Bên cạnh những kết quả đạt được đến năm 2019, kinh tế - xã hội của Tỉnh còn không ít những khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt thấp so với kế hoạch và thấp hơn so với năm trước ở hầu hết các khu vực. Nguyên nhân, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước; sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm; sản xuất công nghiệp tăng trưởng không cao; mặt hàng gạo do chịu sức ép cạnh tranh nên giá giảm mạnh và làm cho giá trị kim ngạch xuất khẩu sụt giảm so với kế hoạch; thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra làm giảm năng suất và sản lượng.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và tăng trưởng chưa vững chắc, hiệu quả đầu tư thấp, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư còn nhiều khó khăn nên việc triển khai đầu tư một số chương trình mục tiêu, dự án còn chậm như: Xây dựng xã nông thôn mới; đầu tư giao thông nông thôn; hạ tầng các khu công nghiệp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tuy đã được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Các vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc, trình độ lao động chưa đáp ứng. Đời sống nhân dân vẫn ở mức trung bình, thu nhập bình quân đầu người của Tiền Giang năm 2019 gần 46,9 triệu đồng, bằng 75% so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
- Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ phát sinh nghèo và tái nghèo còn cao (theo kết
quả điều tra hộ nghèo hàng năm, cứ 2 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ phát sinh nghèo và tái nghèo). Một số địa phương, việc bình xét đối tượng hộ nghèo chạy theo chỉ tiêu, thành tích; mặt khác, việc áp dụng tiêu chí về mức thu nhập của hộ nghèo theo quy định chung của Chính phủ trên địa bàn Tỉnh là chưa phù hợp; thực tế số hộ nghèo lớn hơn nhiều so với hộ nghèo có tên trong danh sách điều tra qua các năm.
- Trong quá trình quản lý điều hành thực hiện một số dự án, chương trình giảm nghèo còn chậm, thiếu đồng bộ giữa các ngành chức năng nên vướng mắc; một số địa phương quản lý vốn thiếu chặt chẽ nên việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người nghèo một số địa phương từng lúc chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện thường xuyên; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú đa dạng phù hợp với trình độ nhận thức và điều kiện sinh sống của người nghèo.
- Nguồn thu ngân sách còn thấp và tăng chậm trong khi nhu cầu chi ngân sách ngày càng lớn; khả năng cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn còn rất khó khăn nên hạn chế trong việc cân đối nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách hàng năm để ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn Trung ương thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.