Trong báo cáo đề dẫn được trình bày tại Hội thảo “Dạy học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông đầu thế kỷ XXI” (2000), Viện Khoa học Giáo dục đã xác định rõ mục đích hàng đầu của việc dạy học tiếng Việt trong nhà trường là giúp cho học sinh có năng lực sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, hình thành và rèn luyện năng lực giao tiếp, thể hiện rõ trong việc sử dụng tốt bốn kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết. Mục đích đó đã thể hiện rõ yêu cầu của xu thế dạy tiếng mẹ đẻ của các nước trên thế giới trong thế kỷ XXI.
Để có thể sử dụng tốt ngôn ngữ trong giao tiếp, học sinh không chỉ được trang bị các tri thức về hệ thống ngôn ngữ như những hiểu biết về các đơn vị và các quy tắc thuộc các bình diện của ngôn ngữ như: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp... mà còn phải được trang bị cả những tri thức về sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Để có thể sử dụng tốt ngôn ngữ trong mọi hoạt động giao tiếp, học sinh phải có những hiểu biết cơ bản về ngôn ngữ.
Với những quan niệm trên, việc dạy học Tiếng Việt ở Việt Nam đòi hỏi: Khi dạy học, giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy để truyền đạt lượng kiến thức cho học sinh là nhiều nhất; phải cung cấp đầy đủ và phù hợp các ví dụ để làm sáng tỏ cho nội dung lí thuyết; phải tổ chức cho học sinh tham gia trao đổi, thảo luận, từ đó rút ra nội dung bài học.
Còn với chủ thể học sinh, các em cần phải: Chú ý lắng nghe trong giờ học; tham gia ý kiến, hăng hái phát biểu xây dựng bài; làm các bài tập theo yêu cầu của giáo viên để củng cố và khắc sâu kiến thức.