Thứ nhất, Luật Dược 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành
lang pháp lý vững chắc cho hoạt động đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế. Đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế có đặc thù riêng so với các lĩnh vực khác là liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dùng cũng như toàn xã hội, đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang có nhiều chuyển biến theo hướng hội nhập, phát triển, các quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng và khó điều chỉnh thì đây là một thành tựu đáng ghi nhận và được đánh giá cao của pháp luật về đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế. Bởi sự phát triển của pháp luật về dược là cơ sở pháp lý để xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế.
Thứ hai, tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết
hoặc hướng dẫn thực hiện các hoạt động đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế. Theo đó, các quy định của pháp luật hiện hành đã có sự thay đổi theo hướng hợp lý hơn, một trong những ưu điểm đó là các hành vi vi phạm được quy định chi tiết, cụ thể theo hướng tăng mạnh cả về chế tài lẫn thẩm quyền xử phạt nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tính hiệu quả của công cụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký và sản xuất thuốc so với các quy định trước đó, đảm bảo công tác xử phạt hiệu quả hơn.
Thứ ba, tính phù hợp, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký và
sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế. Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định số 176/2013/NĐ-CP đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đăng ký và sản xuất thuốc nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn xử phạt và sự thay đổi phát triển không ngừng của các vi phạm hành chính về đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP bước đầu cơ bản đã giải quyết được những bất cập, còn hạn chế như các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt quy định rõ ràng, cụ thể hơn, bổ sung thêm các quy định mới phù hợp với các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Dược
2016 và các văn bản quy định chi tiết thi hành tạo thuận lợi cho việc áp dụng xử phạt VPHC trong thực tiễn. Với sự thay đổi này, có thể thấy rằng, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã thể hiện sự bao quát, toàn diện hơn trong cách quy định, mở rộng một cách hợp lý phạm vi các vi phạm hành chính về đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế, từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, tránh bỏ sót vi phạm. Đồng thời, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng đã thể hiện được tính răn đe, trừng phạt nghiêm khắc hơn khi quy định tăng mức tiền phạt đối với tất cả các vi phạm hành chính về đăng ký và sản xuất thuốc trong lĩnh vực y tế cũng như bổ sung thêm hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một số hành vi vi phạm quy định về sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.