Rà soát chương trình là khâu quan trọng nhất khi xây dựng chủ đề tích hợp, nó quyết định toàn bộ mục tiêu, nội dung cũng như tính khả thi, thành công của chủ đề. Rà soát chương trình bằng cách “đọc” khung chương trình; chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ; chuẩn năng lực ở các môn học muốn tích hợp theo “hàng dọc” và “hàng ngang” [19].
Đọc hàng dọc
Là đọc chương trình một môn học từ trên xuống dưới. Việc này có tác dụng xác định tính liên tục, tính logic của mỗi môn học; sự phát triển của kiến thức trong tổng thể chương trình. Từ đó, chúng ta có thể chọn lựa kiến thức để DHTH sao cho khi dạy độc lập kiến thức đó thì tính logic, tính toàn vẹn không bị phá vỡ; mặc khác còn có thể giúp kiến thức đó hoàn thiện hơn khi tích hợp thêm các môn học khác có liên quan. Đồng thời, việc “đọc hàng dọc” còn giúp chúng ta xác định được mức độ yêu cầu, mục tiêu cần đạt được của kiến thức đó.
Đọc hàng ngang
Là để song song chương trình các môn học và đọc ngang từ môn học này sang môn học khác. Việc này có tác dụng xác định mối liên hệ giữa các môn học; sự phát triển theo chiều ngang của kiến thức. Từ đó, chúng ta có thể tìm thấy các kiến thức có
tính tích hợp, các vấn đề được đề cập ở các môn học theo các khía cạnh khác nhau. Và việc “đọc hàng ngang” còn giúp chúng ta thiết lập mục tiêu tích hợp sao cho phù hợp với mức độ yêu cầu cần đạt của kiến thức ở các môn học thành phần. Ngoài ra, ở bước này, chúng ta nên đánh dấu lại địa chỉ cụ thể của từng kiến thức muốn tích hợp.
Các kiến thức cần chú ý khi đọc chương trình:
- Kiến thức được lặp lại nhiều lần trong một môn học hoặc trong nhiều môn học. - Kiến thức có tính ứng dụng, tính khám phá, tính huyền bí, tính thách thức và
kích thích người học.
- Kiến thức mang tính vùng miền, có liên quan mật thiết đến địa phương nơi đang sống.
- Kiến thức có khối lượng không tương xứng với thời lượng giảng dạy (chú ý đến kiến thức có khối lượng ít hơn thời lượng, chúng ta có thể dùng thời lượng dư để tích hợp thêm các kiến thức có liên quan).
- Kiến thức không cần thiết của môn học này nhưng lại bổ trợ, làm rõ cho kiến thức của môn học khác.
- Kiến thức vượt quá khả năng tư duy HS nếu tiếp cận theo cách truyền thống. - Kiến thức có tính thời sự, tính phổ biến, gắn với vốn sống của HS.