2. Mục tiêu của đề tài
1.2.1. Tình hình hạn hán trên thế giới
Hạn hán đã ảnh hưởng đến rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các vùng khô hạn, bán khô hạn. Ảnh hưởng của hạn ngày càng nghiêm trọng hơn với tần suất và thời gian kéo dài, mức độ khắc nghiệt tăng lên, phạm vi hạn cũng mở rộng hơn. Hạn hán thường gây ảnh hưởng trên diện rộng. Tuy ít khi là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất về nhân mạng nhưng thiệt hại do hạn hán gây ra rất lớn.
Australia là một nước phát triển, với diện tích tự nhiên 7.686.850 km2, dân số năm 2005 là 20.406.000 người. Australia thường xuyên phải đối mặt với hạn hán vì có lượng mưa thấp. Để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đối phó với hạn hán và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, chính phủ và người dân Australia có nhiều kinh nghiệm tốt trong quản lý tài nguyên nước và khai thác công trình thuỷ lợi [1].
Ở Trung Quốc hạn hán đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, đặc biệt là tại các khu vực có đông người nghèo. Hạn hán là nguyên nhân gây tổn thất đến 48% tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp của Trung Quốc. Khoảng 61 triệu người đã thiếu nước cho sinh hoạt trong giai đoạn xảy ra hạn hán nặng 2000 - 2001, ảnh hưởng đến hơn 620 thành phố và thị xã trên phạm vi 18 tỉnh. Ngoài ra, ở những thành phố lớn như Đại Liên, Tây An, Hoàng Hải và Thiên Tân, nguồn nước cấp suy giảm một cách nghiêm trọng. Thời kỳ hạn hán này đã làm tổn thất 115 triệu tấn lương thực, gây áp lực lớn đến an toàn lương thực quốc gia. Trong năm 2006, hạn hán lần nữa xảy ra gây thiếu nước cho khoảng 36 triệu người và tổn thất khoảng 42 triệu tấn lương thực. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực phía Tây Nam, một trong những vùng nghèo nhất bao gồm Quảng Châu, Tứ Xuyên và Vân Nam, với khoảng 20 triệu người, tương đương 9,9% dân số trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc, chính quyền các tỉnh và địa phương đã xây dựng các hướng dẫn cũng
như kế hoạch quản lý hạn hán. Ngoài ra, rất nhiều các quy chế, quy định đã được thiết lập để quản lý hạn hán [1].
Israel là một đất nước nằm trong khu vực khô hạn có tổng diện tích là 20.770km² với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Israel đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa, để điều phối các hoạt động của các cơ quan Chính phủ trong phòng chống sa mạc hoá, Ban chỉ đạo được cố vấn bởi một Ủy ban bao gồm các chuyên gia trong việc đưa ra các khuyến nghị về chuyên môn cũng như việc phân bổ ngân sách. Nội dung các hoạt động khẩn cấp bao gồm các hoạt động về đánh giá, phòng chống và quan trắc mức độ nhiễm mặn của đất, xói mòn đất, về công tác quản lý đất đai, cháy rừng, xây dựng và khai thác hệ thống giao thông có thể được thể chế hoá trong kế hoạch hành động quốc gia. Biện pháp nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho đội ngũ lãnh đạo về những gì đang diễn ra và các tổn thất do hoang mạc hóa, sa mạc hóa gây ra là tối cần thiết. Công việc quan trọng của ban chỉ đạo là đánh giá các mối quan hệ tương tác giữa sa mạc hoá, sự suy giảm của đa dạng sinh học và dự báo các tác động trong tương lai do biến đổi khí hậu để thiết kế một cơ chế phối hợp thực hiện có hiệu quả đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Đông Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do khu vực này có đường bờ biển dài, mức độ tập trung dân số và các hoạt động kinh tế ven biển cao, đồng thời phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và lâm nghiệp. Biến đổi khí hậu đã có những ảnh hưởng đến khu vực này, biểu hiện ở tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới gia tăng trong vài thập kỷ trở lại đây. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn tình trạng khô hạn, cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực, gây nên cháy rừng và sự xuống cấp của khu vực ven biển, đồng thời làm tăng nguy cơ về sức khỏe [1].