7. Cấu trúc của luận văn
3.2 Một số đặc điểm văn hóa Nam Bộ tác động đến sự hình thành
ngữ trong phương thức cường điệu
3.2.1 Về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ
Lịch sử hình thành Nam Bộ là một khoảng thời gian dài đứt gãy. Kể từ khi thành hình một vùng châu thổ nổi lên trên mặt nước biển cho đến diện mạo như ngày nay là khoảng thời gian kéo dài hơn hai ngàn năm. Cách ngày nay khoảng 4000 năm đến 5000 năm, phần lớn châu thổ đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn chìm dưới nước. “Cho đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long mới nổi lên trên mặt nước biển… Tình trạng hoang vu sình lầy chưa được khai phá của vùng đồng bằng châu thổ vẫn kéo dài cho đến thế kỷ XIII là lúc thịnh đạt nhất của của đế quốc Ăng-co cổ” [53, tr.118]. Kể từ sau thế kỷ XIII với sự sụp đổ đế quốc Ăng-co thì Nam bộ lại trở thành vùng đất hoang vu, hầu như không có người sinh sống. Tình trạng hoang hóa này được Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú miêu tả: “từ Sài Gòn trở vào, vẫn toàn là rừng rậm đến mấy ngàn dặm”, “đất nhiều khe suối, đường thủy như mắc cửi,
không thể đi đường bộ được” [53, tr.119], và nó kéo dài cho đến thế kỉ XVII mới bắt đầu có những nhóm nhỏ người Việt từ Đàng Ngoài vào đây khai phá.
Theo dòng lịch sử, các lớp lưu dân Việt tới Nam Bộ vào những thời điểm lịch sử khác nhau và gốc gác của họ cũng khác nhau. Đứng về thành phần xã hội, trong các thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX, “những người Việt di cư vào vùng Đồng Nai – Cửu Long kiếm sống chủ yếu là những nông dân nghèo khổ lâm vào bước đường Cùng, buộc phải rời bỏ quê hương làng mạc” [53, tr.131]. Bên cạnh đó là một số ít những người có tiền của, có quyền thế, chiêu mộ dân nghèo ở miền Trung đi vào Nam khẩn đất theo chính sách dinh điền của nhà Nguyễn và những lính tráng bị triều đình đưa vào Nam thực hiện quân dịch.
Song song với quá trình định cư và khai phá của người Việt ở Nam Bộ là những đợt di cư của các tộc người Hoa, Chăm, Khmer đến vùng đất Nam Bộ. Vào thế kỉ XVII, còn có một số lớn người Hoa từ Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc)…, trong đó phần đông là quan quân nhà Minh không chịu khuất phục triều đình Mãn Thanh đến Việt Nam xin tị nạn và làm ăn sinh sống và một số dân di cư để tìm đất mưu sinh, đến Việt Nam cùng chung sức khai phá và xây dựng những vùng đất ở Nam Bộ. Đến giữa thế kỉ XVIII, lại có thêm một số lớn người Chăm gia nhập vào số cư dân ở đây. Số người Chăm này vốn là những người tản cư lên Lovek (Chân Lạp) vào cuối thế kỉ XVII, nay chuyển về định cư ở vùng núi Bà Đen. Đến cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI người Khmer đã có mặt khá đông đúc ở đồng bằng sông Cửu Long sau những biến cố lịch sử xảy ra với đế chế Ăng-co.
Từ thế kỉ XIX trở về sau, Nam Bộ dần đi vào ổn định và phát triển vượt bậc nhờ sự khai phá của nhiều tộc người cùng sinh sống tại đây. Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ, do vậy, là quá trình di cư và cùng nhau khai hoang của bốn tộc người chính là Việt, Hoa, Chăm và Khmer. So với lịch sử hơn bốn ngàn năm của vùng
Bắc Bộ thì khoảng thời gian hình thành và phát triển trong hơn bốn thế kỉ đã làm cho Nam Bộ được gọi là “vùng đất mới” đầy tiềm năng.
3.2.2 Điều kiện kinh tế - xã hội ở Nam Bộ
Qua các chất liệu và loại hình di vật tìm thấy của văn hoá Đồng Nai thời kì tiền sử - sơ sử, các nhà nghiên cứu cho rằng hình thức quan trọng và phổ biến nhất, trong đời sống kinh tế truyền thống ở đây là trồng trọt trên vùng bán sơn địa không dùng sức kéo, gồm lúa cạn, các loại rau đậu, cây có qủa củ…bằng phương pháp phát đốt đặc trưng của nông nghiệp nương rẫy. Bên cạnh đó vẫn duy trì lâu dài phương thức khai thác sản phẩm rừng bằng săn bắt hái lượm, sản phẩm thủy hải sản bằng cách đánh bắt, câu…
Khác với nhiều vùng ở nước ta, ở Nam Bộ đã sớm hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá như một động lực hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá vùng. Trước khi người Pháp đến, trong vòng hơn hai thế kỉ (thế kỉ XVII – giữa thế kỉ XIX) những cư dân người Việt hợp cùng các dân tộc khác như Khmer, Hoa, Chăm…đã tạo nên một phức thể văn hoá nông nghiệp ở Nam Bộ với những quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hoá khá sớm.
Từ giữa thế kỉ XIX, ngay sau khi chiếm được Nam Bộ, thực dân Pháp đã biết lợi dụng những đặc điểm của vùng để phục vụ cho công cuộc khai thác. Người Pháp muốn biến Nam Bộ thành một vùng nông nghiệp thương phẩm, chuyên sản xuất lúa gạo và cao su xuất khẩu cho thị trường thế giới.
Tóm lại, kể từ khi hình thành và phát triển, kinh tế Nam Bộ luôn gắn liền với hai loại hình chính: làm nông nghiệp theo những mùa nước nổi, nước lên và hoạt động giao thương tấp nập. Các hoạt động kinh tế đó đã tạo cho Nam Bộ một diện mạo văn hóa “phức thể nông nghiệp”, vừa sản xuất nông sản tự cung tự cấp cho vùng vừa tạo ra môi trường kinh doanh rộng mở, năng động.