Công tác phòng chống dịch bệnh chung của tỉnh Quảng Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm bệnh dịch tả lợn châu phi tại tỉnh quảng ninh và đề xuất biện pháp phòng chống (Trang 57 - 60)

Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

3.8.2.1.Khi dịch chưa xảy ra:

Ngay khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm địa bàn tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi tỉnh Quảng Ninh. Công tác ban hành văn bản chỉ đạo

của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn kịp thời, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch; các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh được thành lập và tích cực kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch tại cơ sở, hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, các điểm tập kết, các chợ có buôn bán lợn sống, các cửa khẩu, đường mòn lối mở.

3.8.2.2. Khi xảy ra dịch:

Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động toàn bộ cán bộ chuyên ngành chăn nuôi và thú y tại các đơn vị trực thuộc của Sở tăng cường cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch; thông báo đường dây nóng báo cáo dịch bệnh; phân công 11 cán bộ kỹ thuật phụ trách theo dõi địa bàn; hướng dẫn kỹ thuật quy trình xử lý ổ dịch, kỹ thuật chôn hủy lợn bệnh, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biên soạn tài liệu tuyên truyền cấp phát cho các địa phương; tổ chức hội nghị, tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phòng Kinh tế/Nông nghiệp, các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp của 14 địa phương; Các hộ chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn toàn tỉnh.

Cập nhật và tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Toàn tỉnh có 142 chốt kiểm dịch động vật được thành lập (gồm 07 chốt cấp tỉnh; 13 chốt cấp huyện; 122 chốt cấp xã) kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn. Tăng cường hoạt động của các tổ cơ động cấp xã, cấp huyện. Thực hiện truy xuất nguồn gốc lợn tại 06 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (841cơ sở); thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch xuất tỉnh.

Tại địa phương, các tổ, đội tiêu hủy lợn cấp xã, cấp thôn được thành lập. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh, hố chôn lợn bệnh được tăng cường.

Song song với triển khai các biện pháp chống dịch, phương án bảo vệđàn lợn, phát triển chăn nuôi cũng được hết sức quan tâm.

Hướng dẫn các doanh nghiệp nuôi giữ giống gốc trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện;

Nghiên cứu phát triển chăn nuôi gia cầm (gà Tiên Yên, gà bản địa); các loài gia súc khác (trâu, bò, đê, cừu, thỏ...) phù hợp với quy hoạch để bù đắp cho chăn nuôi lợn.

Thực hiện bảo tồn giống lợn Móng Cái, giống gốc dưới dạng tinh phôi đông lạnh, tái tạo giống Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi.

Kiểm soát vận chuyển lợn giống, lợn nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng dịch theo Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn theo quy định. Kiểm tra, giám sát các điểm chôn hủy lợn, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, địa phương khắc phục, xử lý các sự cốđảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp thu mua lợn sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách; giữ ổn định giá lợn, có nguồn thực phẩm an toàn cung cấp cho nhu cầu thị trường trong thời gian tới.

3.8.2.3. Công tác phát triển đàn lợn sau dịch

Để thực hiện tốt việc quản lý đàn lợn, phát triển chăn nuôi trong và sau khi xảy ra dịch bệnh DTLCP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương không nên thực hiện việc tái đàn tại các xã, phường, thị trấn đang xảy ra dịch, các hộ có lợn bị bệnh dịch trong thời gian qua. Việc tái đàn chỉ nên áp dụng đối với các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi nằm trong vùng dịch tả lợn châu Phi cấp xã đã qua 60 ngày không phát sinh dịch, thực hiện triệt để công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại mới được tái đàn và phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về công tác vệ sinh, phòng dịch.

Dự kiến tổng sản lượng thịt lợn trong năm 2020 là 98.516 tấn; sản lượng thịt lợn cung ứng hết quý 2/2020 khoảng 45.000 tấn. Hiện nay, tình hình tái đàn chỉ mang tính cầm chừng, thăm dò (khoảng 20%), chủ yếu tại cơ sở chủ động được nguồn giống. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (5-20 con) để trống chuồng, nhất là các hộ có lợn bị bệnh buộc tiêu hủy trong thời gian qua (16.225 hộ/29.688 hộ chiếm 54,65%).

Trong thời gian tới các hộ chăn nuôi còn chịu tác động của các quy định chặt chẽ của Luật Chăn nuôi 2018: các hộ nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi buộc phải di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi; các hộ nằm trong khu vực được phép chăn nuôi phải đảm bảo các quy định về mật độ nuôi, quy mô nuôi, khoảng cách đến các đối tượng chịu ảnh hưởng... do đó chủ trương của ngành chỉ khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện, chủ động nguồn giống sạch bệnh, thực hiện cải tạo hạ tầng đảm bảo an toàn sinh học đểđầu tư nuôi mới.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển chăn nuôi thời gian tới, các dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ và Nghị Quyết 194/2019/NQ- HĐND ngày 20/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2023 được triển khai áp dụng theo Quyết định số 35/2019/QĐ- UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành triển khai thực hiện Nghị Quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Toàn tỉnh hiện tại có tổng số 19 dự án liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm bệnh dịch tả lợn châu phi tại tỉnh quảng ninh và đề xuất biện pháp phòng chống (Trang 57 - 60)