3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.3.2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, cơ hội và thách thức
3.3.2.1. Những tồn tại, hạn chế
- Các đơn vị, hộ gia đình chủ yếu áp dụng phương thức trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, băm dăm làm nguyên liệu giấy với mật độ trồng bình quân từ 1.600 cây/ha đến 2.000 cây/ha.
- Công tác đo đạc, giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cón chậm, nhiều hộ gia đình trồng rừng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất, khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp lâm sinh.
- Hiệu quả mang lại từ rừng trồng hiện nay chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có của vùng, giá trị mang lại thấp do phương thức sản xuất chưa thực sự hợp lý.
- Chu kỳ khai thác gỗ dăm ngắn khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đất đai bị xói mòn, thảm thực vật bị hủy diệt, động vật rừng không còn nơi sống và nhiều hậu quả về môi trường khác.
- Nhà nước đã ban hành những chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được.
3.3.2.2. Nguyên nhân
- Diện tích đất lâm nghiệp tập trung ở các huyện miền núi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nên trồng rừng với chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập. Vì vậy, việc kéo dài thời gian khai thác rừng để kinh doanh gỗ lớn sẽ rất khó khăn.
- Trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài nên khả năng gặp rủi ro cao như cháy rừng, gió bão. Trong khi đó, chưa có chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ và giá cả vẫn còn thiếu ổn định.
- Trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi như cầu vốn lớn, vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất cao, nhưng khó tiếp cận. Nhà nước chưa có gói tín dụng khuyến khích chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.
- Chưa có những mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ.
3.3.2.3. Thời cơ, thuận lợi
- Định hướng phát triển ngành lâm nghiệp của cả nước và tỉnh Bình Định nói chung và của huyện Vân Canh nói riêng trong thời gian tới trọng tâm là phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng giá trị gia tăng của ngành. Vì vậy, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn đã được ban hành.
- Nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ tinh chế, gỗ xây dựng hàng năm rất lớn, trong khi đó nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên không còn, và nguồn nguyên liệu gỗ nội địa duy nhất chỉ còn gỗ rừng trồng.
- Vân Canh có diện tích rừng trồng lớn, chiếm khoảng 2/5 diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện.
- Chứng chỉ quản lý rừng bền vững hiện đã có một số công ty trên địa bàn huyện và một số nhóm hộ tham gia Dự án WB3 thực hiện, đáp ứng được các yêu cầu để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu đem lại hiệu quả cao.
- Ngành Lâm nghiệp của huyện Vân Canh đã có những chuyển biến tích cực, từ sản xuất khai thác rừng tự nhiên là chủ yếu đã chuyển mạnh sang xã hội hoá nghề rừng, đa thành phần, đa nguồn lực đầu tư và khai thác rừng trồng là chính.
- Đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nâng cao chất lượng rừng và được hưởng các thành quả từ áp dụng công nghệ nuôi cấy mô vào sản xuất cây giống.
- Bước đầu đã củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, cùng với các dự án ngành lâm nghiệp đã hình thành những vùng trồng rừng kinh tế, quy mô tập trung ngày càng tăng, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản trong huyện và tỉnh.
- Toàn tỉnh hiện có 104 doanh nghiệp chế biến gỗ tinh chế với tổng công suất khoảng 350.000 m3/năm. Trong đó nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 13%, còn lại 87% nguyên liệu của các doanh nghiệp là nhập khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển trồng rừng sản xuất kinh gỗ lớn.
3.3.2.4. Những khó khăn và thách thức
- Phần lớn rừng trồng sản xuất hiện có trên địa bàn huyện là kinh doanh gỗ nhỏ (chu kỳ kinh doanh từ 5-7 năm), chủ yếu phục vụ cho băm dăm. Mặc dù hiệu quả kinh tế thấp hơn so với trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, nhưng người dân thiếu vốn đầu tư nên vẫn chấp nhận.
- Hiện tại mức hỗ trợ của các chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng kinh doanh gỗ lớn còn thấp và chỉ dừng lại ở một số hạng mục, trong khi đó suất đầu tư cho trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cao, chu kỳ kinh doanh dài dễ gặp rủi ro… nên chưa tạo được động lực thúc đẩy và sức hấp dẫn đối với người dân đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.
- Kết cấu hạ tầng phục vụ cho trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng và khai thác rừng, vận chuyển lâm sản còn nhiều hạn chế, các khâu công việc thực hiện phần lớn là thủ công nên năng suất lao động thấp.
- Chưa có sự liên kết, hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp chế biến với người trồng rừng, tình trạng ép giá, tranh mua tranh bán gỗ nguyên liệu còn xảy ra phổ biến.
- Trong xuất khẩu, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới còn vướng nhiều về rào cản kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp.
- Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 đối tác trong đó có Hoa Kỳ, FTA Việt Nam - EU, FTA... Khi các Hiệp định này được ký kết
và thực hiện, thị trường nội địa tiêu thụ đồ gỗ chế biến của các doanh nghiệp trong nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng sẽ bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm đồ gỗ chế biến từ các nước này.