nghiệp nhỏ và vừa
1.3.3.1. Các nhân tố khách quan
- Môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước
Môi trường kinh tế tác động rất lớn tới hoạt động SXKD của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Một môi trường kinh tế phát triển lành mạnh, các chủ thể trong nền kinh tế hoạt động có hiệu quả sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô và chất lượng tín dụng. Ngược lại, trong nền kinh tế thường xuyên biến động, môi trường kinh doanh thay đổi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
dụng. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn chất lượng tín dụng vì thế được nâng cao. Nhưng trong thời kỳ suy thoái, hoạt động tín dụng gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực do SXKD bị thu hẹp, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nhu cầu vốn tín dụng giảm trong giai đoạn này và nếu vốn tín dụng đã được thực hiện thì khó có thể sử dụng có hiệu quả và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Trong giai đoạn này, nếu ngân hàng bỏ qua các nguyên tắc tín dụng để tăng doanh số cho vay thì lại càng làm giảm chất lượng tín dụng.
Như vậy chất lượng tín dụng chịu ảnh hưởng rất lớn của các yếu tố về lạm phát, tỷ giá... của môi trường kinh tế. Các ngân hàng cần làm tốt công tác dự báo và linh hoạt, chủ động trước sự biến đổi của thị trường để đảm bảo chất lượng của hoạt động tín dụng
- Môi trường pháp lý
Hệ thống pháp luật là cơ sở để điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế. Pháp luật có nhiệm vụ tạo lập môi trường pháp lý cho mọi hoạt động SXKD diễn ra hợp pháp, thuận tiện, có hiệu quả cao và là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp. Một môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất chặt chẽ với sự tuân thủ một cách nghiêm túc của các bên tham gia quan hệ tín dụng sẽ là điều kiện để đảm bảo chất lượng tín dụng.
- Các chính sách của chính phủ
Hoạt động kinh doanh ngân hàng chịu sự chi phối bởi các chủ trương, chính sách của nhà nước. Nhà nước sử dụng công cụ chính sách nhằm điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Trong nền kinh tế lạm phát, để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, Nhà Nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Các ngân hàng buộc phải thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay. Các khoản tín dụng được xem xét, đánh giá kĩ lưỡng hơn trước khi quyết định đầu tư, từ đó khả năng xảy ra rủi ro cho ngân hàng sẽ ít hơn, chất lượng tín dụng nhờ đó cũng tốt hơn
1.3.3.2. Các nhân tố từ phía doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp
Tiềm lực tài chính được hiểu là khả năng đáp ứng về vốn của khách hàng để bảo đảm hoạt động thường xuyên và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Khả năng về tài chính là một trong những điều kiện quan trọng để ngân hàng xem xét cho vay. Thông thường, các ngân hàng đánh giá khả năng tài chính của DNNVV trên các khía cạnh: vốn tự có là bao nhiêu? Tình hình công nợ như thế nào? Khả năng thanh toán ra sao?...
Vốn tự có là yếu tố quan trọng phản ánh khả năng tự chủ tài chính của mỗi doanh nghiệp và là một trong những căn cứ để ngân hàng chấm điểm tín dụng, xác định mức cho vay tối đa. Theo quy định của các ngân hàng, muốn vay vốn thì doanh nghiệp phải đảm bảo một phần vốn tự có tham gia vào dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp nhằm chia sẻ rủi ro, nâng cao ý thức sử dụng vốn có hiệu quả của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp có vốn tự có lớn tham gia vào dự án, phương án sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi hơn trong vay vốn ngân hàng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có vốn tự có tham gia thấp nhưng nhu cầu đầu tư lớn thì sẽ rất khó để vay được vốn ngân hàng.
Trong hoạt động kinh doanh thì việc phát sinh công nợ phải thu, phải trả là điều tất yếu. Ngân hàng xem xét các khoản mục phải thu của doanh nghiệp để đánh giá chất lượng các khoản phải thu này. Có không ít các doanh nghiệp do lơ là công tác quản lý khoản phải thu, dẫn tới mặc dù doanh thu tăng trưởng cao, nhưng dòng tiền không có do bị đọng vốn tại các khoản phải thu khó đòi, dẫn tới mất vốn. Các khoản phải trả người bán cũng thể hiện được phần nào uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà cung cấp. Nếu doanh nghiệp có thể sử dụng uy tín của mình chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp trong một thời gian dài sẽ góp phần vào nguồn vốn kinh doanh của mình.
Xem xét khả năng thanh toán của doanh nghiệp là để đánh giá mức độ đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán và cho điểm độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có khả năng thanh toán tốt sẽ hạn chế rủi ro phát sinh nợ xấu, là một trong những điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ
Yếu tố quan trọng thứ hai trong quyết định hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hay không là yếu tố về công nghệ. Tùy vào từng ngành nghề cụ thể mà yếu tố công nghệ ảnh hưởng nhiều hay ít tới hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp khi đưa ra quyết định đầu tư luôn phải cân nhắc kĩ càng tới việc lựa chọn công nghệ. Do rằng buộc về các yếu tố như khả năng tài chính, khả năng vận hành chuyển giao công nghệ, chiến lược về giá mà các doanh nghiệp đôi khi không sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất mà lựa chọn cho mình dây chuyền công nghệ phù hợp nhất. Ngân hàng sẽ dựa trên tình hình thị trường, tình hình ngành hàng và phương án kinh doanh để đánh giá công nghệ sử dụng cho phương án vay có thật sự hiệu quả hay không, từ đó đưa ra quyết định cho vay.
- Bộ máy nhân sự quản lý
Con người là một trong những tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Trong các DNNVV yếu tố con người đôi khi đóng vai trò then chốt, vì với quy mô không lớn, cách nhìn nhận đánh giá vấn đề của một con người có thể làm thay đổi phương hướng hoạt động của cả doanh nghiệp. Khi tiếp xúc với doanh nghiệp để thẩm định, cán bộ ngân hàng luôn chú ý đánh giá khả năng chuyên môn, khả năng quản lý, tầm nhìn, đạo đức,...của bộ máy nhân sự. Nếu các thành viên chủ chốt của doanh nghiệp chứng tỏ được mình là người có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, lâu năm trong nghề thì điểm xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
Theo quy định của ngân hàng, nguồn vốn vay phải được sử dụng cho các phương án kinh doanh, dự án đầu tư hợp pháp, hiệu quả và khả thi. Các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng cũng cần chứng minh cho ngân hàng các yếu tố trên. Khác với khi sử dụng vốn tự có để kinh doanh, doanh nghiệp có thể vừa làm vừa lên kế hoạch tùy theo tình hình cụ thể. Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần có một kế hoạch cụ thể về việc mình sẽ sử dụng nguồn vốn vay như thế nào: số tiền cần vay bao nhiêu, thời gian hoàn trả như thế nào, hiệu quả của phương án vay vốn ra sao,...Ở góc độ khác, bản thân ngân hàng cũng chủ động thẩm định phương án vay của khách hàng dựa trên các yếu tố khách quan khác, qua đó đưa ra quyết định cho vay.