1.2.1.1. Đặc điểm phát triển của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi a. Định nghĩa trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Tiếp cận trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi có nhiều quan niệm, đề tài chọn quan niệm của nhóm tác giả Nguyễn Ánh Tuyết – Nguyễn Thị Mai Thư – Đinh Thị Kim Thoa: “Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi (trẻ mẫu giáo lớn) là giai đoạn cuối cùng của trẻ em lứa tuổi “mầm non” – tức là lứa tuổi trước khi đến trường phổ thông, là giai đoạn mà những cấu tạo tâm lí đặc trưng của con người tiếp tục phát triển mạnh và dần dần hoàn thiện về mọi
phương diện để xây dựng những cơ sở ban đầu về nhân cách của con người” (Nguyễn Ánh Tuyết – Nguyễn Thị Mai Thư – Đinh Thị Kim Thoa, 2008).
b.Đặc điểm phát triển của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Sự phát triển hoạt động học tập của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Hoạt động học tập của trẻ mẫu giáo lớn ở giai đoạn này vẫn là “học mà chơi, chơi mà học”. Theo nghĩa này thì việc hoạt động chơi của trẻ có lồng ghép yếu tố học vào trong đó. Nội dung học thì đơn giản, nhẹ nhàng, đặc biệt là có sự hấp dẫn đối với trẻ; nội dung học là những kiến thức rất cụ thể và trực quan sinh động trong cuộc sống quanh trẻ. Tiết học của trẻ được diễn ra gần giống như tiết học của học sinh phổ thông nhưng thời gian ít hơn, không gian thoải mái, ít căng thẳng, không nghiêm ngặt; các bước lên tiết học gồm: tổ chức lớp học, điều hành giờ học, đặt câu hỏi, trả lời, tóm tắt, củng cố bằng nhiều hình thức. Khi trẻ trong giờ học, có những chức năng tâm lí tham gia vào quá trình đó là: chú ý, ghi nhớ, tư duy, ngôn ngữ, ý thức... Trong quá trình học tập đó, trẻ đã thiết lập được mối quan hệ Cô Giáo và Học Sinh như là quan hệ ở trường phổ thông và mối quan hệ bạn bè trong khi “học mà chơi”. Thông qua hoạt động học tập ở Trường Mầm non, trẻ có cơ hội làm quen với những tri thức đơn giản, gần gũi đối với trẻ giúp hình thành cho trẻ có được hệ thống kiến thức của nhân loại và là tiền đề cho trẻ vào lớp một – chính thức trở thành một học sinh thực thụ (Nguyễn Ánh Tuyết – Nguyễn Thị Mai Thư – Đinh Thị Kim Thoa, 2008).
Sự phát triển thể chất của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Trẻ em bắt đầu từ 3 – 6 tuổi mỗi năm tăng trung bình khoảng 3kg thể trọng và 5 – 7cm chiều cao. Bộ phận phát triển nhanh nhất là cánh tay và ống chân, bàn tay và bàn chân phát triển chậm hơn.
Hệ xương và cơ của trẻ tiếp tục phát triển. Xương tiếp tục được cốt hóa, các cơ to ra. Cơ quan hô hấp và tuần hoàn phát triển. Hệ thống tín hiệu thứ hai, các bộ máy nhận cảm phát triển mạnh và tốc độ hình thành các phản xạ có điều kiện tăng nhanh. Hệ thần kinh tiếp tục tăng trưởng về hình thái và cấu trúc. Trọng lượng não tăng từ khoảng 1.100 gram lên 1.300 gram. Các vùng chức năng của não tiếp tục được chuyên môn hóa, một số vùng trên vỏ nảo tiếp tục được melin hoá (đặc biệt là vùng
vỏ não trước trán), nhờ đó trẻ có khả năng hoạt động trí tuệ phức tạp và điều khiển nhiều hoạt động đòi hỏi sự tinh tế của cơ bắp.
Khi được 5 tuổi, các vận động cơ bản của trẻ đã thành thạo như người lớn: chạy vung tay, kiểm soát trọng tâm và giữ thăng bằng. Ở độ tuổi này, trẻ đã có được sự phối hợp của các hành động như cổ, cánh tay, vai, chân..., nhờ đó trẻ có thể đi xe đạp, nhào lộn hoặc thực hiện các động tác phức tạp khác...Vì thế, sự phát triển vận động của trẻ đạt trình độ cao.
Đối với vận động, trẻ đã có khả năng phối hợp khá chặt chẽ giữa các cơ quan vận động với các giác quan. Trẻ 5 tuổi có thể làm thành thạo việc cài cúc áo, buộc giây giày hay bắt chước các thao tác đơn giản; trẻ cũng có thể dùng kéo cắt giấy theo các đường thẳng và những nét đơn giản được vẽ trước, vẽ lại các hình, các chữ cái, nặn các đồ vật...nhờ vào khả năng kiểm soát các cơ nhỏ được cải thiện nhanh chóng, vì thế, trẻ sử dụng bàn tay tinh xảo hơn (Vũ Thị Nho, 2000).
Sự phát triển trí tuệ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Trong giai đoạn này, mặc dù chú ý của trẻ có tính không chủ định, gắn liền với đặc điểm đối tượng nhưng bước đầu trẻ có khả năng chú ý có chủ định, thời gian chú ý kéo dài từ 37 – 51 phút, đối tượng chú ý hấp dẫn, nhiều thay đổi, trẻ ham hiểu biết, hay tò mò. Trẻ có khả năng phân chia sự chú ý của mình vào nhiều đối tượng cùng lúc, tuy nhiên khả năng chú ý chưa cao, thời gian chú ý ngắn và dễ dao động sang đối tượng khác.
Trí nhớ có chủ định của trẻ cũng phát triển do hoạt động của trẻ phức tạp hơn và do yêu cầu của người lớn cao lên theo độ tuổi. Trẻ đã biết cách lựa chọn nội dung ghi nhớ và biết cách sử dụng thủ thuật để ghi nhớ: trẻ nhắc đi nhắc lại lời nói, nói to nói nhỏ theo lời nói, đưa ngón tay đếm theo. Bên cạnh đó, trẻ cũng có khả năng nhận lại và tái hiện lại thông tin tương đối đúng. Gồm các loại trí nhớ: trí nhớ vận động, trí nhớ hình ảnh, trí nhớ từ ngữ - logic, trí nhớ cảm xúc.
Sự phát triển tư duy ở độ tuổi này mạnh mẽ về kiểu loại và thao tác. Có thể phân chia tư duy của trẻ mẫu giáo thành các loại: tư duy trực quan hành động, tư duy trực quan hình ảnh, tư quy trực quan sơ đồ, tư duy trực quan hình tượng, tư duy trừu tượng.
Trong đó, tư duy trực quan hình tượng phát triển mạnh trong suốt tuổi mẫu giáo. Bên cạnh đó, tư duy của trẻ dần dần mang tính suy luận dựa trên những biểu tượng cụ thể của thế giới khách quan. Tư duy của trẻ gắn với hành động và bị chi phối nhiều bởi suy nghĩ chủ quan của trẻ.
Tưởng tưởng của trẻ cũng phát triển mạnh và mang tính độc lập, nó không còn phụ thuộc vào các hoạt động thực tiễn, nó linh hoạt và phong phú hơn. Tưởng tượng có chủ định phát triển thể hiện rõ trong hoạt động vui chơi, sự tự lập và sáng tạo của trẻ. Lúc đầu tưởng tượng sáng tạo của trẻ còn bị hạn chế nhưng sau đó nhờ vào giáo dục và kinh nghiệm của bản thân mà sự tưởng tượng giàu có hơn về số lượng lẫn chất lượng (Dương Thị Diệu Hoa et al., 2012).
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Đến giai đoạn này, trẻ đã sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ. Điều đó được thể hiện qua việc:
Nắm vững ngữ âm và ngữ điệu khi sử dụng tiếng mẹ đẻ: trẻ biết sử dụng ngữ điệu một cách phù hợp với nội dung giao tiếp hay nội dung của câu chuyện mà trẻ tham gia. Để biểu thị tình cảm yêu thương thì trẻ dùng ngữ điệu êm ái và khi giận dữ thì trẻ dùng ngữ điệu thô và mạnh.
Phát triển vốn từ và cơ cấu ngữ pháp, đọc diễn cảm: trẻ nắm vững được vốn từ trong tiếng mẹ đẻ đủ để diễn đạt ý muốn nói. Vốn từ của trẻ tích lũy khá phong phú về danh từ, động từ, tính từ, liên từ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể giải thích nghĩa của từ là nguồn gốc của chúng là gì.
Tính chất ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi gồm: ngôn ngữ giải thích; ngôn ngữ tình huống; ngôn ngữ mach lạc rõ ràng; tính địa phương; tính cá nhân trong ngôn ngữ (Nguyễn Ánh Tuyết et al., 2006).
Sự phát triển tình cảmcủa trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Tình cảm của trẻ mẫu giáo mang tính chất mạnh mẽ và không ổn định. Trẻ thể hiện tình cảm một cách nhanh chóng, bùng nổ nhưng nhanh bị dập tắt. Các cung bậc của tình cảm thay đổi rất nhanh, thậm chí vừa khóc đó rồi lại cười ngay đó. Tình cảm được nảy sinh trong hoạt động và chi phối hoạt động của trẻ. Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
vẫn chưa biết điều khiển tình cảm của mình, tình cảm của trẻ được phát triển nhiều phía nhờ vào việc mở rộng các mối quan hệ
Tình cảm của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi chịu ảnh hưởng nhiều bởi đặc điểm của hệ thần kinh của mỗi đứa trẻ: khí chất, cường độ, tính dễ bị kích động và mức độ cân bằng của các quá trình thần kinh.
Nội dung và hình thức thể hiện tình cảm ở trẻ mẫu giáo có sự thay đổi mạnh mẽ trong suốt giai đoạn lứa tuổi. Giai đoạn này, tình cảm cấp cao bắt đầu phát triển: tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẫm mĩ.
Trẻ luôn mang tâm trạng sảng khoái yêu đời, sự phát triển tình cảm gắn liền với sự phát triển của các quá trình tâm lí khác (Huỳnh Văn Sơn, 2013 & Lê Thị Trinh, 2016).
Sự phát triển các hoạt động của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Hoạt động vui chơi: vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Thông qua trò chơi sắm vai theo chủ đề, trẻ mẫu giáo dần dần phát triển được tính tự lực, tự do, chủ động. Trẻ thiết lập được một cuộc sống thu nhỏ trong đó các mối quan hệ giữa trẻ với người khác, giữa những người sống gần nhau. Ở đó, trẻ phân biệt mình với người khác, nhận ra giới tính của mình, nhận ra vai trò và vị trí của mình đối với gia đình, bạn bè và trong xã hội.
Hoạt động học tập: Thông qua những câu chuyện của người lớn và những gì trẻ nhìn thấy được, trẻ hình thành hứng thú học tập. Hứng thú học tập của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi được thể hiện qua việc trẻ ham hiểu biết, hứng thú với những điều mới lạ, đặt ra nhiều câu hỏi cho người lớn, tò mò khám phá thế giới xung quanh.
Hoạt động lao động: ở tuổi này, trẻ mẫu giáo đã có thể nắm bắt được một số hình thức sơ đẳng của lao động. Bước đầu trẻ thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản như:
Tự phục vụ: trẻ có thể làm một số việc phục vụ cho mình như tự ăn, tự thay thay quần áo, tự chải tóc, đi dép, tắm gội, tự dọn dẹp đồ dùng cá nhân gọn gàng ngăn nắp.
Trực nhật: trẻ có thể giúp GVMN lau dọn bàn ghế, lấy chiếu gối, lau dọn vệ sinh cửa và nền nhà...
Chăm sóc cây, tưới cây, cho con vật ăn, uống nước... (Lê Thị Trinh, 2016). Sự phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Nhiều công trình nghiên cứu tâm lí học hiện đại khẳng định, ở trẻ mẫu giáo nhân cách của trẻ đã được hình thành. Điều đó được thể hiện tập trung ở các mặt: tự khẳng định, tự ý thức, ý chí, động cơ.
Sư tự ý thức của trẻ mẫu giáo được thể hiện rõ nhất trong sự tự đánh giá mình là người thế nào, có những thành công gì, thất bại gì, có những ưu điểm và hạn chế gì. Bên cạnh đó, sự tự ý thức còn thể hiện ở việc phát triển giới tính: nhận ra mình là gái hay trai, cách thể hiện hành vi phù hợp với giới tính.
Hệ thống động cơ: ở trẻ hình thành những động cơ hành vi có liên quan đến ý thức bản ngã, đến sự hình thành cái tôi. Sau đó, những động cơ này chuyển thành động cơ tự khẳng định: trẻ muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, muốn được khen, được công nhận giá trị của bản thân... (Mukhina, 1981).
Bước ngoặt 6 tuổi
Trong sự phát triển của trẻ em, thời điểm trẻ tròn 6 tuổi là bướt ngoặc quan trọng. Bước ngoặt này, đánh dấu sự cải tổ toàn bộ cuộc sống sinh hoạt của trẻ, nó chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập, chuyển từ lối sống phụ thuộc sang lối sống tự phục vụ hầu hết mọi việc.
Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi đã có những tiền đề cần thiết của sự chín muồi đến trường về các mặt tâm sinh lí: nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, và tâm thế để trẻ đến trường phổ thông (Nguyễn Ánh Tuyết et al., 2005 & Huỳnh Văn Sơn, 2013).
1.2.1.2. Kĩ năng sống của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi a. Kĩ năng sống
Cuộc sống của con người là một quá trình hoạt động liên tục, đòi hỏi con người phải có những kĩ năng nhất định để ứng phó và thích nghi với nhịp sống của thời đại. Nói đến vấn đề này thì có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng dù có khác nhau đi
nữa thì đó cũng là sự khác về cách thức tiếp cận nhưng cơ bản thì chúng giống nhau về nội dung và ý nghĩa.
Theo tổ chức UNESCO, kĩ năng sống phải được dựa trên những kĩ năng nền tảng và những kĩ năng chuyên biệt của mỗi cá nhân xét trong từng lĩnh vực cụ thể và từng hoàn cảnh khác nhau. Và như thế KNS bao gồm kĩ năng chung và kĩ năng chuyên biệt. Kĩ năng chung sẽ giúp mỗi cá nhân dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh, giúp nhận ra giá trị của bản thân, đặc biệt là giúp cá nhân hướng đến các chuẩn mực của xã hội và thực hiện các chuẩn mực ấy một cách có hiệu quả. Kĩ năng chuyên biệt là những kĩ năng hướng tới tính cá nhân của mỗi người. Kĩ năng này giúp mỗi cá nhân phát huy tính cách, năng lực, sở thích của mình trong từng công việc, trong từng mối quan hệ cũng như trong từng hoàn cảnh cụ thể. Kĩ năng chuyên biệt giúp mỗi cá nhân nhận ra giá trị của bản thân mình từ đó tìm cách để phát triển hơn nữa những kĩ năng cần thiết (Huỳnh Văn Sơn, 2009).
Từ điển Wikipedia định nghĩa: “KNS là tập hợp các kĩ năng của con người có được thông qua việc học hoặc việc trải nghiệm trực tiếp trong cuộc sống, dùng để giải quyết những vấn đề mà con người thường phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày” (Cao Văn Quang, 2012).
Từ góc độ tâm lí học, tác giả Nguyễn Quang Uẩn khẳng định: “KNS là một tổ hợp phức tạp của một hệ thống kĩ năng nói lên năng lực sống của con người, giúp con người tham gia công việc và tham gia vào cuộc sống hằng ngày có kết quả, trong những điều kiện xác định của cuộc sống” (Nguyễn Quang Uẩn, 2008).
Tác giả Huỳnh Văn Sơn quan niệm: “KNS chính là những kĩ năng tinh thần hay những kĩ năng tâm lí, kĩ năng tâm lí - xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống. Những kĩ năng này giúp cá nhân thể hiện được chính mình cũng như tạo ra được nội lực cần thiết để thích nghi và phát triển” (Huỳnh Văn Sơn, 2009). Theo tác giả, KNS sẽ bao gồm kĩ năng tâm lí (những kĩ năng thiên về tinh thần) và những kĩ năng tâm lí - xã hội (những kĩ năng thiên về hành động và quan hệ với người khác).
Tác giả Trương Thị Hoa Bích Dung cho rằng: “KNS là những kĩ năng cần có cho hành vi lành mạnh cho phép con người đối mặt với những thách thức của cuộc sống hằng ngày” (Trương Thị Hoa Bích Dung, 2012).
Tác giả Mai Hiền Lê: “KNS chính là những kĩ năng tâm lí xã hội nhằm giúp cá nhân giải quyết một cách có hiệu quả những yêu cầu, thách thức của cuộc sống đặt ra và thích nghi với những yêu cầu và thách thức đó” (Mai Hiền Lê, 2010).
Trên cơ sở các quan niệm về KNS của các tác giả, đề tài quan niệm KNS như sau: KNS là những năng lực tâm lí – xã hội được hình thành dựa trên sự lĩnh hội của mỗi cá nhân về những tri thức của xã hội và có thái độ tích cực, trên cơ sở đó sẽ hình thành được những hành vi phù hợp, những phẩm chất đặc trưng của nhân cách nhằm giúp cho mỗi cá nhân có khả năng ứng phó và thích nghi với các tình huống xảy ra trong cuộc sống một cách có hiệu quả.
b. Kĩ năng sống của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Mặc dù trên thực tế, chưa có định nghĩa chính thức nhưng cũng đã có một số chương trình, một số tác giả đã đề cập đến kĩ năng sống của trẻ mẫu giáo. Đây cũng chính là nền tảng để phát triển các nội dung và các hình thức giáo dục kĩ năng sống