biến đổi đạo đức người cán bộ, đảng viên
Từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung chuyển sang nền KTTT định hướng XHCN là một bước chuyển biến sâu sắc trong cơ sở kinh tế - xã hội, điều đó có tác động mạnh mẽ đến những yếu tố trong kiến trúc thượng tầng, đặc biệt là đạo đức.
Kinh tế thị trường là gì? Là nền kinh tế ra đời và phát triển
dựa trên sự phân công lao động xã hội và có sự phân chia về lợi ích giữa các chủ thể kinh tế. Nền kinh tế thị trường khác với nền kinh tế tự nhiên, nó là giai đoạn phát triển cao hơn nhiều. Nếu như nền kinh tế tự nhiên chủ yếu tồn tại trong các giai đoạn thấp của xã hội loài người, như xã hội nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, thì nền kinh tế thị trường chiếm ưu thế trong xã hội tư bản. Mối quan hệ giữa người với người trong nền kinh tế tự nhiên là quan hệ trực tiếp, quan hệ huyết thống, mà hình thức thể hiện của nó là quan hệ gia đình, họ hàng, quan hệ địa phương, làng xã... Những quan hệ này gắn kết khá chặt chẽ trong từng cộng đồng nhỏ, nhưng sự liên kết ở phạm vi quốc gia, quốc tế lại không được thường xuyên và gắn bó. Còn trong nền KTTT, quan hệ giữa người với người là quan hệ kinh tế. Mọi người đều mưu cầu lợi ích kinh tế
nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình, quan hệ giữa người với người không mang tính chất trực tiếp mà thông qua trao đổi hàng hóa. Quan hệ giữa những cá nhân, những chủ thể trong nền KTTT là sự cạnh tranh nhau để đạt tới lợi ích riêng của cá nhân, của chủ thể. Chính đặc điểm này mà quan hệ giữa người với người lại được mở rộng và phát triển trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
Đại hội IX của Đảng tổng kết những kinh nghiệm quý báu từ các Đại hội VI, VII, VIII và khẳng định những thành tựu to lớn trên các mặt, nhất là về kinh tế trong quá trình đổi mới. Đại hội chỉ rõ, chúng ta xây dựng CNXH ở một nước mà trình độ kinh tế còn thấp kém, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong quá trình hội nhập vào kinh tế khu vực và quốc tế, chúng ta không chỉ thấp kém hơn trình độ so với các nước trong khu vực, mà trình độ khoa học công nghệ của nước ta còn thuộc loại thấp so với hầu hết các đối tác. Những đặc điểm đó không cho phép chúng ta tiến thẳng lên CNXH mà phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường và nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội có tính chất quá độ. Đại hội coi chủ trương xây dựng và phát triển nền KTTT nhiều thành phần theo định hướng XHCN (gọi tắt là nền KTTT định hướng XHCN) là thể hiện sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đó là mô hình tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
Mục đích của nền KTTT định hướng XHCN là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất gắn liền với quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Các thành phần kinh tế khác nhau hợp thành nền kinh tế quốc dân thống nhất, vừa hợp tác vừa cạnh tranh nhau để cùng phát triển. Trong đó, cái đảm bảo định hướng XHCN về mặt kinh tế là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với nhiều hình thức tổ chức phù hợp. ở đây, tất yếu phải có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách. Đồng thời sử dụng cơ chế KTTT, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của KTTT để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động. Như vậy, định hướng XHCN là định hướng chính trị căn bản cho sự phát triển nền KTTT.
Xung quanh vấn đề tác động của KTTT đến đạo đức xã hội nói chung và đạo đức người cán bộ, đảng viên nói riêng có nhiều cách lý giải khác nhau. Có quan niệm cho rằng, KTTT tất yếu phải trả giá bằng sự "trượt dốc" về mặt xã hội, sự suy đồi về mặt đạo đức. Ngược lại, có quan niệm khác cho rằng, KTTT sẽ tạo ra khả năng đẩy mạnh sự tiến bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Xây
dựng KTTT sẽ nâng cao đạo đức của xã hội, những hiện tượng phản đạo đức chỉ là "sản phẩm phụ" trong buổi đầu xây dựng KTTT, chúng không có mối liên hệ tất yếu với KTTT và sẽ mất đi khi KTTT hoàn thiện, cho dù đó là một quá trình khó khăn và lâu dài. Nhìn chung, các quan niệm này tuy dựa vào một số căn cứ nhất định, nhưng nhược điểm chung là ở chỗ đã tuyệt đối hóa mặt tiêu cực hoặc tích cực của KTTT tác động đến đời sống đạo đức xã hội.
Thực tiễn xây dựng KTTT định hướng XHCN những năm qua cho thấy: KTTT tác động tới đạo đức theo hai hướng cả tích cực và tiêu cực.
- Tác động tích cực: KTTT kích thích phát triển kinh tế - xã
hội. Nó chẳng những không đối lập mà còn là nhân tố khách quan cần thiết trong việc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN. ý nghĩa đạo đức của quá trình chuyển sang KTTT định hướng XHCN ở nước ta trong thời gian qua là ở chỗ nó góp phần to lớn trong việc giải phóng sức sản xuất của xã hội, tăng năng suất lao động, tạo tiền đề vật chất để nâng cao đời sống của nhân dân, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân dân. KTTT kích thích tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của con người, hình thành một cách phổ biến các nhân cách độc lập, phát triển tính tự chủ của cá nhân. KTTT đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm về mặt vật chất của người cán bộ, đảng viên làm công tác điều hành, quản lý. Đảm bảo tốt trách nhiệm cá nhân là một chuẩn mực đạo đức của
người cán bộ, đảng viên. Chuẩn mực này không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng điều muốn nói là ở chỗ, trong nền KTTT chuẩn mực đó trở nên cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên phải được biểu hiện ở hiệu quả của công tác quản lý, lãnh đạo. Từ đó, một mặt, khắc phục được cách xem xét, đánh giá tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên một cách chung chung, trừu tượng. Mặt khác, làm cho "đức" và "tài" gắn bó với nhau, hòa quyện vào nhau. Nếu người cán bộ, đảng viên không tự phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng nhu cầu công việc thì sớm muộn cũng bị KTTT đào thải.
KTTT với sự tác động mạnh mẽ của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh... là yếu tố kích thích con người không ngừng vươn lên để tự khẳng định mình; là tác nhân mạnh mẽ buộc các chủ thể kinh tế phải năng động, sáng tạo, thường xuyên chú ý cải tiến và đổi mới kỹ thuật để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, KTTT xóa bỏ chủ nghĩa bình quân, thực hiện phân phối theo lao động, tạo cơ sở khách quan để thực hiện tự do, bình đẳng và xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi. Trước đây, nhiều người quan niệm "người nghèo thì tốt", đến nay quan niệm đó đã trở thành lỗi thời vì không thể xây dựng một đời sống đạo đức tốt đẹp trong điều kiện đời sống vật chất yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, không phải đời sống kinh tế nâng cao là đời sống đạo đức tốt đẹp hơn mà còn tùy thuộc một cách quyết định vào việc
giải quyết quan hệ lợi ích thông qua việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội như thế nào.
Tóm lại, KTTT tạo điều kiện khách quan cho việc phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của con người, là nhân tố cơ bản góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân.
- Tác động tiêu cực: Bên cạnh những tác động tích cực,
KTTT còn tác động tiêu cực đến đời sống đạo đức xã hội nói chung, đạo đức của người cán bộ, đảng viên nói riêng. Điều này biểu hiện như sau:
Thứ nhất, KTTT kích thích mạnh mẽ việc tìm kiếm lợi
nhuận, do đó chủ nghĩa cá nhân có môi trường phát triển. Lối sống "vì mình, quên người", "vì lợi, bỏ nghĩa" có nguy cơ lan rộng và bào mòn nhân tính của con người. Quan hệ giữa người với người dễ bị che khuất trong quan hệ trao đổi hàng - tiền. Trong KTTT, nếu hướng nội dung hoạt động của mình vào mục tiêu lợi nhuận bằng mọi cách thì con người sẽ phát triển một cách phiến diện, trở thành "con người méo mó".
Thứ hai, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất hàng
hóa theo cơ chế thị trường, tệ sùng bái đồng tiền xuất hiện cùng những hành vi phản đạo đức gây tác hại nghiêm trọng đến việc xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh. Đồng tiền trở thành mục tiêu, mục tiêu này là ma lực lôi cuốn con người lao theo cơn lốc lợi nhuận bằng bất cứ giá nào. Không ít trường hợp vì đồng tiền và
chức vụ đã làm biến dạng quan hệ giữa người với người. Trong cơ chế thị trường, tất cả mọi cái đều có thể trở thành hàng hóa, đều có thể mua bán được. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên những tệ nạn xã hội và sự băng hoại về đạo đức ở một số người. Và cũng từ đây, không ít cán bộ, đảng viên đánh mất nhân phẩm của mình, đồng thời tự cho mình cái quyền chà đạp lên nhân phẩm người khác. Họ định giá trị của con người căn cứ vào của cải của người đó; sử dụng con người và quan hệ với con người dựa trên chủ nghĩa thực dụng, tính toán ích kỷ. Trong lối sống, do sẵn có đồng tiền làm ra không mấy vất vả (lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng...), họ tiêu xài lãng phí theo kiểu "vứt tiền qua cửa sổ", sa đọa, trụy lạc, gây bầu không khí độc hại trong xã hội. Vụ Lương Quốc Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam - là một ví dụ điển hình.
Thứ ba, KTTT kích thích sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân,
với triết lý "sống chết mặc bay" trái ngược với đạo đức đích thực của con người. Chủ nghĩa cá nhân mâu thuẫn với chủ nghĩa tập thể và là kẻ thù của chủ nghĩa tập thể.
Chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ cực đoan đẩy người cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng tha hóa bản chất: Lợi dụng chức quyền mưu lợi ích riêng. Thực ra KTTT không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này, nhưng bản thân KTTT "cũng là môi trường thuận lợi để nảy sinh và phát triển nhiều loại tệ nạn xã hội" [25, tr.
155]. Trên thực tế việc lợi dụng chức quyền của cán bộ, đảng viên thể hiện trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người như kinh tế, văn hóa, chính trị, nghệ thuật, giáo dục, y tế... Việc lợi dụng chức quyền làm ăn phi pháp không chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm phẩm chất đạo đức đơn thuần mà đã trở nên nghiêm trọng trong một số cán bộ đảng viên, làm cho nhân dân hết sức bất bình, căm phẫn.
Thứ tư, KTTT hiện nay ở nước ta, bên cạnh những mặt tích
cực như làm cho nền kinh tế sống động, phát triển mạnh mẽ, tiếp cận được với công nghệ tiên tiến của nhiều nước..., còn đưa lại những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phương Tây, của lối sống thực dụng tư sản. Bằng nhiều con đường, ngõ ngách, thông qua mở cửa, phim, băng hình, sách báo, tranh ảnh có nội dung đồi trụy, bạo lực, tuyên truyền lối sống thực dụng... ồ ạt vào nước ta. Chúng trực tiếp hay gián tiếp "gặm nhấm, ăn mòn" những nguyên tắc đạo đức XHCN, những giá trị truyền thống của dân tộc.
Như vậy, đối với đạo đức của xã hội nói chung và đạo đức của người cán bộ, đảng viên nói riêng, KTTT có sự tác động hai mặt: tích cực và tiêu cực. ảnh hưởng tiêu cực của nó tuy khó tránh khỏi, nhưng không phải là một tất yếu phải cam chịu như một định mệnh. Một nền KTTT hoàn thiện, lành mạnh, bản thân nó đã chứa đựng sự ràng buộc luân lý trong quan hệ giữa người với người. Vả lại, đời sống kinh tế không phải là toàn bộ đời sống của con người. Đời sống con người mang những giá trị nhiều mặt. Vì vậy, khi chủ
động, tự giác từng bước xây dựng và hoàn thiện KTTT theo định hướng XHCN cần phải tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho người dân, trước hết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được những tác động tích cực và ngăn chặn, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của KTTT.