Khái niệm định danh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ chỉ phương tiện nghề cá ở kiên giang dưới góc nhìn ngôn ngữ văn hóa (Trang 36 - 37)

8. Cấu trúc của đề tài

1.3.1. Khái niệm định danh

Trong ngôn ngữ dân tộc, mỗi từ sẽ đảm nhận những chức năng khác nhau nhưng hầu như tất cả các từ đều có chức năng định danh. Đây là chức năng cơ bản của từ và nó cũng trở thành một vấn đề khoa học được các nhà nghiên cứu quan tâm. Hiện nay, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm định danh.

Định danh được Từ điển tiếng Việt giải thích: “Định danh là gọi tên sự vật, hiện tượng (nói về một chức năng của ngôn ngữ) [45, tr. 325]. Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học định nghĩa: định danh là “Sự cấu tạo các đơn vị ngôn ngữ có chức năng dùng để gọi tên, chia tách các đoạn của hiện thực khách quan trên cơ sở đó hình thành những khái niệm tương ứng về chúng dưới dạng các từ, cụm từ, ngữ cú và câu” [63, tr. 89].

Theo G.V. Consanski, định danh là “sự cố định (hay gắn) cho một kí hiệu ngôn ngữ một khái niệm – biểu hiện (signifikat) phản ánh những đặc trưng nhất định của một biểu vật (denotat) – các thuộc tính, phẩm chất và quan hệ của các đối tượng và quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần, nhờ đó các đơn vị ngôn ngữ tạo thành những yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn từ” (Dẫn theo 57, tr. 164-165).

Nguyễn Đức Tồn lại cho rằng: “Định danh chính là đặt tên gọi cho một sự vật, hiện tượng” [57, tr. 165].

Ngoài ra, trong lịch sử Việt ngữ học, vấn đề định danh được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến trong các công trình như: Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt [14]; Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại [38]; Từ và nhận diện từ

tiếng Việt [23]; …

Như vậy, trước hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống, xã hội con người luôn có nhu cầu nhận thức, khám phá, giải thích. Kết quả của quá trình đó là việc con người dùng kí hiệu ngôn ngữ để đặt tên và phân biệt các đối tượng, sự vật, hiện tượng. Để thuận tiện cho việc triển khai đề tài, chúng tôi sử dụng quan niệm về định danh trong Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học [63]. Tuy nhiên, luận văn chỉ tập trung tìm hiểu, nghiên cứu định danh ở cấp độ từ vựng, trên cơ sở ngữ liệu dưới dạng từ. Cụ thể, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu đến lớp từ chỉ phương tiện nghề cá ở Kiên Giang.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ chỉ phương tiện nghề cá ở kiên giang dưới góc nhìn ngôn ngữ văn hóa (Trang 36 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)