Kế tiếp Phù Nam là Chân Lạp và sau nữa, trên cơ sở hai vương quốc cổ xưa, đó là vương quốc Khơme. Giai đoạn này, về mặt văn hóa nói chung được gọi là Tiền Ăngco (thế kỉ VI – VIII). Trong giai đoạn này, nghệ thuật kiến trúc càng có sự khác biệt với nền nghệ thuật Ấn Độ, riêng có điêu khắc thì còn lưu giữ nhiều nét Ấn Độ. Về tôn giáo: Phật giáo và hai giáo phái của Ấn Độ vẫn tiếp tục tồn tại bên nhau. Hầu hết các vua Khơme cổ đều có góp phần vào phát triền những tôn giáo
đó, cho xây dựng nhiều chùa chiền đạo Phật, đền đài cho cho đạo Hinđu. Trong quá trình song song tồn tại hai tôn giáo kể trên, có thời gian tôn giáo này thịnh, tôn giáo kia suy. Chẳng hạn, Phật giáo bị bạc đãi vào thế kỉ VII song lại phát triển vào thế kỉ VIII.
Đến thời kì Ăngco (thế kỉ IX – XV) các nhà vua tìm đến tín ngưỡng Vua – Thần, một tín ngưỡng bắt nguồn từ sự sùng bái thần Siva của Ấn Độ. Đây là một sáng tạo độc đáo của người Khơme trên cơ sở văn hóa Ấn Độ. Thần Siva được nhân hóa dưới dạng nhà vua, còn vua được thần hóa dưới dạng tượng thần Linga của Siva. Chùa tháp mô phỏng ngọn núi vũ trụ Mêru, nơi ở của thần Indra, chúa tể của thần linh theo quan niệm của người Ấn Độ. Vị trí của Phật giáo Đại thừa cũng có sự thay đổi. Trước thế kỉ XIII, Phật giáo lưu hành ở Ăngco là Phật giáo Đại thừa. Từ giữa thế kỉ XIII, với sự xâm nhập của người Thái, Phật giáo Tiểu thừa dần dần đi vào nhân dân, loại bỏ các tôn giáo khác và giữ địa vị độc tôn, chính thống trong tín ngưỡng Khơme cho đến tận ngày nay.
Trong bộ máy nhà nước, tầng lớp tăng lữ Bàlamôn nắm trong tay những chức vụ quan trọng khác của chính quyền. Họ vừa là những giáo chủ chi phối mọi hoạt động tôn giáo trong cả nước, vừa là các đại thần thân cận của nhà vua trong chính quyền thế tục. Có thể thông qua tầng lớp quý tộc tăng lữ, mà văn hóa Ấn Độ, nhất là văn học, sử thi, luật pháp thâm nhập sâu vào văn hóa Ăngco.
Về chữ viết, trước thế kỉ VII, chữ Phạn là văn tự thông dụng và chính thức trong triều đình. Từ thế kỉ VII trở đi, trên cơ sở kiểu chữ Phạn, hệ thống chữ viết kiểu Khơme được sáng tạo. Chữ Khơme dần dần thay chữ Phạn. Các bài văn bia viết theo kiểu luật thơ Ấn Độ thể hiện trình độ học vấn thời kì Ăngco.
Về văn học, hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana đã đem lại cho dân tộc Campuchia nguồn cảm hứng thú vị và dồi dào để xây dựng nên nền văn hóa dân tộc riêng. Ở Campuchia, nếu Mahabharata sớm bị lãng quên vì nó nói đến sự tranh chấp nội bộ hoàng tộc, thì Ramayana, ca ngợi những lý tưởng cao đẹp, dưới dạng
Khơme hóa thành Riêm Kê vẫn sống mãi với thời gian. Riêm Kê ra đời từ thế kỉ IX đến thế kỉ XIV như là mốc ghi nhớ thời kì ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và xây dựng vương quyền Campuchia.
Về kiến trúc, đây là thời kì phát triển rực rỡ nhất của văn hóa Ăngco truyền thống qua các công trình xây dựng Ăngco. Trong 6 thế kỉ liên tục, kinh đô Ăngco được tô điểm bằng hàng loạt những công trình xứng đáng là kì quan của thế giới. Những tháp nhiều tầng cao vút tượng trưng cho núi Mêru trong thần thoại Ấn Độ song được chạm trổ tinh vi, tỉ mỉ theo phong cách độc đáo của người Khơme.