Từ những phân tích trên, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh, tác giả kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, bãi bỏ một số quy định điều kiện về vốn khi thực hiện thủ tục cấp
giấy phép. Như đã phân tích, quy định điều kiện vốn tối thiểu còn nhiều bất cập, không đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định vốn tối thiểu giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường. Cụ thể, tác giả kiến nghị như sau:
(i) Bãi bỏ Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định về mức ký quỹ và phương thức ký quỹ đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành;
(ii) Bãi bỏ Khoản 2 Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định bắt buộc doanh nghiệp phải ký quỹ đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ việc làm;
(iii) Bãi bỏ quy định điều kiện tài chính đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Theo đó, bãi bỏ khoản 2 Điều 8 và Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Điều 10 Nghị định 38/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, bãi bỏ một số quy định điều kiện phương án kinh doanh. Như đã phân tích, trong nhiều trường hợp, rất khó để đánh giá phương án kinh doanh của doanh nghiệp có khả thi hay không. Bên cạnh đó, phương án kinh doanh còn phụ thuộc và thay đổi do thị trường. Vì vậy, việc xem xét phương án kinh doanh là không cần thiết khi cấp giấy phép trong một số ngành, nghề. Đồng thời, việc bãi bỏ điều kiện phương án kinh doanh còn góp phần giảm bớt các thủ tục hành chính và đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, tác giả kiến nghị cụ thể như sau:
(i) Bãi bỏ Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện phương án kinh doanh đối với dịch vụ bưu chính;
(ii) Khoản 1 Điều 34 Luật Viễn thông 2009 quy định điều kiện phương án kinh doanh đối với dịch vụ viễn thông;
(iii) Khoản 1 Điều 12 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định điều kiện phương án kinh doanh đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình có trả tiền.
Thứ ba, bãi bỏ quy định về điều kiện nhân sự đối với một số ngành, nghề. Điều kiện nhân sự chỉ nên áp dụng đối với một số ngành, nghề đặc thù mà nếu như nhân sự không đáp ứng đủ điều kiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích công cộng. Ví dụ như các ngành, nghề liên quan đến hạt nhân, vận tải, hàng không … Do đó, tác giả kiến nghị bãi bỏ điểm c, khoản 1 Điều 8 Nghị định số 38/2020/NĐ-CP; khoản 3 Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về điều kiện nhân sự đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Thứ tư, bãi bỏ quy định về điều kiện cơ sở vật chất đối với một số ngành, nghề. Điều kiện về cơ sở vật chất chỉ nên áp dụng đối với một số ngành, nghề đặc thù mà nếu không đáp ứng điều kiện đó, lợi ích công cộng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ như các ngành, nghề liên quan đến hạt nhân, hóa chất nguy hiểm, hàng không… Do đó, tác giả kiến nghị bãi bỏ khoản 4 và khoản 5 Điều 7 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện cơ sở vật chất đối với ngành, nghề kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.