Tình hình kinh tế, xã hội huyện Bố Trạch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá biến động sử dụng đất bằng công nghệ ảnh viễn thám tại huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 41 - 43)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.2. Tình hình kinh tế, xã hội huyện Bố Trạch

3.1.2.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2014-2015 thực hiện 13.298 ha, tăng 1% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực 36.117 tấn, đạt 110,4% kế hoạch vụ Đông Xuân, đạt 80% kế hoạch cả năm, tăng 1,3% so cùng kỳ.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu thực hiện trên 4.450 ha, bằng 98,8% so cùng kỳ.

Tuy vậy, công tác quy hoạch và chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả còn chậm, nhiều địa phương chưa thực sự mạnh dạn trong công tác chuyển đổi cây trồng, dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn. Năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chưa cao, chất lượng còn thấp; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, diện tích manh mún nên hạn chế áp dụng cơ giới hóa, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Sản phẩm qua chế biến còn ít, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp.

- Chăn nuôi: Tính đến ngày 1/4/2015, đàn trâu 7.210 con, tăng 1,5%; đàn bò 23.600 con, tăng 6,7%; đàn lợn 108.715 con, tăng 1,6%; đàn gia cầm 642.950 con, bằng 99,7% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong đạt 8.942 tấn.

Các loại dịch bệnh được kiểm soát an toàn; công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được chú trọng, đạt kết quả khá; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế của ngành chăn nuôi, còn mang tính nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh tại một số địa phương có tập quán chăn nuôi thả rong còn đạt thấp nên dịch bệnh vẫn xảy ra.

- Lâm nghiệp: Tập trung chỉ đạo công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống cháy rừng. Toàn huyện, trồng mới 278 ha rừng tập trung, 35.000 cây phân tán; khai thác rừng trồng 249 ha, sản lượng 16.125 tấn, giá trị thu được trên 13 tỷ

đồng. Chỉ đạo thực hiện việc giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình; giao đất, giao rừng cho cộng đồng theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép kịp thời.

Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở một số địa phương còn hạn chế; ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên cháy rừng vẫn xảy ra. Việc phối hợp của các chủ rừng và chính quyền địa phương chưa đồng bộ, thiếu kịp thời nên công tác bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều hạn chế.

- Thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản 9.414,5 tấn, đạt 42,7% kế hoạch, tăng 8,1% so cùng kỳ; trong đó, khai thác 8.559,8 tấn, đạt 44% kế hoạch, tăng 6,6% so cùng kỳ; nuôi trồng đạt 854,7 tấn, đạt 33,5% kế hoạch, tăng 27,3% so cùng kỳ.

Trong đợt thí điểm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ- CP, huyện có 5 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, trong đó đã có 1 tàu võ sắt đã được đóng thành công và tham gia khai thác 2 chuyến trên biển. Toàn huyện có 315 tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí hỗ trợ cho ngư dân 6 tháng đầu năm 24,1 tỷ đồng, đưa tổng số kinh phí hỗ trợ là 89,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các vùng nuôi trồng thuỷ sản tại một số địa phương chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn nuôi bền vững; tuy diện tích nuôi trồng có tăng nhưng không đáng kể, năng suất nuôi còn thấp, loại hình nuôi và con nuôi chưa đa dạng; công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh chưa tốt nên còn để xảy ra dịch bệnh tại xã Đồng Trạch với diện tích 0,8 ha [22].

3.1.2.2. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp duy trì ổn định. Tổng giá trị sản xuất 322,1 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), đạt 46,7% kế hoạch, tăng 8,2% so cùng kỳ.

Tổ chức rà soát, thẩm định xét duyệt hỗ trợ vốn khuyến công năm 2015 cho các cơ sở; rà soát, thống kê hiện trạng lưới điện hạ áp nông thôn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo.

Tuy vậy, mức tăng giá trị sản xuất giữa các ngành không đều, một số ngành còn thấp so cùng kỳ; các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn về vốn, chi phí và thị trường tiêu thụ. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức để phát triển các ngành nghề nông thôn.

3.1.2.3. Xây dựng cơ bản

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện trên 426,1 tỷ đồng, tăng 4,4% so cùng kỳ. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ hệ thống đường giao thông nông thôn, quản lý phương tiện vận tải đường bộ và tình hình hoạt động của bến đò khách ngang sông có hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở các xã còn chậm; việc thực hiện cấp giấy phép xây dựng chưa nghiêm túc theo quy định.

3.1.2.4. Chương trình xây dựng nông thôn mới

Có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; hệ thống cơ chế, chính sách cơ bản được sửa đổi, hoàn thiện và phổ biến đến tất cả các xã. Đến nay, có 2 xã Hoàn Trạch; Hải Trạch được công nhận xã nông thôn mới năm 2014; số xã đạt 15-18 tiêu chí 9 xã; số xã đạt 9-14 tiêu chí 11 xã; số xã đạt từ 9 tiêu chí trở xuống 6 xã (có 2 xã chỉ đạt 2 tiêu chí là Tân Trạch, Thượng Trạch) [22].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá biến động sử dụng đất bằng công nghệ ảnh viễn thám tại huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 41 - 43)