Ảnh hưởng với Lào

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến văn minh Đông Nam Á (Trang 34 - 36)

Có thể nói, lịch sử xã hội – chính trị của nước Lào từ trước thế kỉ XIV, nhất là từ trước thế kỉ XI được biết đến quá ít ỏi. Các tài liệu về sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Lan Xang cũng không nhiều.

Về ngôn ngữ, gia nhập vào vốn cổ của tiếng Lào, có một khối lượng từ đa tiết trong tiếng Phạn, nhất là tiếng Pali (về triết học, tôn giáo, văn hóa, khoa học) qua con đường kinh viện, song khi trở thành tiếng dân gian, các từ này được biến động, biến âm theo quy luật âm thanh của tiếng Lào.

Về hình thái, chữ Lào cũng như chữ Thái, giống chữ Khơme cổ, Lào đã sáng tạo ra một loại chữ tròn, đơn giản, duyên dáng.

Văn học Lào cũng có những nét chung với kho tàng thần thoại Ấn Độ. Tuy nhiên, người Lào chỉ mượn đề tài cốt truyện rồi dựng lại trong bối cảnh Lào với những nhân vật Lào phản ánh xã hội Lào đương thời, mặc dù vẫn giữ tên người, địa danh Ấn Độ. Các truyện Xin Xay, Kalakệt, Champa siton… vẫn đậm tính dân gian Lào.

Tính chất tôn giáo của kiến trúc, số lượng chùa và sư sãi… nói lên tầm quan trọng của đạo Phật ở Lào. Riêng ở Viêng Chăn có 100 chùa, các chùa Pạ Kẹo, Thạt Luông… là những công trình có thể sánh với các di tích Đông Nam Á cùng thời.

Đạo Phật ở Lào là tôn giáo phổ biến của người Lào Lùm và một bộ phận người Lào Thơng. Mặc dù đại bộ phận người Lào Thơng, Lào Xủng vẫn theo tín ngưỡng thần linh của mình, nhưng họ vẫn quý chùa, trọng sư. Phật giáo phổ biến ở Lào là Tiểu thừa với chính phái là Mahanikai. Về lịch pháp, ở Lào sử dụng lịch Phật Kỷ Saka.

Tóm lại, đạo Phật ở Lào cũng như văn học, nghệ thuật Lào nói chung chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, song những ảnh hưởng đó chỉ dưới dạng thích nghi với cơ sở tín ngưỡng và đạo lí cố hữu của người Lào.

KẾT LUẬN

Giao lưu và tiếp biến văn hóa là một quy luật của lịch sử, cũng là một nhu cầu tất yếu của loài người từ thời xa xưa cho đến ngày nay. Chính nhờ sự giao lưu và tiếp xúc giữa các nền văn minh, đã thúc đẩy cho lịch sử nhân loại không ngừng tiến lên phía trước. Do vị trí địa lí đặc biệt, Đông Nam Á đã trở thành ngã tư đường của các nền văn minh. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến văn minh các nước Đông Nam Á thời cổ đại khá sâu sắc và toàn diện trên nhiều mặt: tôn giáo, nghệ thuật, chữ viết, tổ chức nhà nước… Có lẽ chính vì đến Đông Nam Á một cách hòa bình theo chân các nhà buôn và các nhà truyền đạo, lại có sự gần gũi về tâm linh tôn giáo nên văn hóa Ấn Độ đã nhanh chóng được các cư dân Đông Nam Á tiếp nhận, thâu hóa. Hơn nữa, khi luồng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tràn tới, các dân tộc ở Đông Nam Á còn đang ở trong giai đoạn tiền nhà nước. Vì thế, như có sự tương đồng, không chỉ dân chúng mà cả những tầng lớp trên của xã hội cũng tiếp nhận văn hóa Ấn Độ.

Tuy nhiên, cư dân Đông Nam Á không vì thế mà hòa tan vào trong sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, họ vẫn giữ cho mình những nét đặc trưng riêng của nền văn hóa bản địa trước đây. Và từ sự thâu nhận những nét tinh hoa của văn minh Ấn Độ, họ đã xây dựng nên một nền văn minh khu vực Đông Nam Á độc đáo và không kém phần rực rỡ, đóng góp vào trong kho tàng văn minh chung của nhân loại.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến văn minh Đông Nam Á (Trang 34 - 36)