Trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ấn độ các nước đông bắc á trong bối cảnh chính sách “hướng đông” giai đoạn 1991 – 2000 (Trang 57 - 66)

7. Bố cục của luận văn

2.2.1.1 Trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao

Sau bước đột phá trong mối quan hệ hai nước mà cố Thủ tướng R. Gandhi mở ra trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1988, quan hệ Ấn - Trung bước vào giai đoạn mới – giai đoạn bình thường hóa, cùng hợp tác và phát triển. Ngay sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng N. Rao đã mời người đồng cấp Lý Bằng sang thăm Ấn Độ. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trong báo cáo năm 1990 – 1991 đã tuyên bố rằng, quan hệ hai nước đã có sự cải thiện hơn nên cả hai bên đã có khả năng giải quyết vấn đề

tranh chấp biên giới thông qua thương lượng. Tháng 12/1991, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng sang thăm Ấn Độ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc sau 31 năm kể từ kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Chu Ân Lai. Thủ tướng N. Rao đánh giá rất cao chuyến thăm của Thủ tướng Lý Bằng coi đây là “một cột mốc trong sự phát triển tình hữu nghị giữa hai nước” [10, tr. 173], và đánh giá đây là “chuyến đi thăm bổ ích nhất và hai nước đã có những bước đi đúng đắn” [10, tr. 174]. Còn Thủ tướng Lý Bằng mô tả chuyến đi thăm này là có kết quả nhất.

Trong các buổi tọa đàm, hai nước đã nhất trí tăng cường quan hệ Ấn - Trung để đối phó với tình hình thế giới sau Chiến tranh Lạnh, và nhất trí một trật tự thế giới mới phải dựa trên năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Cả hai bên đã đạt được những cam kết quan trọng như: Ấn Độ ủng hộ Trung Quốc gia nhập GATT, làm quan sát viên của Phong trào Không liên kết và nhóm nước G15. Về vấn đề biên giới, cả Ấn Độ và Trung Quốc tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết sớm và hai bên tỏ rõ thông cảm hơn về lập trường của nhau, nhất trí giữ an ninh trong vùng biên giới, không để vấn đề này cản trở việc tăng cường quan hệ hai nước. Về vấn đề Tây Tạng, Thủ tướng Ấn Độ đã nêu rõ quan điểm ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, Ấn Độ xem Tây Tạng là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Còn Trung Quốc khẳng định lập trường của mình là ủng hộ quan điểm của Ấn Độ trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Kết quả trong cuộc viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Lý Bằng, hai bên đã ký được ba hiệp định quan trọng đó là: Hiệp định nối lại việc buôn bán qua biên giới hai nước ở các địa điểm cụ thể; hiệp định hợp tác nghiên cứu vũ khí, khoa học và kỹ thuật; và hiệp định mở lại tổng lãnh sự ở Thượng Hải và Bombay sau gần 30 năm đóng cửa. Đồng thời, hai bên còn thỏa thuận về các cuộc họp thường kỳ của sĩ quan quân đội hai nước nhằm giữ an ninh vùng biên giới hai nước.

Hơn một năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Bằng, ngày 18/5/1992 Tổng thống Ấn Độ Venkataraman đã chính thức thăm Trung Quốc. Đây là chuyến đi đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Ấn Độ đến Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Venkataraman đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung

Quốc như Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, và Thủ tướng Lý Bằng, khẳng định lại các cam kết mà hai bên đã đạt được và tiếp tục tăng cường quan hệ láng giềng thân thiện, cùng có lợi.

Quan trọng hơn là chuyến đi của Thủ tướng N. Rao đến Trung Quốc từ ngày 6 đến ngày 9/9/1993, đây là lần tiếp xúc thứ tư kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (12/1988). Trong chuyến đi này, Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước qua việc củng cố hòa bình và an ninh dọc biên giới. Đồng thời, Ấn Độ cũng muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa các quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao. Thủ tướng N. Rao đã được đón tiếp trọng thể và đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác của Trung Quốc. Kết quả lớn nhất trong chuyến thăm này là, hai nước đã ký được Hiệp định duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc tuyến kiểm soát thực tế (LAC) vào ngày 7/9/1993, bản hiệp định đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin lẫn nhau và nhất trí đưa quan hệ Ấn - Trung sớm đi vào phát triển toàn diện như: “Phải mở rộng hợp tác toàn diện kĩ thuật, văn hóa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Vì vậy, một số hiệp định được ký kết trong dịp này như: Hiệp định hợp tác về môi trường; Nghị định hợp tác về phát thanh truyền hình, dược liệu học và Nghị định thư mở cửa khẩu buôn bán thứ hai qua biên giới” [10, tr 176-177]. Ngoài ra, hai nước còn thành lập Nhóm làm việc chung nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận về vấn đề biên giới. Ngoài việc tiếp tục đối thoại có ích về vấn đề biên giới trong không khí thẳng thắn, hai bên cũng đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận về các bước cụ thể có thể thực hiện để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và thống nhất trong khu vực biên giới. Chuyến thăm của tàu hải quân Trung Quốc Trịnh Hòa tới Bombay trong tháng 11/1993, là một phần trong quá trình tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, trao đổi quốc phòng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã được tiến hành. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Trung Quốc đến một cảng Ấn Độ. Về các vấn đề quốc tế, hai bên nhất trí cần có sự hợp tác giữa các nước đang phát triển nhằm đối phó lại những khuynh hướng bá quyền và can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác của

Mỹ, khẳng định sự nhất trí về quan điểm nhân quyền và một trật tự thế giới mới công bằng cho các nước đang phát triển.

Như vậy, chuyến đi này của Thủ tướng N. Rao đã đánh dấu một sự xích lại gần nhau hơn nữa trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, khẳng định trên văn bản sự nhất trí giữ yên tĩnh vùng biên giới hai nước, trong khi chưa giải quyết được những tranh chấp và không để vấn đề này cản trở sự hợp tác giữa hai nước. Không những thế, chuyến thăm này còn có tác động tích cực đến môi trường an ninh hợp tác ở khu vực, tạo được tiếng nói chung và lợi thế cho Ấn Độ và Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn nhất là Mỹ, vì Thủ tướng N. Rao dự định sẽ thăm Mỹ vào cuối năm 1993 đầu năm 1994. Tuy nhiên, những thách thức trong mối quan hệ giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết và phải mất rất nhiều thời gian nữa để thương lượng, vì hai bên vẫn còn “nghi ngờ về nhau về ý đồ tranh giành ảnh hưởng vai trò ở khu vực cũng như trên thế giới và cả những tham vọng về lãnh thổ trong một tương lai không xa” [10, tr. 177]. Chuyến viếng thăm của Thủ tướng N. Rao đến Bắc Kinh thực sự là dấu hiệu đáng mừng trong mối quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc trong năm 1994 – 1995 tiếp tục cải thiện và phát triển. Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục làm việc để tạo dựng mối quan hệ láng giềng ổn định lâu dài và tốt đẹp, nhằm mở rộng hợp tác và tạo ra một môi trường thuận lợi, trong đó hai nước có thể trao đổi, giải quyết các vấn đề nổi bật. Quan hệ chính trị Ấn Độ – Trung Quốc tiếp tục thông qua trao đổi cấp cao và tham vấn thường xuyên giữa hai nước, trong số những cuộc trao đổi chính trị cấp cao giữa hai nước có Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại thương Trung Quốc đến thăm Ấn Độ. Phía Ấn Độ có Bộ trưởng Nông nghiệp, Phó Tổng thống Narayaman viếng thăm Trung Quốc. Trước những nỗ lực đó, tình hình biên giới Ấn Độ – Trung Quốc được duy trì hòa bình và ổn định. Bên cạnh những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, cuộc họp của Nhóm làm việc chung Ấn Độ – Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 7/1994. Cuộc họp nhằm tìm ra một giải pháp hợp lý trong việc tranh chấp biên giới và việc thực hiện Hiệp định duy trì hòa bình, an ninh biên

giới. Quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, thông qua những cuộc trao đổi cấp cao giữa hai chính phủ.

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Gowda, một sự kiện quan trọng thúc đẩy hai nước hiểu nhau nhiều hơn. Đó là chuyến viếng thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân từ ngày 28 đến 31/11/1996, cùng đi với Chủ tịch còn có nhiều nhân vật quan trọng khác như: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại thương và hợp tác kinh tế, Bộ trưởng Nội chính, Chủ tịch khu vực tự trị Tây Tạng… tổng số lên tới 100 người. Đây là phái đoàn cao cấp đông nhất của Trung Quốc từ trước đến nay thăm Ấn Độ. Hai bên đã ký bốn hiệp định như: Hiệp định xây dựng lòng tin (CBMs), Hiệp định duy trì tổng lãnh sự Ấn Độ ở Hồng Kông sau năm 1997, Hiệp định về vận tải biển và Hiệp định về hợp tác chống buôn lậu ma túy và các tội ác khác. Trong các hiệp định trên, Hiệp định CBMs là bước tiến bộ chủ yếu đảm bảo sự ổn định ở vùng biên giới, duy trì hòa bình và đồng thời làm giảm dần tâm lý nghi kỵ lẫn nhau do cuộc chiến tranh biên giới đem lại. Hiệp định CBMs được xây dựng trên nền tảng của Hiệp định duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc theo tuyến kiểm soát thực tế (LAC) và cung cấp một số biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng sẽ giúp giữ gìn hòa bình, an ninh trong khu vực biên giới. Tầm quan trọng của sự chú trọng đến mối quan tâm của nhau về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, đã được nhấn mạnh trong cuộc thảo luận giữa hai nước trong chuyến thăm của Chủ tịch Giang Trạch Dân. Biên giới Ấn Độ – Trung Quốc nói chung hòa bình trong những năm gần đây, cả hai bên đã đồng ý rằng việc thực hiện một phần Hiệp định LAC và Hiệp định CBMs là cần thiết để đẩy nhanh quá trình thực hiện xây dựng toàn bộ Hiệp định LAC. Cả hai bên đồng ý cắt giảm lực lượng hoặc hạn chế lực lượng dọc theo tuyến kiểm soát thực tế và đưa vào đó là các biện pháp xây dựng lòng tin. Cuộc họp của Nhóm làm việc chung (JWG) Ấn Độ – Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10/1996, JWG tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm đi đến một giải pháp công bằng, hợp lý và cùng chấp nhận được cho vấn đề biên giới và về việc thực hiện các Hiệp định duy trì hòa bình và yên tĩnh biên giới.

Chuyến thăm của người đứng đầu Trung Quốc, mở đầu cho những cuộc trao đổi thường xuyên các đoàn đại biểu cấp cao hai nước, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Cuộc họp tiếp theo của nhóm chuyên gia hai bên được tổ chức tại New Delhi vào tháng 3/1997, tiếp tục thảo luận cách thức và biện pháp giám sát việc thực hiện Hiệp định về các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự, dọc theo tuyến kiểm soát thực tế tại các vùng biên giới hai nước đã ký trong thời gian Chủ tịch Giang Trạch Dân thăm Ấn Độ.

Như vậy, từ năm 1991 – 1997, sau những nổ lực không biết mệt mỏi nhằm cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ – Trung Quốc, quan hệ Ấn – Trung đã đạt được những kết quả tốt đẹp như Ấn Độ đã thi hành một số chính sách mềm dẽo đối với Trung Quốc và đã được Trung Quốc đáp lại khá thịnh tình. Nhưng từ đầu năm 1998, khi Thủ tướng Vajipayee – lãnh tựu của đảng BJP lên cầm quyền thể hiện rõ mục tiêu hàng đầu là an ninh chính trị, độc lập tự cường và xa hơn nữa là xây dựng Ấn Độ trở thành một cường quốc khu vực và thế giới. Để thực thi mục tiêu này, chính phủ Ấn Độ đã cho tiến hành các vụ thử hạt nhân liên tiếp ở xa mạc Pokhran. Việc Ấn Độ tiến hành thử vũ khí hạt nhân gặp sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và Trung Quốc. Phản ứng về những vụ thử hạt nhân của Ấn Độ, Mỹ và phương Tây thực hiện “áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế” [10, tr. 180], Trung Quốc thì có quan điểm cứng rắn hơn và cho rằng “việc Ấn Độ tiến hành thử vũ khí hạt nhân đã đi ngược lại hoàn toàn ý muốn của Trung Quốc vì vậy chỉ riêng sự kiện này đã khiến Trung Quốc không hài lòng” [10, tr. 180]. Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt chương trình hạt nhân của Ấn Độ, và cho rằng vấn đề hạt nhân của Ấn Độ đã làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ Ấn – Trung, trong đó có liên quan đến Pakistan – đồng minh của Trung Quốc. Lý giải cho vấn đề này, Ấn Độ cho rằng “các vụ thử nghiệm hạt nhân của mình không nhằm vào một quốc gia cụ thể, chỉ nhằm mục đích tăng cường an ninh quốc gia của chúng tôi và không đại diện cho một mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào” [76].

Cho đến đầu năm 1999, quan hệ Ấn - Trung đã được hâm nóng lên và bình thường hóa trở lại, giữa hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi và thăm chính thức của

đoàn đại biểu các ngành, các cấp khác nhau. Khởi đầu cho tiến trình bình thường hóa trở lại (sau các vụ thử hạt nhân) là cuộc đối thoại chính thức giữa hai nước vào tháng 2/1999 với sự nhất trí chung về thực hiện quá trình này giữa các cấp. Sau đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin Trung Quốc đã tới New Delhi ngày 4/4/1999, để nghiên cứu về lĩnh vực phần mềm của Ấn Độ.

Cuộc họp lần thứ 11 của Ủy ban làm việc chung Trung Quốc – Ấn Độ bàn về tranh chấp biên giới hai nước, hai bên thực hiện một số cố gắng nhằm hạn chế xung đột trong quan hệ song phương, bắt đầu tiếp cận lập trường của nhau và đối thoại chính trị. Ngược lại với những động thái sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 5/1998, Ấn Độ đã chứng tỏ sự khéo léo ngoại giao của mình qua vụ thử tên lửa Agni (4/1999). Ấn Độ đã thông báo trước cho Trung Quốc cũng như các cường quốc khác về vụ thử, đồng thời Thủ tướng A.B. Vajpayee cố gắng đảm bảo với Trung Quốc rằng việc này không nhằm chống Trung Quốc. Điều này cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Chúng tôi ghi nhận quan điểm của Thủ tướng

Ấn Độ rằng vụ thử hạt nhân không nhằm chống bất kỳ quốc gia nào” [10, tr. 181-182]. Sau vụ thử, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã đến thăm Trung

Quốc vào ngày 14 và 15/6/1999 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ và có cuộc hội đàm quan trọng với Ngoại trưởng Đường Gia Triền, hai bên nhất trí cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2000), cùng nhau tìm kiếm mối quan hệ láng giềng thân thiện, hợp tác và cùng có lợi, cùng tìm kiếm mối quan hệ ổn định lâu dài trên cơ sở 5 nguyên tắc sống chung hòa bình. Hai bên còn cam kết đối thoại để giải quyết những khác biệt và xây dựng mối quan hệ hợp tác hướng tới thế kỉ XXI. Ngoài ra, hai bên đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, bắt đầu một cuộc đối thoại an ninh và mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại. Hai Bộ trưởng Ngoại giao sau đó đã gặp nhau vào ngày 25 tháng 7

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ ấn độ các nước đông bắc á trong bối cảnh chính sách “hướng đông” giai đoạn 1991 – 2000 (Trang 57 - 66)