Để nâng cao năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp, trước hết cần xác định những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đó. Lợi thế cạnh tranh là những gì làm cho doanh nghiệp nổi bật hay khác biệt trên thương trường và chiếm ưu thế so với đối thủ cạnh tranh. Đó là những thế mạnh mà doanh nghiệp có hoặc khai thác tốt hơn đối thủ cạnh tranh. Việc tạo dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh đóng một vai trò rất lớn trong sự thành công của doanh nghiệp.
Theo quan điểm truyền thống cổ điển, các nhân tố sản xuất như: đất đai, vốn, lao động là những yếu tố thuộc về tài sản hữu hình được coi là những nhân tố để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Michael E. Porter cho rằng: Kiên trì quan điểm cho rằng nếu một công ty chỉ tập trung vào hai mục tiêu tăng trưởng và đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược đó không đảm bảo sự thành công lâu dài của công ty. Điều quan trọng nhất đối với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào, theo Michael E.Porter, là xây dựng được một lợi thế cạnh tranh bền vững. Lợi thế cạnh tranh bền vững có nghĩa là công ty phải liên tục cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không có đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp được [3].
Một cách chung nhất, có thể chia lợi thế cạnh tranh thành hai nhóm cơ bản: - Lợi thế về chi phí: Khi tính ưu việt của nó thể hiện trong việc tạo ra sản phẩm có chi phí thấp hơn đối thủ cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh này mang lại cho DN hiệu quả cao hơn và khả năng tốt hơn để chống lại việc giảm giá bán sản phẩm.
- Lợi thế về sự khác biệt hóa: Khi tính ưu việt của nó dựa vào sự khác biệt của sản phẩm, làm tăng giá trị cho người tiêu dùng hoặc giảm chi phí sử dụng sản phẩm hoặc nâng cao tính hoàn thiện khi sử dụng sản phẩm. Lợi thế này cho phép doanh nghiệp có khả năng buộc thị trường chấp nhận mức giá cao hơn mức giá của đối thủ.