Tình hình chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp sử dụng đất nông nghiệp ở vùng cát ven biển tại huyện quảng ninh tỉnh quảng bình (Trang 52 - 54)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.2.1. Tình hình chung

Các xã vùng cát ven biển của huyện Quảng Ninh như: xã Võ Ninh, xã Hải Ninh và xã Gia Ninh vừa có dải cồn cát trắng, địa hình thấp, đất ven sông bị nhiễm phèn đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, canh tác của người dân nói riêng, diện tích đất trồng lúa không lớn, nhiều diện tích chỉ làm được một vụ. Hầu hết khu vực phía đông trồng rừng phòng hộ hoặc bỏ trống, dân cư sinh sống ở 2 khu vực chính: dọc quốc lộ 1A và ở ngay sát cồn cát. Các xã này có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ khá lớn nằm trong khu vực ven đê giáp sông Nhật Lệ từ vài năm nay, đã có đóng góp đáng kể cho kinh tế xã hội địa phương cũng như thu nhập của các hộ gia đình. Ngoài ra người dân ở đây còn kết hợp nghề chài lưới, kinh doanh, dịch vụ.

Trên vùng đất cát huyện Quảng Ninh có 2 loại hình kinh tế chính:

- Kinh tế hộ: Qua gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10, sản xuất nông nghiệp ở huyện Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế nông hộ đã phát huy được tính năng động, đa dạng và hiệu quả kinh tế. Trên vùng cát ven biển của huyện, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Công tác đầu tư, thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, kinh tế nông hộ chủ yếu vẫn theo kiểu truyền thống, sản xuất mang tính chất tự cung tự cấp là chính. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, nông dân thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu khoa học kỹ thuật,... nên hiệu quả sản xuất thấp, tình trạng đói nghèo vẫn diễn ra.

- Kinh tế trang trại: Ở vùng cát ven biển tập trung các trang trại lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản. Các trang trại phát triển khá nhanh theo hướng kinh tế sinh thái, trong đó, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp là thế mạnh. Phát triển kinh tế trang trại đã khẳng định được một số giống cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, tăng độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 62%, góp phần cải tạo môi trường sinh thái bền vững hơn. đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, tạo hướng sản xuất kinh doanh mới trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, tăng khả năng khai thác có hiệu quả tiềm

năng và các nguồn lực ở nông thôn và đất đai vùng cát ven biển. Trang trại đã góp phần quan trọng vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế trang trại đã và đang khẳng định là mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn.

Nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế sinh thái trên vùng đất cát ở huyện Quảng Ninh, chúng tôi có một số nhận định sau đây:

- Tình trạng manh mún, phân tán đất sản xuất:

Tình trạng này là lực cản đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiều hộ nông dân có đủ điều kiện trang bị máy móc (máy kéo, máy cày,...) nhưng vẫn phải sử dụng những dụng cụ lao động thủ công (cày, cuốc,...) do quy mô diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, phân tán. Sản xuất manh mún cũng hạn chế tác dụng của các khâu sản xuất đòi hỏi phải tiến hành tập trung nhất định thì mới có hiệu quả như phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu,... dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Vì vậy, kinh tế nông nghiệp tuy vẫn đang phát huy hiệu quả nhưng cũng chứa đựng mâu thuẫn giữa sản xuất manh mún, phân tán với yêu cầu sản xuất hàng hóa có áp dụng công nghệ mới vào nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn.

- Các dịch vụ cho nông nghiệp chưa tốt:

Dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp chưa tốt, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn là mối lo cho người nông dân. Các tổ chức dịch vụ chưa làm tốt việc gắn kinh doanh với phục vụ sản xuất theo cơ chế mới.

- Trình độ của người nông dân còn thấp: Trình độ tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh của nông dân hiện nay còn thấp, chủ yếu làm theo thói quen kinh nghiệm truyền thống. điều kiện, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt thị trường hạn chế, chỉ một số ít nông dân biết tính toán làm ăn, vươn lên làm giàu còn phần lớn các hộ sản xuất mới đủ ăn, chưa mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh.

- Sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn có xu hướng gia tăng:

Khoảng cách về thu nhập giữa các hộ nông dân giàu - nghèo ngày càng tăng, sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng lên. đây là một vấn đề xã hội cần quan tâm.

- Cơ sở hạ tầng yếu kém:

Cơ sở hạ tầng ở nông thôn tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. đặc biệt, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi còn yếu kém cả về số lượng và chất lượng, còn nhiều bất cập đối với yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm:

Tuy nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh kém. Lao động nông thôn dư thừa, thu nhập thấp. Khu vực phi nông nghiệp phát triển tự phát, không ổn định và tăng trưởng chậm.

- Mâu thuẫn giữa sản xuất và môi trường:

Sản xuất nông nghiệp thường tạo ra mâu thuẫn với việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Người nông dân do thiếu hiểu biết hoặc do lợi ích kinh tế khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,... gây ô nhiễm môi trường.

Những vấn đề nảy sinh làm hạn chế sự phát triển của nông nghiệp. Nhiệm vụ lâu dài là phải giúp cho con người hiểu được quy luật và cấu trúc đích thực của hệ thống thiên - địa - nhân trên từng khu vực, từng vùng sinh thái cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao mà không làm suy thoái tài nguyên và môi trường. Vì vậy, xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái bền vững cho các nông hộ và trang trại hợp lý là một việc làm rất cần thiết để phát triển nông nghiệp bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp sử dụng đất nông nghiệp ở vùng cát ven biển tại huyện quảng ninh tỉnh quảng bình (Trang 52 - 54)