Tình hình quản lý đất của huyện Bố Trạch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá biến động sử dụng đất bằng công nghệ ảnh viễn thám tại huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 43 - 50)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.3. Tình hình quản lý đất của huyện Bố Trạch

Trong những năm qua, do các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình đã quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai, vận dụng vào địa phương một cách hợp lý, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người sử dụng đất nhận thức rõ hơn về quyền sở hữu đất đai của Nhà nước và quyền sử dụng đất của mình... nên công tác quản lý đất đai ở tỉnh đạt được những kết quả khá quan trọng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm, công tác đo đạc bản đồ địa chính tiến độ còn chậm, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất ổn định lâu dài... vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực hiện đầy đủ.

3.1.3.1. Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện

Thực hiện Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đến nay công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đã đi vào nề nếp, ngày càng chặt chẽ hơn, phần lớn quỹ đất đã được giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Luật đất đai năm 2013 ra đời đã góp phần đáng kể vào việc tạo khung pháp lý cao hơn, cụ thể hóa hơn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, tạo môi trường thông thoáng hơn cho đầu tư phát triển…

Nhìn chung, các văn bản đã ban hành kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của huyện, góp phần quan trọng đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng đất trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời các vi phạm xảy ra trong công tác quản lý sử dụng đất. Đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích theo quy định của pháp luật hiện hành.

3.1.3.2. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính

Thực hiện Chỉ thị số 364/CP ngày 06/1/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) - về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã - dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Bố Trạch đã lập hoàn chỉnh bộ hồ sơ địa giới hành chính cấp huyện và cấp xã. Nhìn chung đường địa giới hành chính là rõ ràng. Tuy nhiên còn một số đoạn thuộc khu vực đồi núi chưa được mô tả chi tiết, một số điểm mốc đặc trưng đã bị mất.

3.1.3.3. Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất

Huyện Bố Trạch đã đo đạc xây dựng các loại bản đồ và hồ sơ địa chính được lưu ở 3 cấp tỉnh - huyện - xã.

Đến nay, huyện Bố Trạch đã được đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy cho 17 xã, thị, có 06 xã đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thẩm định xong hồ sơ và Đơn vị tư vấn đang viết giấy chứng nhận, có 01 xã chưa trình hồ sơ: Thị trấn Nông trường Việt Trung. Huyện đã hoàn chỉnh việc đánh giá phân hạng đất cấp huyện theo phương pháp quốc tế FAO - UNESCO cho các loại đất nông, lâm nghiệp và đất chưa sử dụng có khả năng sản xuất nông nghiệp và xây dựng được bản đánh giá phân hạng đất và bộ bản đồ đất, bản đồ đơn vị đất đai; xác định được các loại hình sử dụng đất, phân tích hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng xã hội của các loại hình sử dụng đất, qua đó đề xuất các loại hình sử dụng đất có hiệu quả để quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất.

3.1.3.4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Kết quả lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất * Quy hoạch sử dụng đất:

- Cấp huyện: huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 03/7/2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện theo đúng pháp luật, đồng thời là khung định hướng để lập quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất của huyện và của cấp xã.

- Cấp xã: 30/30 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Bố Trạch đã hoàn thành việc lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

* Kế hoạch sử dụng đất:

Trước đây trên địa bàn huyện việc lập kế hoạch sử dụng đất mới dừng ở mức thống kê danh mục, diện tích các công trình dự án, lập kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và thủy sản chuyển sang sử dụng vào mục đích chuyên dùng và đất ở. Tuy nhiên, từ năm 2015, 2016 UBND huyện đã tiến hành lập kế hoạch sử dụng đất của từng năm trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Nhìn chung, công tác điều tra, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trong những năm qua đã được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Kết quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giúp cho UBND các cấp đánh giá, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất đai, làm cơ sở hoạch định phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi rộng cũng như phục vụ cho quá trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cụ thể ở mỗi địa phương, cho từng đối tượng, từng chủ sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều phương án quy hoạch, kế hoạch chất lượng chưa cao, còn chồng chéo nhất là quy hoạch sử dụng đất của các ngành. Thực tế hiện nay, các ngành, lĩnh vực có sử dụng nhiều đất đang phải tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc xây dựng mới phương hướng, quy hoạch phát triển của ngành mình.

3.1.3.5. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về đất đai của huyện thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Công tác tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ về quyền sử dụng đất cụ thể như sau: - Chuyển mục đích: Có 130 trường hợp;

- Đấu giá: Có 195 trường hợp;

- Cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 65 trường hợp;

- Cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụngđất và Đăng ký biến động: 497 trường hợp;

- Chuyển nhượng quyền sử dụngđất: 535 trường hợp; - Tặng cho quyền sử dụng đất: 390 trường hợp; - Tách thửa, hợp thửa: 465 trường hợp;

- Thừa kế: 325 trường hợp;

3.1.3.6. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

- Năm 2016, UBND huyện đã giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và tham mưu được 11 công trình là Tạo quỹ đất xã Nam Trạch; Tạo quỹ đất xã Đồng Trạch; Tiểu cải tạo dự án lưới điện trung áp tỉnh Quảng Bình tại địa phận huyện Bố Trạch; Tạo quỹ đất khu vực Lòi Huyện và Động Cát xã Đại Trạch; Quy hoạch chi tiết khu vực khai thác sét gạch ngói làm vật liệu xây dựng của công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hương Hạnh tại xã Đại Trạch; Quy hoạch chi tiết xã Vạn Trạch; Đường dây 220kV Ba Đồn - Đồng Hới bổ sung; Nâng cao độ tin cậy cung cấp lưới điện trung áp tại xã Lý Trạch; Quy hoạch chi tiết xã Đức Trạch; Tạo quỹ đất khu dân cư tỉnh lộ 2 bổ sung; Đường ra Biên giới Thượng Trạch bổ sung.

- Được sự tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở và ban hành các Quyết định về đấu giá quyền sử dụng đất ở tại các xã Hưng Trạch, Nam Trạch, Trung Trạch, Đồng Trạch, Vạn Trạch, Hoàn Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Bắc Trạch, Đức Trạch; đất nuôi trồng thủy sản và đất thương mại, dịch vụ tại xã Trung Trạch.

- Ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất ở tại các xã Bắc Trạch, Hưng Trạch, Nam Trạch, Hoàn Trạch, Đức Trạch, Tây Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Trung Trạch, Nhân Trạch.

- Ra Thông báo bán giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất đã đưa ra đấu giá nhưng không có người tham gia tại các xã: Đức Trạch, Lý Trạch, Bắc Trạch, thị trấn Hoàn Lão.

- Phối hợp trong công tác xác định giá đất cụ thể để đấu giá và giao đất.

3.1.3.7. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Trong những năm qua, công tác đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được những kết quả quan trọng. Các đơn vị tư vấn đã được Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ đo đạc trên địa bàn huyện Bố Trạch. Kết quả thực hiện như sau:

UBND huyện đã ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 23 xã, thị trấn: Đại Trạch, Nam Trạch, Nhân Trạch, Bắc Trạch, Tân Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch, Phú Trạch, Vạn Trạch, Sơn Lộc, Thượng Trạch, Hoàn Trạch, Hải Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch, Thị trấn Hoàn Lão, Sơn Trạch, Cự Nẫm, Phú Định, Phúc Trạch, Đồng Trạch, Thanh Trạch, Liên Trạch (Trong đó: xã Thanh Trạch, Liên Trạch, Hưng Trạch mới chỉ ký Giấy chứng nhận đất nông nghiệp).

Có 17 xã, thị trấn đã bàn giao hồ sơ dự án để đưa vào sử dụng: Nhân Trạch, Vạn Trạch, Phú Trạch, Hoàn Trạch, Tây Trạch, Sơn Lộc, Đại Trạch, Hải Trạch, Thị trấn Hoàn Lão, Sơn Trạch, Bắc Trạch, HạTrạch, Mỹ Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch, Hòa Trạch, Nam Trạch

Có 06 xã đã được Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thẩm định xong hồ sơ và Đơn vị tư vấn đang viết giấy chứng nhận, cụ thể: Đức Trạch, Trung Trạch, Thanh Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch, Liên Trạch.

Có 01 xã chưa trình hồ sơ: Thị trấn Nông trường Việt Trung.

Hiện nay, về khối lượng công việc cũng như chất lượng sản phẩm thật sự chưa đạt kế hoạch, đa số các đơn vị thực hiện chậm tiến độ, đặc biệt là khâu đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất[22].

3.1.3.8. Thống kê, kiểm kê đất đai

Thực hiện công tác thống kê, kiểm kê đất đai trong những năm qua ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đã phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo công tác thống kê, kiểm kê đất đai hoàn thành đúng thời gian, số liệu kiểm kê đã có sự thống nhất với các ngành có liên quan và được UBND huyện phê duyệt, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường đúng thời gian quy định. Kết quả kiểm kê đất đai năm 2014 cho thấy cơ cấu đất đai của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích đất sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội đều tăng cao so với kỳ kiểm kê năm 2005. Huyện đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai năm 2014 theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 3303/BTNMT ngày 16/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014, theo đó:

- Thực hiện chính sách quản lý nhà nước về đất đai, cùng với sự chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn huyện đã triển khai công tác thống kê đất đai hàng năm và kiểm kê định kỳ 5 năm.

- Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được bộ số liệu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất của 2 cấp hành chính với độ tin cậy cao[22].

3.1.3.9. Xây dựng hệ thống thống thông tin đất đai

Công tác đo đạc cấp giấy chứng nhận thực hiện song song song với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh do đó việc cấp giấy thực hiện đến đâu là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đến nấy tạo thuận lợi cho cơ sở dữ liệu đảm bảo tính thời sự, cập nhật liên tục. Huyện Bố Trạch là một trong những huyện trọng điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do đó công tác xây dựng được chú trọng. Phần mềm xây dựng cơ sở dư liệu là phần mềm Vilis 2.0 chuẩn theo quy định của tổng cục quản lý đất đai.

3.1.3.10. Quản lý tài chính về đất đai và giá đất

Hiện nay, huyện thực hiện thu các khoản thu từ đất gồm 03 nguồn thu: thuế nhà đất, thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân từ đất, thuế thuê đất, tiền cấp quyền sử dụng đất.

- Riêng trong năm 2015, các khoản thu từ đất cho ngân sách đạt 101.151 triệu đồng, trong đó:

+ Thuế nhà đất: 109 triệu đồng; + Thuế trước bạ: 16.755 triệu đồng;

+ Thuế thu nhập cá nhân từ đất: 6.760 triệu đồng;

+ Thu tiền thuê đất + thu quỹ đất hành chính sự nghiệp: 792 triệu đồng; + Thu tiền cấp quyền sử dụng đất: 76.735 triệu đồng.

3.1.3.11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

Căn cứ vào quy định của pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng, trong những năm qua các cấp, các ngành trong huyện đã và đang quản lý, giám sát việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất ngày một tốt hơn điều đó thể hiện ở việc đã được các cấp Uỷ đảng, Chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, ra các Chỉ thị, Nghị quyết và cụ thể hoá các chủ chương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để triển khai thực hiện ở đia phương, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của người dân đồng thời cũng động viên và huy động được nhân dân tham gia đóng góp nghĩa vụ với nhà nước bằng việc thực hiện tốt các chính sách thuế và nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3.1.3.12. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai không chỉ giúp phát hiện và giải quyết các vi phạm pháp luật về đất đai mà qua đó còn là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật đất đai, giúp các nhà làm luật hiểu sâu sắc hơn sự phức tạp của mối quan hệ đất đai, từ đó có chính sách điều chỉnh phù hợp và sát thực hơn.

3.1.3.13. Phố biến, giáo dục pháp luật về đất đai

Hàng năm huyện đã lên kế hoạch triển khai, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để người sử dụng đất nắm được các quy định cơ bản của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các vi phạm pháp luật về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành quản lý đất đai góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai được tổ chức sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; bảm bảo tính chủ động, chính xác, rõ ràng, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện;

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá biến động sử dụng đất bằng công nghệ ảnh viễn thám tại huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 43 - 50)