian trong tác phẩm là một trong những biểu hiện của việc
Tuấn, chàng trai nước Việt là tác phẩm thiên về ghi chép, coi trọng sự kiện, gần gũi với thể ký.
của nhân vật trung tâm Tuấn cùng các sự kiện lịch sử liên quan. Mỗi chương trong tác phẩm thường viết về khoảng thời gian một năm hoặc vài năm với sự kiện mới trong cuộc đời của nhân vật hoặc những sự kiện xã hội gắn liền với nhân vật. Chẳng hạn, chương 1 viết về quảng thời gian từ năm 1900-1910, kể về tuổi thơ và thời đi học của Tuấn; chương 2 viết về quãng thời gian từ năm 1910-1916, ngoài sự kiện ra Huế tiếp tục đi học của Tuấn, còn có nhiều sự kiện xã hội khác như “trường Nữ học Đồng Khánh Huế mở năm 1917”, “vụ vua Duy Tân, tháng 5 năm 1916, Huế” [68; tr.89]; chương 3 chỉ nói về năm 1916 với các sự kiện “người Pháp mộ lính sang Pháp đánh giặc Đức”, “ba chàng trai tráng tình nguyện đi lính qua Tây, kỳ Đệ nhất Thế chiến 1914- 1918” [68; tr.133], bên cạnh sự kiện Tuấn vẫn còn đi học… Cứ như thế, các sự kiện được kể song song với các mốc thời gian cụ thể, xác thực. Thời gian liền mạch khiến cho các sự kiện luôn có cảm giác liền mạch, luân phiên tiếp nối với nhau tạo nên những chuỗi sự kiện bất tận. Tính chất ký sự của tác phẩm vì thế cũng được thể hiện rõ nét hơn.
Ngoài các sự kiện của cuộc đời Tuấn, trong tác phẩm còn có rất nhiều sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Hầu như ở chương nào cũng có mặt các sự kiện này. Đặc điểm chung của chúng là được trần thuật theo trật tự thời gian tuyến tính, sự kiện nào diễn ra trước kể trước, sự kiện nào xảy ra sau kể sau, hoàn toàn không có bất cứ một sự đảo lộn nào về thời gian. Xuyên suốt Tuấn, chàng trai nước Việt, các sự kiện đều được kể lại một cách xuôi chiều như vậy. Chẳng hạn, năm 1939, nổi bật là sự kiện “quân đội thuộc địa Pháp ở Saigon, Hà Nội, Huế tập trận ráo riết”; năm 1940 nổi bật với các sự kiện “Hải Phòng bị Nhật ném bom lần đầu tiên”, “Lạng Sơn bị Nhật chiếm”; năm 1942 nổi bật với sự kiện “quân đội Nhật đóng tại Hà Nội, Hải Phòng, rồi chiếm lần vào Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Saigon”. Bên cạnh các sự kiện theo từng năm, các sự kiện trong mỗi năm cũng được trần thuật theo thời gian
tuyến tính này. Nhìn chung, tác giả tuân thủ triệt để phương thức trần thuật theo thời gian tuyến tính khi thuật lại toàn bộ các sự kiện trong tác phẩm, từ sự kiện của cuộc đời nhân vật đến sự kiện lịch sử, từ sự kiên vi mô trong từng năm đến các sự kiện vĩ mô qua từng năm. Đó là lí do để chúng tôi khẳng định, thời gian tuyến tính là thời gian chủ đạo và nổi bật nhất trong Tuấn, chàng trai nước Việt.
Thời gian tuyến tính là một phương diện thành công trong tổ chức thời gian nghệ thuật của Tuấn, chàng trai nước Việt. Chiếm vị trí chủ đạo, xuyên suốt trong tác phẩm, được thể hiện một cách liền mạch với tính cụ thể, xác thực cao, lại gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử nổi tiếng đã góp phần gia tăng tính hiện thực cho tác phẩm. Những sự kiện trong cuộc đời của Tuấn nhờ đó mà mang tính xác thực hơn. Điều này làm cho tính chất tự truyện của Tuấn, chàng trai nước Việt được thể hiện rõ nét. Có thể nói, thời gian tuyến tính được thể hiện đậm nét, là một trong những dấu hiệu quan trọng để đưa tác phẩm đến gần với thể ký hơn.
3.2.2.2. Thời gian phi tuyến tính
Đây là kiểu thời gian đặc thù trong nghệ thuật, đặc biệt là văn chương. Nó thường được thể hiện không theo trật tự trước sau theo chiều quá khứ hiện tại tương lai như của thời gian tuyến tính. Thời gian phi tuyến tính gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại. Thời gian nghệ thuật có thể có nhiều phương thức tổ chức như dồn nén, kéo giãn, phân cách, hòa trộn, … tùy theo cảm quan sáng tạo của mỗi nhà văn, mỗi loại hình văn học, mỗi khuynh hướng hay trào lưu văn học. Qua đó giúp người đọc cảm nhận được nhiều chiều, nhiều lớp của hiện thực.
Thời gian phi tuyến tính trong Tuấn, chàng trai nước Việt vừa là khách thể vừa là chủ thể, đồng thời còn là công cụ phản ánh của nhân vật. Đời sống con người được miêu tả trong sự cọ xát và nhịp đi nhanh chậm của thời gian. Có những chương tác giả chỉ điểm qua một vài sự kiện diễn ra qua các năm. Chẳng hạn: Ở Chương 2, dù thời gian rất dài đến 6 năm (1910-1916) với rất nhiều sự kiện quan trọng diễn ra nhưng được tác giả viết khá ngắn gọn. Tương tự, ở chương 33, dù quãng thời gian đến 3 năm (1933-1935) nhưng tác giả cũng chỉ viết sơ lược qua với duy nhất một vấn đề “thực lực và khuyết điểm của các đảng cách mạng Bắc Trung Nam” [68; tr.733].
Bên cạnh việc dồn nén thời gian, trong Tuấn, chàng trai nước Việt, tác giả còn thường xuyên sử dụng thủ pháp kéo giãn thời gian. Trong tác phẩm, ở nhiều chương, khi cần tập trung miêu tả chi tiết về hoạt động, khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật Tuấn thì tác giả để thời gian được giãn cách. Chẳng hạn ở Chương 7 (1924), ngoài việc nhắc đến những sự kiện diễn ra ở Trung Kỳ, tác giả còn giành hơn một nửa dung lượng chương để kể về tình bạn giữa đôi nam nữ học sinh là Tuấn và Tuyết. Trong những trường hợp này, tác giả thường sử dụng yếu tố ngoài cốt truyện như chính luận, trữ tình, để các thể loại khác như thư, thơ, báo xuất hiện. Chẳng hạn ở chương 13 chỉ viết về quãng thời gian 1 năm (1926) với sự kiện tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu bị bắt giam nhưng tác giả đã dùng đến một dung lượng lớn 29 trang (trang 360 – 389) để khắc họa tâm trạng bàng hoàng, lo lắng của Tuấn và Lài, những thanh niên giàu nhiệt huyết cách mạng, hết lòng kính phục cụ Phan. Nhiều lá thư (cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt) trao đổi của hai nhân vật, những bài thơ, câu thơ mang tâm sự được tăng cường sử dụng. Tất cả tạo nên cảm giác thời gian như chậm lại, ngưng đọng trước nỗi lo lắng, đau buồn khi vị anh hùng dân tộc, linh hồn của phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc những năm 20, 30 đã rơi vào tay giặc.
Ngoài những mốc thời gian cụ thể (ngày, tháng, năm,…) được đưa vào như những cái mốc để nhận biết bối cảnh lịch sử cũng như tạo nên mã sự thật của quá khứ được kể lại, các trang ký đầy ắp những sự kiện liên tiếp nhau tạo nên mạch thời gian trôi chảy gấp gáp cho tác phẩm. Chúng được kể một cách triền miên, liên tục, nhiều khi có cảm giác thời gian như không còn tồn tại, dù thực tế, nó chỉ chìm đi đằng sau các lớp sự kiện mà thôi. Sự dồn nép, chồng chất các sự kiện như vậy khiến cho không khí của các tác phẩm ký trở nên căng thẳng, trữ lượng tư liệu lớn, thông tin dày đặc trên mỗi trang hồi ký và làm mờ đi thời gian cụ thể, tuyến tính.
Nhìn chung, tuy không nổi bật, xuyên suốt trong tác phẩm như thời gian tuyến tính nhưng thời gian phi tuyến tính là một thành công khác trong
Tuấn, chàng trai nước Việt trên phương diện tổ chức thời gian nghệ thuật nói riêng, hình thức thể hiện nói chung.