Để có thể vận dụng quan điểm tích cực vào quá trình dạy học, giáo viên cần thực hiện các yêu cầu sau:
Chuẩn bị bài chu đáo, nghiên cứu kỹ nội dung, kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần đạt được. Từ đó thiết kế các hoạt động sao cho học sinh được chủ động, được tham gia, được phát huy tính tích cực, vốn sống, vốn kinh nghiệm và được vận dụng kiến thức đã học để tìm tòi kiến thức mới và rèn kỹ năng, kỹ xảo.
Khi lên lớp cần có thái độ vui vẻ, nhẹ nhàng, tạo bầu không khí gần gũi, thân thiện, không gây áp lực về điểm số, về nhiệm vụ phải hoàn thành mà cần khích lệ, động viên các em học sinh.
Khi tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên cần đảm bảo nhường quyền nói và làm cho học sinh, thể hiện thái độ tin tưởng vào khả năng của học sinh. Giáo viên chỉ tổ chức, điều hành, làm trọng tài trong thảo luận, tranh luận của học sinh và nêu ra kết luận khi cần thiết. Khuyến khích học sinh nêu câu hỏi, nêu thắc mắc, tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà làm (điều tra, tổng hợp số liệu, tìm hiểu, đánh giá... một vấn đề gì đó phục vụ học tập ở tiết sau). Chấp nhận sự không đồng đều về mức độ hoàn thành, về tốc độ hoàn thành, về sự linh hoạt và sáng tạo trong xử lí, nhận xét và giải quyết vấn đề của học sinh. Học sinh vốn rất đa dạng đó là một thực tế và giáo viên phải đưa ra các yêu cầu phù hợp với mỗi cá nhân trong tập thể khác nhau ấy.
Về phương pháp dạy học: giáo viên thường xuyên sử dụng và có kỹ năng sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học hiện đại. Đồng thời không xem nhẹ các phương pháp dạy học truyền thống. Phát huy tốt mặt mạnh của mỗi phương pháp dạy học và triệt tiêu tối đa những hạn chế của các phương pháp. Vận dụng phương pháp linh hoạt, mềm dẻo nhằm đạt kết quả dạy học cao nhất.
Không chỉ giáo viên mà học sinh cũng phải thực hiện tốt các yêu cầu của hoạt động dạy học tích cực. Đối với học sinh, các yêu cầu đó là:
Có niềm tin, động cơ, thái độ học tập (được giáo viên kích thích tạo ra hay do bản thân xây dựng được từ trước) phù hợp, đúng đắn. Tích cực tham
gia và được giáo viên khuyến khích tham gia đầy đủ vào các hoạt động tìm tòi, giải quyết vấn đề, nêu, thực hành, luyện tập, rèn kỹ năng, kỹ xảo (nghe, nêu, phát biểu, so sánh, nhận xét, đánh giá, thực hành...).
Vui vẻ, không cảm thấy áp lực, nặng nề, mạnh dạn tham gia và được tuyệt đối tôn trọng. Tự tin tham gia các hoạt động dạy học và tham gia đánh giá cách giải quyết của mình, của bạn cũng như kết quả học tập nói chung.
Tóm lại, sử dụng các hình thức khác nhau của phương pháp dạy học tích cực là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp. Đổi mới công tác quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục đó là một đòi hỏi tất yếu, yêu cầu mỗi giáo viên sự quyết tâm, nỗ lực vì học sinh thân yêu và không phải một sớm một chiều đã thành công mà phải kiên trì, không được nóng vội hay chán nản lùi bước để làm sao cho mỗi bài học sẽ là một: “Giờ học tốt - tiết học vui”.