3.3.1 Kiến nghị đối với Chính phủ
Thứ nhất, Chính phủ phải từng bước phân định rõ ràng quyền hạn quản lý nhà nước của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, đổi mới cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước. Trong mối quan hệ với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có một vị trí độc lập tương đối.
Thứ hai, xây dựng môi trường pháp lý hoàn chỉnh tạo điều kiện đảm bảo cho hoạt động dịch vụ ngân hàng điện tử, thương mại điện tử phát triển phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Có chính sách khuyến khích, đãi ngộ các đối tượng là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính... đầu tư kinh doanh buôn bán trên mạng. Từ đó, tạo nhu cầu kinh doanh, thanh toán, giao dịch... tạo ra lượng khách hàng tiềm năng cho các hoạt động của dịch vụ ngân hàng điện tử.
Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin tài chính hiện đại, đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn hiệu quả, dễ giám sát, đồng thời lập một chương trình về hội nhập quốc tế về tài chính trên mạng internet để cập nhật thông tin tài chính, tiền tệ thế giới.
Thứ tư, có định hướng phát triển công nghệ thông tin cho ngành Ngân hàng, trên cơ sở đó các ngân hàng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các dịch vụ, tiện ích ngân hàng.
Phát triển hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin viễn thông và Internet. Thực hiện phổ cập tin học trong dân cư, nâng cao tốc độ đường truyền Internet, giảm thiểu cước phí... tạo điều kiện cho toàn dân có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến cho sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc kinh doanh.
Xây dựng cơ sở hạn tầng truyền thông mạnh, tốc độ cao, không bị nghẽn mạch, giá cước phù hợp, hạn chế độc quyền viễn thông.
Thứ năm, tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế nhằm khai thông các hoạt động ngân hàng ra nước ngoài và tận dụng được nguồn vốn, công nghệ từ các nước và các tổ chức quốc tế, trao đổi thông tin về lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt về đào tạo,
86
phổ biến kiến thức và kinh nghiệm hội nhập cho những cán bộ của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại.
3.3.2 Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các ngân hàng thương mại
Bổ sung, sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và ứng dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Quy định rõ phạm vi hoạt động cũng như loại hình dịch vụ ngân hàng mà các tổ chức tín dụng được phép thực hiện và cung ứng cho nền kinh tế.
Hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng tự do hóa các giao dịch vãng lai và kiểm soát có chọn lọc các giao dịch về vốn. Từng bước loại bỏ những bất hợp lý về mua, bán và sử dụng ngoại tệ, cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia rộng rãi hơn các giao dịch hối đoái. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng tự do hóa có kiểm soát, từng bước giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước tiến tới hình thành tỷ giá hối đoái theo quy luật cung cầu.
Hoàn thiện các quy định về tiếp cận thị trường dịch vụ ngân hàng trong nước theo lộ trình tự do hóa thương mại dịch vụ tài chính và mở cửa thị trường tài chính.
Tiếp tục định hướng cho các tổ chức tín dụng phát triển các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo cho các tổ chức tín dụng đầu tư đúng hướng và có hiệu quả trong kinh doanh.
Thực hiện cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi ngành, mọi cấp của nền kinh tế chứ không chỉ thực hiện ở phạm vi ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể hình thành trung tâm thanh toán bù trừ séc, hối phiếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ phát hành, lưu thông và sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Nhanh chóng xây dựng và triển khai hành lang pháp lý buộc các ngân hàng phải tuân thủ khi cung cấp dịch vụ Internet Banking cho khách hàng. Lấy thí dụ như Singapore có rất nhiều quy định liên quan đến ngân hàng điện tử, một trong số đó là khi một ngân hàng triển khai Internet Banking, họ sẽ phải áp dụng các biện pháp
chứng thực "2 factors" (2 nhân tố) như là quy định bắt buộc. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc chứng thực. Điều đó có thể dẫn đến việc một số ngân hàng không quan tâm, đầu tư cho bảo mật sẽ gây ra các rủi ro lớn cho khách hàng.
Thứ hai, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng trên toàn hệ thống
Hầu hết các ứng dụng về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở kết nối giao dịch toàn hệ thống mà chưa có chính sách phát triển dịch vụ công chúng. Mức độ ứng dụng công nghệ giữa các ngân hàng là chưa đồng đều, dẫn đến việc hạn chế phát triển ngân hàng bán lẻ liên kết.
Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra định hướng để các ngân hàng thương mại trong nước chuẩn bị cho một dự án liên kết quy mô lớn giữa các ngân hàng trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngân hàng nhằm tạo ra các giá trị mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra của ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại
Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tổ chức tín dụng cũng như các định chế tài chính khác nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tồn tại và xử lý nghiêm các sai phạm, từ đó, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng.
Cấu trúc lại mô hình tổ chức và chức năng hệ thống thanh tra theo chiều dọc gồm cả 4 khâu: cấp phép và các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ, xử lý vi phạm. Đổi mới phương pháp thanh tra, tiến dần đến thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện quy định về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế (Basel 1), đồng thời đảm bảo việc tuân thủ các quy định này; ban hành quy định mới về đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn CAMEL(S).
Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Sổ tay thanh tra và phổ biến đến các cán bộ thanh tra ngân hàng để tạo điều kiện chuyển dần từ phương pháp thanh tra tuân thủ sang phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro. Thiết lập hệ thống cảnh báo
88
sớm để phát hiện các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn thông qua giám sát từ xa và xếp hạng tổ chức tín dụng.
Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, đồng thời đẩy mạnh giáo dục tư cách đạo đức của đội ngũ các cán bộ thanh tra ngân hàng. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cán bộ thực hiện các quy trình thanh tra theo quy định.
Cần xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đại, tập trung, thống nhất. Triển khai các đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, giám sát, quản trị, điều hành, thông tin, báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Tóm lại, trong xu thế hội nhập và tự do hóa tài chính, việc phát triển dịch vụ ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Đây sẽ là vũ khí cạnh tranh, là lợi thế so sánh tốt nhất của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Do đó, đòi hỏi mỗi ngân hàng thương mại cần có chiến lược, sách lược, đường đi nước bước thích hợp để đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Điều này không chỉ từ sự nỗ lực của bản thân các ngân hàng mà còn phải có sự ủng hộ và đầu tư của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức kinh tế và quan trọng nhất là từ khách hàng.
KẾT LUẬN
Việc nghiên cứu về hoạt động dịch vụ ngân hàng đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam là một vấn đề vô cùng cần thiết. Quán triệt mục tiêu nghiên cứu, trên cơ sở vận dụng tổng hợp phương pháp nghiên cứu khoa học, đi từ lý thuyết đến thực tiễn, đề tài “Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam” đã tập trung giải quyết được một số nội dung quan trọng như sau:
Một là, nêu lên cơ sở lý luận về việc phát triển dịch vụ tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng cũng như vấn đề quản trị rủi ro trong hoạt động phát triển dịch vụ ngân hàng.
Hai là, phân tích tình hình phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tại Techcombank. Từ đó, tìm ra những thuận lợi, khó khăn cũng như thành công, hạn chế để đưa ra định hướng, giải pháp cho việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ ngân hàng tại Techcombank.
Ba là, trên cơ sở định hướng phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và Techcombank nói riêng, luận văn đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao công tác phát triển dịch vụ ngân hàng tại đây.
Để thực hiện thành công việc phát triển dịch vụ ngân hàng theo những định hướng đã nêu ra cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cấp quản lý liên quan cùng với sự nỗ lực của bản thân Techcombank.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. David Cox (2000), Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
2. GS - TS. Lê Văn Tư (2000), Các nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nhà xuất bản
Thống kê, Hà Nội
3. PGS - TS. Lưu Văn Nghiêm (2008), Marketing dịch vụ, Nhà xuất bản Đại học
Kinh tế quốc dân
4. Nguyễn Minh Kiều (2007), Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, Nhà xuất bản Thống
kê, Hà Nội
5. NGƯT - TS. Nguyễn Thị Minh Hiền (2003), Giáo trình Marketing ngân hàng,
Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội
6. PGS - TS. Nguyễn Thị Mùi (2009), Giáo trình Marketing dịch vụ tài chính, Nhả
xuất bản Tài chính
7. PTS. Nguyễn Văn Tiến (1999), Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nhà
xuất bản Thống kê, Hà Nội
8. Nguyễn Đức (2007), Ba xu hướng phát triển của dịch vụ ngân hàng, Thời báo
Kinh tế điện tử
9. Vũ Cao Đàm (1999), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản
Khoa học kỹ thuật, Hà Nội
10. Báo cáo thường niên của Techcombank từ năm 2005 đến năm 2009
11. Báo và tạp chí: - Tạp chí Ngân hàng
- Thời báo Ngân hàng
- Tạp chí Tin học ngân hàng. - Tạp chí phát triển kinh tế 12. Website: - http://www.sbv.gov.vn - http://www.techcombank.com.vn - http://www.tapchiketoan.com - http://www.worldbank.org - http://www.tiasang.com.vn