Sữa là thực phẩm quan trọng và thiết yếu nhưng do giá thành quá cao so với mức thu nhập trung bình của người Việt nên việc chi tiêu đối với sản phẩm này còn hạn chế. Chi tiêu cho sữa chiếm hơn 10% trong tổng chi tiêu cho thực phẩm tại Việt Nam. GDP bình quân đầu người tăng trưởng ổn định là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiêu thụ sữa [16].
Tính trong cả 6 tháng đầu năm 2018, tổng mức chi tiêu cho sản phẩm sữa toàn thị trường chỉ đạt mức thấp dưới 5%, đặc biệt là khu vực thành phố vẫn tiếp tục tăng trưởng âm. Tuy nhiên, trong quý 3/2018, mức chi tiêu cho các sản phẩm sữa tại cả khu vực thành thị và nông thôn đều cho thấy dấu hiệu tăng trưởng trở lại [16].
Chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam đã cho thấy sự phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước ước đạt khoảng 713.3 nghìn tấn, tăng 8.4% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường sữa nước Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 22,4% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính đến 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu tiêu thụ sữa nước đạt 36.8 nghìn tỷ đồng, tăng 21.01% so với cùng kỳ năm 2017 [16].
Doanh thu tiêu thụ sữa chua trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt gần 12.4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tiêu thụ sữa đặc trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 5.2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017 [16].
Từ năm 2010 đến hết năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 7.17 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm Việt Nam bỏ ra 897 triệu USD để nhập khẩu sữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước [16].
Với xu thế phát triển hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng đa dạng. Người dân không chỉ dùng sữa tươi, sữa bột mà còn dùng các loại sữa khác như: sữa chua, sữa tiệt trùng, sữa lên men …