Một số vướng mắc, bất cập

Một phần của tài liệu Quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh theo hình thức giấy phép (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 44 - 47)

Qua nghiên cứu thực tiễn quy định pháp luật về điều kiến cấp giấy phép kinh doanh, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số bất cập cụ thể như sau:

Thứ nhất, như đã trình bày, điều kiện về tài chính được pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ bồi hoàn khi xảy ra sự cố hoặc có hành vi vi phạm từ phía cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, quy định điều kiện tài chính không phải lúc nào cũng hợp lý. Ví dụ như nhóm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành, điều kiện về tài chính còn nhiều bất cập, cụ thể:

(i) Việc ký quỹ với một số tiền nhất định nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần trên, quyền lợi của bên khách hàng đã được đảm bảo thông qua nhiều quy định khác nhau như việc mua bảo hiểm, khởi kiện,… Hơn nữa, quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ lữ hành với khách hàng được điều chỉnh bằng hợp đồng dân sự. Do đó, quan hệ này sẽ được các công cụ pháp luật tư bảo vệ, không cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua quy định bắt buộc ký quỹ.

(ii) Dịch vụ du lịch không phải là dịch vụ thuộc diện đặc biệt (như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, …). Cung cấp dịch vụ du lịch cũng giống như việc cung cấp các dịch vụ bình thường khác và quan hệ giữa các bên chủ yếu được điều chỉnh bằng pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, cũng chưa có yếu tố hay căn cứ nào cho thấy việc vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ du lịch có nhiều rủi ro hơn so với việc vi phạm các hợp đồng khác tới mức cần phải bắt buộc ký quỹ.

(iii) Số tiền ký quỹ 100 triệu đồng đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là không đủ trong trường hợp khách du lịch đông, hợp đồng có giá trị lớn. Ý nghĩa của việc ký quỹ trong trường hợp này không còn.

Tương tự, yêu cầu về điều kiện tài chính đối với việc cấp Giấy phép dịch vụ việc làm cũng không hợp lý. Theo đó, lý do ký quỹ trong việc cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, rủi ro của hoạt động này xuất phát từ chủ thể sử dụng lao động và người lao động đã được bảo vệ bởi pháp luật về lao động nên cả Giấy phép đối với ngành nghề này lẫn khoản ký quỹ này là không cần thiết.

Thứ hai, có thể nhận thấy rằng, phương án kinh doanh sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra tính khả thi việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, nghề được cấp phép. Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xem xét quyết chấp thuận cấp phép hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc quy định phương án kinh doanh là một trong những điều kiện để cấp Giấy phép đối với một số ngành, nghề là không hợp lý, bởi lẽ:

(i) Chưa có cơ sở nào để xác định việc doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh đúng theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Điều này là không phù hợp với tiêu chí xác định điều kiện cấp Giấy phép.

(ii) Dưới góc độ minh bạch trong quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ dựa trên tiêu chí nào để xác định phương án kinh doanh có khả thi hoặc phù hợp hay không. Hơn nữa, phương án kinh doanh có thể thay đổi do yếu tố thị trường. Do đó, việc đánh giá phương án kinh doanh cũng chỉ mang tính chất tương đối trong thời gian nhất định.

(iii) Dưới góc độ quyền tự chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tự chủ xây dựng phương án kinh doanh. Việc Nhà nước can thiệp sâu vào việc xây dựng phương án kinh doanh của doanh nghiệp là không phù hợp với tinh thần của LDN 2020.

Thứ ba, việc quy định về điều kiện nhân sự là cần thiết khi thực hiện thủ tục

cấp giấy phép. Nhân sự đạt một số yêu cầu sẽ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực hiện hiệu quả, an toàn một số công tác mang tính chất đặc thù, từ đó góp phần bảo đảm lợi ích công cộng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bắt buộc đáp ứng điều kiện về nhân sự đều hợp lý. Đối với những ngành, nghề mức độ nguy hiểm cho cộng đồng không cao thì việc quy định điều kiện về nhân sự là không cần thiết. Ví dụ như hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài làm việc, việc doanh nghiệp không có người lãnh đạo điều hành có trình độ đại học trở lên, hoặc không có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm thì lợi ích công cộng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Theo quan điểm của tác giả, điều kiện về nhân sự trong trường hợp này chỉ đóng vai trò củng cố thêm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi có người lãnh đạo điều hành có trình độ và có kinh nghiệm. Lợi ích công cộng sẽ không bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp có người lãnh đạo điều hành không có kinh nghiệm và không có trình độ từ đại học trở lên. Mặc dù nhiều ngành nghề có đặt

thù về nhân sự, yêu cầu nghiêm ngặt về trình độ và chuyên môn hoặc tối thiểu nhân viên phụ trách phải qua đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, yêu cầu này áp dụng cho vị trí quản lý doanh nghiệp là không thực sự cần thiết vì vị trí này yêu cầu kỹ năng quản trị hơn là kỹ năng chuyên môn, do vậy yếu tố tác động đến lợi ích công cộng là rất hữu hạn. Bên cạnh đó, số năm kinh nghiệm làm việc trong một lĩnh vực cũng không phản ánh được bất kì điều gì bởi ở mỗi vị trí công tác khác nhau thì kinh nghiệm cũng rất khác nhau và chưa hẳn phù hợp cho vị trí mà giấy phép yêu cầu. Về số lượng nhân sự có thể suy đoán là để đảm bảo năng lực hay đúng hơn là công suất xử lý của chủ thể kinh doanh (nhiều người thì tốt hơn một người). Tuy nhiên, bản chất vấn đề này là cung cầu của thị trường và nên để chủ thể kinh doanh tự quyết định, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến lợi ích công cộng.

Thứ tư, các điều kiện áp đặt phương thức kinh doanh và địa bàn kinh doanh

nêu trên là những bất cập trong quá trình xem xét cấp giấy phép. Để xác định có phải là điều kiện bắt buộc khi cấp giấy phép hay không cần dựa trên cơ sở vai trò của điều kiện đó đối với việc bảo vệ lợi ích công cộng. Vấn đề đặt ra là các điều kiện áp đặt phương thức kinh doanh theo thang bậc và tính phụ thuộc như vậy có nhằm mục đích bảo về lợi ích công cộng hay không. Mặc dù có thể suy đoán quy định trên là nhằm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đặc thù (cần có nguồn gốc rõ ràng), nhưng việc áp đặt số thang bậc, số lượng thương nhân trong hệ thống như vậy có đảm bảo được chất lượng hàng hóa hay không. Bởi lẽ trên thực tế, vấn nạn xăng dầu kém chất lượng, rượu giả trên thị trường hiện tại đã phần nào khẳng định câu trả lời là không, chưa kể đến tác động phân biệt đối xử, tạo rào cản gia nhập thị trường cho các thương nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, cơ sở vật chất được đảm bảo sẽ là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp có thể hoạt động tốt trong lĩnh vực ngành, nghề tương ứng. Từ đó, các lợi ích công cộng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điều kiện về cơ sở không phù hợp. Ví dụ như trường hợp quy định về điều kiện diện tích của cảng và thời hạn sở hữu đối với Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: tác giả không nhận thấy có bất kì liên hệ nào giữa các điều kiện về cơ sở vật chất nêu trên với việc đảm bảo lợi ích công cộng. Cụ thể hơn, nếu thương nhân có cơ sở vật chất nhỏ hơn hay hợp đồng thuê có thời hạn ngắn hơn thì có ảnh hưởng gì đến lợi ích công cộng không? Hay ít nhất là có ảnh hưởng gì đến chất lượng hàng hóa hay

không. Bên cạnh đó, từng giai đoạn khác nhau, nhu cầu về cơ sở vật chất của doanh nghiệp khác nhau, việc thay đổi đối tác hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng là rất bình thường. Lúc này, thời hạn tối thiểu của hợp đồng trở thành rào cản cho sự thay đổi và gia tăng rủi ro hợp đồng kinh tế cho chủ thể kinh doanh.

Một phần của tài liệu Quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh theo hình thức giấy phép (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)