Hoạt động trải nghiệm là một loại hình giáo dục như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông.
Về nội dung: hoạt động trải nghiệm có nội dung rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực. Nội dung giáo dục của hoạt động trải nghiệm thiết thực và gần gũi với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hoạt động của học sinh, giúp các em vận dụng những hiểu biết của mình vào trong thực tiễn một cách dễ dàng.
Về quy mô tổ chức: hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức theo những quy mô khác nhau như theo nhóm, theo lớp, theo khối lớp, theo trường. Tuy nhiên, GV nên tổ chức đơn giản, ít tốn kém, mất ít thời gian nhưng học sinh vẫn tham gia được nhiều hơn.
HĐTN được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: thí nghiệm, hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu hóa, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, lao động
công ích, sân khấu hóa, tổ chức các ngày hội, ....
Về địa điểm: hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau ở trong hoặc ngoài nhà trường như lớp học, thư viện, sân trường, viện bảo tàng, các danh lam thắng cảnh hoặc ở địa phương ngoài nhà trường có liên quan đến chủ đề hoạt động.
Về lực lượng tham gia: Có khả năng thu hút sự tham gia, phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Mỗi lực lượng giáo dục có tiềm năng, thế mạnh riêng. Tùy nội dung, tính chất từng hoạt động mà sự tham gia của các lực lượng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo điều kiện cho học sinh được học tập, giao tiếp rộng rãi với nhiều lực lượng giáo dục qua nhiều kênh khác nhau làm tăng tính đa dạng, hấp dẫn và chất lượng, hiệu quả của hoạt động (Bùi Ngọc Diệp, 2016).