Các đặc điểm được hình thành từ hiện thực ngôn ngữ phong phú

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng văn hóa dân tộc trong phương thức cường điệu của phương ngữ nam bộ (Trang 77 - 83)

7. Cấu trúc của luận văn

3.4 Các đặc điểm được hình thành từ hiện thực ngôn ngữ phong phú

phương thức cường điệu Nam Bộ

3.4.1 Đặc điểm không thuần nhất, nhiều biến thể

Văn học dân gian được sáng tác và tồn tại thông qua truyền miệng là phương thức chủ yếu, và trong những giai đoạn lịch sử nhất định, là phương thức duy nhất. “Trong các loại hình văn học dân gian khác nhau, phương thức truyền miệng cũng có những biểu hiện khác nhau. Khi tìm hiểu những biểu hiện khác nhau đó, phải gắn liền việc sáng tác nghệ thuật với điều kiện sống của quần chúng, do đó phải coi phương thức truyền miệng là một hình thức đặc trưng của sự sản xuất nghệ thuật, hình thức này có những nguyên tắc và thủ pháp thuộc về trí nhớ, những thủ pháp này đã trở thành truyền thống” [18, tr. 22].

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại trong từ cuộc sống lao động của người bình dân. Qua hình thức truyền miệng, thơ ca và truyện kể dân gian luôn giữ được mạch nguồn sự sống, như cây đời bám rễ vào hiện thực phong phú căng tràn nhựa sống. Chính do nảy mầm từ cuộc sống nên văn học dân gian không ngừng sinh sôi và phát

triển, ngày càng tươi mới. Sự tươi mới đó được thể hiện vừa ở khả năng phản ánh hiện thực sinh động vừa ở các biến thể, không thuần nhất của văn học dân gian.

Cách nói cường điệu trong ca dao Nam Bộ cũng ảnh hưởng và mang đặc trưng không thuần nhất của văn học dân gian nói chung. Nó biểu hiện ở việc có nhiều biến thể trong cùng một cách thể hiện tình cảm, tâm trạng.

Ví dụ: nhằm nhấn mạnh tâm trạng, cảm xúc bằng việc cường điệu nỗi đau trên cơ thể nhưng ca dao có nhiều biến thể khác nhau:

- Hiu hiu gió thổi vườn đào Anh thương em ruột thắt gan bào

Biết em có thương lại chút nào hay không?

(BĐG-CDDCNB-tr. 406) - Gió mùa xuân rung rung nước mắt

Mãi trông chồng ruột thắt từng cơn Gió mùa hè rung rinh lá hẹ

Cảm thương nàng có mẹ không cha Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ năm canh.

(ĐHSPTPHCM-TVĐT-T1-tr.290) - Gió thúc cội sung nhánh sùng kêu răng rắc

Nhớ đến cha mẹ già ruột thắt gan teo

(ĐHSPTPHCM-TVĐT-T1-tr.290) - Màn treo phết đất, gió phất màn lên,

Ruột đứt từng đoạn, cũng vì em có chồng.

Các cụm từ “ruột thắt từng đoạn”, “ruột thắt gan bào”, “ruột thắt gan teo”, “ruột thắt từng cơn” đều cùng một ý nghĩa là diễn tả sự đau đớn khi phải chia ly, sống trong cảnh nhớ thương người yêu, chúng chỉ khác nhau về mặt cấu trúc từ ngữ. Không thể biết cụm từ nào là chính thể mà chúng tồn tại song song, bổ sung vào kho từ vựng phong phú của tiếng Việt.

3.4.2 Đặc điểm lâu đời nhưng không cổ kính xa lạ

“Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội” [6, tr.8], sinh ra và phát triển trong xã hội loài người. Đó là sự tiếp nối dài lâu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong quá trình tồn tại cùng với lịch sử phát triển của loài người, ngôn ngữ đã phản ánh đầy đủ thăng trầm của hiện thực đời sống. Cách nói cường điệu được tạo thành từ tư duy ngôn ngữ mang tính hình tượng, giàu trí tưởng tượng của chủ thể sử dụng ngôn ngữ đó. Do vậy, nó cũng mang đặc tính lâu đời, có sự lưu truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Cách nói cường điệu khi đi vào ca dao hay văn học tác gia cũng đều giữ được tính khẩu ngữ tự nhiên của mình. Tức là trong hiện thực ngôn ngữ như thế nào thì trong ca dao trữ tình, tác phẩm văn xuôi cũng được thể hiện như thế ấy. Được sử dụng trong thời gian dài cùng với sự biến đổi và phát triển của ngôn ngữ nhưng cách nói cường điệu không gây cảm giác xa lạ, khó hiểu cho người tiếp nhận, mà ngược lại rất gần gũi, tự nhiên.

Trong một số cách nói cường điệu ta thấy có xuất hiện những từ có nghĩa hạn chế, từ cổ nhưng vẫn được nhân dân chấp nhận quen dùng mà không cần hiểu rõ nghĩa của chúng. Ví dụ: chạy ngời ngời, lớn dữ dằn, buồn ác chiến, già cốc già kiết…

Được sử dụng rộng rãi từ ca dao dân gian đến văn xuôi tác gia, cách nói cường điệu đã xóa nhòa ranh giới giữa tính bình dân trong khẩu ngữ tự nhiên và tính văn chương trong nghệ thuật ngôn từ. Có thể bắt gặp nhiều cách nói cường điệu cùng lúc xuất hiện ở cả ca dao trữ tình và ở truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Ví dụ: cụm từ “… đứt ruột” được sử dụng với tần suất tương đối nhiều ở cả hai thể loại văn học.

- “Phi nhớ triền dừa nước xanh miết ở trước nhà ngoại mình, nhớ đứt ruột.”

(NNT – CĐBT – tr. 105)

- “Chừng này tuổi rồi, mỗi khi anh đặt lưng xuống bộ vạc, lại nhớ ngơ nhớ ngẩn lời hát của tía anh ngày xưa. Buồn lắm, nghe đứt ruột lắm. Càng nhớ anh càng thương ông.”

(NNT – CĐBT – tr. 29)

-Mạ non mà cấy đất biền

Thương em đứt ruột không tiền phải ngó lơ.

(ĐHCT-VHDGĐBSCL, tr. 247)

3.4.3 Dấu ấn phong cách tác giả

Dấu ấn phong cách tác giả trong cách nói cường điệu thể hiện ở khả năng sáng tạo hình ảnh, cách dùng từ gợi sự liên tưởng mang đặc trưng riêng. Phong cách riêng được hình thành từ thị hiếu thẩm mỹ của từng tác giả. Thị hiếu thẩm mỹ là một hình thái biểu hiện năng lực và nhu cầu tinh thần của cá nhân. Theo đó thì bất cứ một cá nhân nào ưa thích những hiện tượng thẩm mỹ là do cá nhân đó đã tiếp nhận một nền giáo dục, một môi trường giáo dục, có những thói quen, tính cách, kinh nghiệm sống và giao tiếp nhất định. Hoặc là cá nhân đó đã chịu ảnh hưởng của hiện tượng thẩm mỹ đang diễn ra hàng ngày của môi trường xung quanh.

Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam là hai nhà văn của vùng đất Nam Bộ gắn liền với những dòng sông uốn khúc, rừng đước bạt ngàn, đồng lúa mênh mông. Ở đó có những mảnh đời nông dân lam lũ, tần tảo sớm hôm, thật thà chất phác, yêu say đắm, thương hết mình. Do đó, có thể nói tư duy thẩm mỹ của Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam là xu

hướng luôn đi tìm những nét bình dị nhất, chân thật nhất trong con người và cảnh vật Nam Bộ, bởi đó là nét đẹp nhất của vùng sông nước Nam Bộ.

Bên cạnh việc sử dụng nhuần nhị hiệu quả vốn từ địa phương lớp từ mang ấn tượng văn hóa sông nước, một điều cũng rất ấn tượng và độc đáo trong ngôn ngữ văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam cho thấy khả năng vận dụng một cách sáng tạo nhằm biến ngôn ngữ “đời thường” của người bình dân thành ngôn ngữ văn học rất độc đáo.

Trước hết cần phải nói rằng, ngôn ngữ trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam (từ ngôn ngữ người trần thuật đến ngôn ngữ của nhân vật) phần nhiều là ngôn ngữ của người dân sinh sống ở thôn quê, ruộng vườn chứ không phải là ngôn ngữ của người dân sinh sống ở thành thị. Có thể thấy, đa phần đối tượng mà hai tác giả phản ánh trong truyện của mình đều là những người dân sống ở thôn quê. Chính vì thế, khi đi vào tìm hiểu ngôn ngữ trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam chúng tôi nhận thấy, cách diễn đạt, cách hành văn nhiều khi nôm na, mộc mạc, hóm hỉnh nên cũng rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm. Đây cũng là một bằng chứng khẳng định sự ảnh hưởng của môi trường và văn hóa vùng đất Nam Bộ đến nhận thức cũng như tư duy nghệ thuật của họ. Dưới đây là một vài trường hợp tiêu biểu mà chúng tôi đã khảo sát:

Để diễn tả nỗi buồn, Nguyễn Ngọc Tư có những cách nói rất “bình dân” như: “buồn ác chiến”; (…Nhờ giữa hai bài hát có mục nhắn tìm con buồn ác chiến)

[50, tr.9];“buồn vô địch cấp huyện” (Mấy chuyện này may mà Xuyến giấu trong lòng, phải kể ra là buồn vô địch cấp huyện chứ sá gì cái mũi So Le nhỏ nhoi này) [50, tr.143]; “buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết”(Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết) [50, tr.52]…

Để tả cảnh hành động bỏ chạy của ai đó, Nguyễn Ngọc Tư có những cách nói lạ như: “chạy xịt khói”, “chạy xà quần” , “chạy xấc bấc xang bang”, …

- “Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn. Nhiều bữa ế ngoi ngóp nằm nghe mưa dầm, nhiều bữa đứng soát vé bị đám du đãng địa phương rượt chạy xịt khói. [50, tr.9]

Ngoài ra, người đọc còn bắt gặp rất nhiều những cách nói rất ngộ nghĩnh và bất ngờ khác như: “già câng, già cấc”, “già cóc thùng thiết, “đẹp dữ dằn”, “rầu thúi ruột”, “lạnh teo dái”, “ngày trăm lượt chèo nát mặt sông”, “lội tới lội lui thiếu điều sạt bờ dừa nhà ông già vợ”,…

Một nét độc đáo nữa cho thấy khả năng sáng tạo nhằm biến ngôn ngữ “đời

thường” của người bình dân thành ngôn ngữ văn chương trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam là họ rất hay sử dụng cấu trúc so sánh: “A như B” trong phong cách hành văn của mình.

Đây là cách nói “vừa quen vừa lạ” rất sinh động và ngộ nghĩnh được sử dụng rất phổ biến trong phương ngữ Nam Bộ. Không khó để chúng ta bắt gặp hàng loạt cách nói so sánh này trong truyện của hai tác giả Nam Bộ này, như:“chị ốm, mỏng nhưcốm dẹp”; “một giọng nói mềm nhưlá lụa non”; “ý nghĩ ấy đầy như nước tròm trèm lên

mặt đập”; “tuồng thì giễu nhau ong óng nhưgà kêu đẻ;ngón tay cái bấm trầu đã

mòn khuyết như trăng mùng tám”; “tán cây còng bị tỉa nhánh chỏng chơ như bàn tay cụt”; “cái giọng rao chè như hát, từ đôi môi đã héo queo cất lên, cong vút, ngọt ngào

mà nghe mịn màng từng âm từng chữ”;

- “Tư Hít nói như một nhát kiếm chặt xuống sợi tơ mành”.

(SN – HRCM – tr. 47)

- “Ăn xong mớ xương và mớ thịt khá nhiều ấy, Hai Kéo thở dốc, đôi mắt lờ đờ

như con trăn vừa nuốt xong nguyên xác con nai.

(SN – HRCM – tr. 51)

- “Khi cất lên thì nó cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh, giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng

(SN – HRCM – tr. 236)

Có thể nói, chính thói quen sử dụng từ ngữ như trên làm cho ngôn ngữ trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam gần với ngôn ngữ hàng ngày của người dân nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điều này góp phần tạo nên một văn phong trong sáng, giản dị, không cầu kì và có phần nào đó nôm na, mộc mạc, chân chất nhưng vẫn tạo được một hiệu quả cảm xúc và thẩm mỹ rất cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc trưng văn hóa dân tộc trong phương thức cường điệu của phương ngữ nam bộ (Trang 77 - 83)