8. Tổng quan các công trình nghiên cứu trước
2.1 Tình hình rửa tiền tại Việt Nam
2.1.1 Tình hình kinh tế xã hội liên quan đến hoạt động rửa tiền tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á với diện tích 331.698 km² và dân số ước tính khoảng 92 triệu người, gồm 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Đường biên giới đất liền dài 4.550km, phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia, phía Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và phía Nam giáp biển Đông và có hơn 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ, trên biển Đông có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Địa hình Việt Nam rất đa dạng theo các vùng tự nhiên gồm rừng núi (độ che phủ khoảng 75%) nên có thể bị bọn tội phạm lợi dụng làm nơi lẩn trốn, cư trú và hoạt động. Các cửa khẩu, đường tiểu ngạch, lối mòn với các nước láng giềng là điều kiện để các đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm gần khu vực tam giác vàng là trung tâm sản xuất ma túy lớn của khu vực và thế giới.
10 cảng biển lớn nhất Việt Nam nằm rải rác khắp khu vực Bắc, Trung, Nam tạo ra cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam có 4 hãng hàng không lớn trong nước và gần 30 hãng hàng không quốc tế đang hoạt động, với gần 150 máy bay và kết nối đến hơn 1.000 điểm đến trên toàn thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có điều kiện thực hiện vận tải giao thương quốc tế bao gồm hàng hóa, tiền tệ chuyển ra, vào và qua Việt Nam bằng đường biển, đường hàng không và đường bộ.
2.1.1.1 Về thị trường tài chính
Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới kinh tế, theo đó đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, mang tính cạnh tranh và năng động với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục từ năm 2012 đến năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ mức 5,25% năm 2012 lên 5,43% năm 2013, 5,98% năm 2014, 6,68% năm 2015. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự giảm sút so với năm 2015, chỉ đạt mức 6,21%; tuy nhiên lạm phát có xu
hướng giảm và được kiểm soát, cán cân thương mại cải thiện, tỷ giá ổn định. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức ấn tượng với sự khởi sắc đồng đều của các ngành, các khu vực kinh tế, tăng trưởng GDP đạt 6,81% là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Lạm phát bình quân tăng 3,53% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu dưới 4%.
Biểu đồ 1.1 Tốc độ tăng trưởng GDP từ năm 2012-2017
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.109 USD, lạm phát cơ bản được kiềm chế, thị trường tài chính - tiền tệ ổn định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng nhanh qua các năm.
Trong những năm gần đây, thị trường tài chính đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là NHTM, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm.
NHTM: Sau quá trình phát triển nóng về số lượng ngân hàng, năm 2012 Chính phủ đã phê duyệt đề án số 254 về tái cấu trúc các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các NHTM. Sau gần 3 năm thực hiện, một số các NHTM yếu kém đã được sáp nhập với nhau, hoặc sáp nhập vào các NHTM lớn; một số NHTM hoạt động yếu kém, nợ khách hàng lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua với giá 0 đồng và nhận nợ thay, chuyển sang mô hình Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, sau đó giao cho các NHTM Nhà nước quản lý, điều hành. Đối với một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh
hoạt động yếu kém, NHNN đã yêu cầu ngân hàng mẹ phải xử lý hoặc cho phép ngân hàng nước ngoài mua lại. Với quy định về mức vốn điều lệ phải đạt mức tối thiểu theo lộ trình, một số ngân hàng đã có sự bứt phá thông qua huy động vốn của các cổ đông, trong đó có các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Một số ngân hàng đã có tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư chiến lược lên đến 30%. Đến nay, vốn điều lệ của một số ngân hàng đã tăng khá, phản ánh thực lực của mỗi ngân hàng và là căn cứ để mở rộng hoạt động huy động vốn, cho vay cũng như phát triển các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán chỉ mới hình thành và phát triển trong hơn một thập kỷ nhưng đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý, cơ cấu và quy mô thị trường khá đầy đủ, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Giá trị vốn hóa thị trường ngày càng cao với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2015 mức vốn hóa thị trường hiện đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 34% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 4.964 tỷ đồng. Trên 2 sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có 682 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 528.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014 và 571 mã trái phiếu với tổng giá trị niêm yết là 709.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2014.
Song song với những kết quả đạt được, thị trường tài chính nước ta còn tồn tại một số vấn đề như: các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều kẻ hở, công nghệ còn tương đối lạc hậu, thiếu biện pháp kiểm soát nguồn tiền vào…Chính điều này đã tạo cơ hội cho bọn tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền thông qua việc gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư chứng khoán hay mua các hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn…
2.1.1.2 Phương tiện thanh toán
Những năm vừa qua, các ngân hàng tại Việt Nam đã đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là dịch vụ thẻ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ (máy ATM và POS) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn. Với những nỗ lực trên thì tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế đã giảm dần trong các năm
gần đây từ 12,06% năm 2014 giảm còn 11,99% vào năm 2017, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 12,06%.
Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong trong phương tiện thanh toán của nước ta vẫn còn ở mức khá cao so với các nước trên thế giới với tỷ lệ trung bình khoảng 14%, gây khó khăn trong công tác giám sát lưu thông tiền tệ. Hiện tại ở những nước phát triển chỉ tiêu này ở mức 1 con số.
Bảng 2.1: Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán (%)
Năm 2014 2015 2016 2017 2018
Tỷ lệ 12,06% 11,88% 12,11% 11,99% 12,06%
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã gây khó khăn cho việc quản lý nguồn tiền lưu thông trong nền kinh tế. Do đó, bọn tội phạm sử dụng tiền mặt để thanh toán mà không sợ bị phát hiện. Chính điều này tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền hoạt động dễ dàng hơn và gây khó khăn trong việc đấu tranh chống lại tội phạm rửa tiền tại Việt Nam.
2.1.1.3 Kiều hối
Kiều hối do người Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm Việt kiều có quốc tịch hoặc thường trú ở nước ngoài và người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch nước ngoài) gửi về nước ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP. Năm 2012, Việt Nam đón nhận hơn 9 tỷ USD và tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2014, xếp thứ 7 sau Hy Lạp (18 tỷ USD), Pakistan và Bangladesh (14 tỷUSD). Tính chung, tốc độ tăng trung bình của kiều hối đạt 38,6%/năm.
Giai đoạn 2010 - 2015, kiều bào ở Hoa Kỳ chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, chiếm khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước, tiếp theo là Australia (9%), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (4%). (Theo báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố 2012- 2017).
(Theo Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đọn 2012-2017 của Chính Phủ, 2019).
Kiều hối có vai trò rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn từ bên ngoài vàoViệt Nam và có xu hướng tăng lên qua các năm. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), kiều hối vào Việt Nam luôn có giá trị lớn và có tính ổn định cao hơn, thể hiện rõ tính ưu việt trong phát triển kinh tế ở Việt Nam trên các mặt sau:
(i) Kiều hối đã bù đắp cho sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối và làm lành mạnh hơn cán cân thanh toán quốc tế. Kiều hối tạo ra nguồn vốn ổn định cho sự phát triển kinh tế, không tạo ra gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế, giúp đất nước giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.
(ii) Xuất khẩu đang là lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, xuất khẩu hoặc du lịch phải đầu tư nhiều mới có được nhiều ngoại tệ, trong khi nguồn thu kiều hối dường như không phải đầu tư, hoặc đầu tư không đáng kể so với lợi ích mang lại.
(iii) Việt Nam được coi là quốc gia hấp dẫn nguồn vốn FDI và tăng đều hằng năm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn FDI cũng đã để lại nhiều tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội gia tăng và sản phẩm đầu ra của dòng vốn FDI nếu không xuất khẩu thì sẽ cạnh tranh với hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, vốn ODA mặc dù là một trong những nguồn vốn quan trọng, nhưng hơn 75% là vốn vay, nên nếu sử dụng không tốt sẽ tạo ra gánh nặng nợ cho các thế hệ sau. Trong khi đó, nguồn vốn kiều hối vừa không phải lo trả nợ vừa không đối mặt với một số tác động tiêu cực trên.
(iv) Kiều hối “chảy” thẳng vào khu vực dân cư, do đó có tính thúc đẩy đầu tư tư nhân cao, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối, đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người lao động.
(v) Kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm quốc gia, được sử dụng cho các hoạt động đầu tư trực tiếp, được gửi bằng ngoại tệ hoặc bản tệ vào các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác và một phần có thể được dự trữ dưới dạng tiền mặt, vàng… Ngoài phần kiều hối được dùng đầu tư trực tiếp, kiều hối được gửi vào các tổ chức tài chính sau đó được cho vay tài trợ vào các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế.
(vi) Kiều hối đóng góp tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính do làm tăng nguồn cung ứng vốn cho các tổ chức tài chính. Kiều hối có thể bù đắp cho những thị trường tài chính kém hiệu quả, bởi lẽ, kiều hối có thể giúp các nhà đầu tư vượt qua được những hạn chế của thị trường tài chính về sự thiếu vắng các sản phẩm huy động và cấp tín dụng phù hợp để tìm kiếm mức sinh lời cao. Trong trường hợp này, kiều hối có tác động trực tiếp đến các hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh những tác động tích cực, nguồn kiều hối cũng tạo ra một số thách thức như: (i) Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam có thể tạo áp lực gia tăng tổng phương tiện thanh toán thông qua gia tăng tài sản có yếu tố nước ngoài ròng (NFA), gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc kiểm soát tiền tệ; (ii) Nếu các dòng ngoại tệ vào Việt Nam qua kênh ODA, đầu tư thương mại gia tăng đột biến, kiều hối sẽ góp phần tạo nên trạng thái không tốt do dư thừa ngoại tệ, gây ra “cơn sốt” bất động sản, chứng khoán, tạo áp lực tăng giá đồng nội tệ, làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của đất nước; (iii) Kiều hối là nguồn ngoại tệ qua các kênh không chính thức nên một phần kiều hối được bán ra chợ đen làm trầm trọng thêmtình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, khiến NHNN khó kiểm soát được hoàn toàn thị trường ngoại hối; (iv) Kiều hối đổ vào Việt Nam, một phần lớn là tới các hộ gia đình và được sử dụng cho mục đích tiêu dùng, nên có thể làm tăng tổng cầu, góp phần làm mất cân đối cung - cầu hàng hóa, khiến lạm phát dễ xảy ra nếu không được kiểm soát và điều tiết hợp lý; (v) Có nhiều đối tượng sử dụng kiều hối để thực hiện hoạt động rửa tiền từ các hoạt động bất hợp pháp (buôn lậu,vận chuyển ma túy, buôn người…).
Bảng 2.2 Thống kê mục đích sử dụng kiều hối tại Việt Nam
Đơn vị: %
Năm Tiêu dùng Gửi tiết
kiệm kinh doanh Sản xuất -
Bất động
sản Mục đích khác
2010 - 2013 5 - 7 30 27 - 30 16 - 17 20 (vàng)
2014 35 11 16 30 8
2015 7,4 0 70,6 22 0
Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn, Thu hút dòng kiều hối về Việt Nam: Vấn đề và giải pháp, Báo Đầu tư, ngày 03/10/2016
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài gia tăng cả về số lượng và số vùng lãnh thổ cư trú theo thời gian. Phần lớn Việt kiều sinh sống và làm việc tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Canada và Pháp (chiếm khoảng 80% số lượngViệt kiều). Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được các vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp, các công ty quốc tế lớn như: Boeing, IBM, HP, Google, Oracle, NASA và nhiều công ty lớn khác. Rõ ràng, một thế hệ trí thức mới những người có nguồn gốc Việt Nam đang hình thành và phát triển, chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia, họ tham gia vào nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế mũi nhọn, như: Công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, vật liệu mới, công nghệ sinh học, chế tạo máy, tự động hóa, năng lượng nguyên tử, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán… So với cộng đồng ngoại kiều khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một cộng đồng trẻ, năng động, nhanh chóng hòa nhập vào xã hội nước sở tại. Trong khi cộng đồng người Việt Nam có xu hướng định cư lâu dài ở những nước như Hoa Kỳ, Australia, Canada và các nước Tây Âu, thì phần lớn người Việt Nam ở Đông Âu và Nga vẫn coi cuộc sống ở nước sở tại là tạm cư với mục đích chính là làm kinh tế, khi có điều kiện sẽ trở về nước sinh sống. Đến nay, một bộ phận lớn bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội nơi họ đang sống và làm việc. Vai trò của cộng đồng ngườiViệt Nam ở nước ngoài ngày càng được nâng cao, thực sự là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan hệ