1.2.2.1. Định nghĩa kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Bàn về kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi, một số tác giả đã đưa ra quan điểm của mình như sau:
Theo tudien.com, tự phục vụ là tự mình làm lấy những việc phục vụ cho mình, không cần có người giúp đỡ hay phục vụ cho mình.
Theo Nguyễn Thị Hòa, kỹ năng tự phục vụ là “năng lực của một cá nhân, được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày nhằm chăm sóc cho bản thân như tắm rửa, ăn uống...”(Đỗ Thị Bắc, 2015).
Tác giả Nguyễn Hữu Long cho rằng: “Kĩ năng tự phục vụ là mỗi người có khả năng thực hiện hành động nhằm tổ chức cuộc sống của bản thân dựa trên hệ thống
kiến thức, kinh nghiệm và bộc lộ hành vi một cách phù hợp với từng hoàn cảnh và từng mối quan hệ nhất định” (Nguyễn Hữu Long, 2016).
Theo Lê Thu Hương, “kỹ năng tự phục vụ là năng lực hay khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc phục vụ cho chính mình như tự nấu ăn, tự giặt quần áo” (Đỗ Thị Bắc, 2015).
Tác giả Đỗ Thị Bắc đã định nghĩa kĩ năng tự phục vụ như sau: “Kỹ năng tự phục vụ là sự thực hiện hành động của một cá nhân để giải quyết tình huống hay công việc phục vụ cho chính mình, như tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự xúc ăn, tự rửa mặt…mà không cần sự giúp đỡ của người khác” (Đỗ Thị Bắc, 2015).
Một số tác giả cũng đã nêu lên quan điểm của mình về kĩ năng tự phục vụ: Kĩ năng tự phục vụ cho bản thân là kĩ năng trẻ tự phục vụ cho chính mình trong các tình huống như: ăn, uống, ngủ, nghỉ, vệ sinh.
Thông qua các quan điểm trên, chúng tôi cho rằng: Kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi là những kĩ năng mà trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi sử dụng trong việc tổ chức cuộc sống của bản thân dựa trên hệ thống kiến thức, kinh nghiệm và hành vi phù hợp hoàn cảnh nhằm phục vụ cho chính nhu cầu của mình như: tự ăn, tự uống, tự vệ sinh... mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn.
1.2.2.2. Vai trò kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Trong lứa tuổi mầm non, các kĩ năng sống vô cùng quan trọng, nó giúp trẻ tự lập, tự tin, tự thể hiện các quan điểm của con người mình. Kĩ năng tự phục vụ là một trong những kĩ năng sống cần thiết phải có và cần thiết phải giáo dục cho trẻ mẫu giáo. Đặc biệt trẻ bước vào giai đoạn 5 – 6 tuổi là giai đoạn chuẩn bị đến trường phổ thông thì kĩ năng tự phục vụ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nó giúp cho trẻ mẫu giáo thích nghi tốt hơn với môi trường mới và là nền tảng cho việc hình thành các đặc điểm nhân cách sau này. Kĩ năng tự phục vụ có vai trò đối với trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi được thể hiện trên nhiều mặt của bản thân đứa trẻ.
Thức nhất, kể đến vai trò của kĩ năng tự phục vụ đối với sự phát triển thể chất. Kĩ năng tự phục vụ giúp hình thành cho trẻ những thói quen phù hợp với các hoạt
động mà trẻ tham gia. Đó là việc trẻ có thể ăn uống có nề nếp, có chất lượng; giữ vệ sinh cho cá nhân sạch sẽ như đánh răng rửa mặt, quần áo gọn gàng tươm tất...từ đó trẻ có thể tự chăm sóc mình được khỏe mạnh hơn, có sức khỏe tốt hơn. Bên cạnh đó, kĩ năng tự phục vụ còn giúp trẻ tự bảo vệ sức khỏe cho mình, phòng tránh các nguy cơ gây bệnh thông qua việc lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết. Cuối cùng thì kĩ năng tự phục vụ giúp cho trẻ phòng tránh được các tai nạn thông thường. Từ những phân tích trên, kĩ năng tự phục vụ góp phần phát triển một cơ thể cân đối, khỏe mạnh, dẻo dai, phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi.
Thứ hai là vai trò của kĩ năng tự phục vụ đối với sự phát triển nhận thức. Kĩ năng tự phục vụ tạo cho trẻ niềm đam mê, yêu thích, ham hiểu biết, tò mò, khám phá các sự vật, các hiện tượng ở môi trường trẻ đang sống. Thông qua việc học hỏi từ người lớn và việc thực hiện kĩ năng tự phục vụ, trẻ sẽ được hình thành các khả năng quan sát, chú ý, so sánh, phân loại và ghi nhớ có chủ định, khả năng dự đoán, phát hiện và giải quyết các tình huống, các vấn đề có thể nảy sinh trong cuộc sống cũng như các tai nạn luôn rình rập quanh trẻ. Kĩ năng tự phục vụ cũng giúp trẻ hình thành những hiểu biết ban đầu về thế giới con người, sự vật, hiện tượng và một số khái niệm ban đầu sơ đẳng. Cuối cùng kĩ năng tự phục vụ giúp trẻ diễn đạt được suy nghĩ, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của trẻ thông qua hành động, hình ảnh và lời nói.
Thứ ba, cần kể đến kĩ năng tự phục vụ đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi: Trong những hoạt động giao tiếp thường ngày của đứa trẻ, kĩ năng tự phục vụ giúp hình thành cho trẻ khả năng lắng nghe và hiểu lời nói trong việc giải đáp những câu hỏi liên quan đến kiến thức về ăn uống, về bảo vệ sức khỏe, về tên cha mẹ, số điện thoại, địa chỉ nhà... Bên cạnh đó, kĩ năng tự phục vụ còn giúp trẻ phát triển khả năng diễn đạt mạch lạc, trôi chảy và diễn cảm lời nói và góp phần phát triển khả năng giao tiếp có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày. Nó cũng giúp trẻ hình thành những cơ sở đầu tiên cho việc đọc và viết.
Thứ tư, vai trò của kĩ năng tự phục vụ đối với sự phát triển tình cảm, xã hội: đứa trẻ sẽ nhận biết và ý thức được bản thân và tình cảm của mình đối với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh, trên cơ sở đó trẻ có thể thể hiện tình cảm của mình một
cách phù hợp. Đồng thời kĩ năng tự phục vụ giúp hình thành cho trẻ các phẩm chất của nhân cách như: thoải mái, tự tin trong mọi tình huống, tự lập để không bị phụ thuộc vào người khác, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình; hình thành những khả năng trong đời sống: tôn trọng, hợp tác, chia sẻ, đoàn kết, quan tâm, biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn; hình thành các khả năng về biết và thực hiện các quy định cơ bản của cuộc sống ở trong gia đình, khi đến trường mầm non, khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng.
Thứ năm, kĩ năng tự phục vụ có vai trò trong việc phát triển thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi: thông qua việc học hỏi và sử dụng kĩ năng tự phục vụ, trẻ mẫu giáo hình thành được cho mình khả năng cảm nhận cái đẹp, cái hay, cái có giá trị từ việc cảm nhận sự sạch sẽ, gọn gàng, đẹp đẽ của bản thân mình đến việc cảm nhận vẻ đẹp của những người quanh mình, vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và trong các tác phẩm nghệ thuật. Qua đó, giúp trẻ hình thành nên khả năng yêu thích và háo hức tham gia các hoạt động nghệ thuật.
Tóm lại, kĩ năng tự phục vụ mang lại lợi ích cho trẻ trong việc phát triển hài hòa cân đối, toàn diện trên 5 mặt nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thể chất và thẩm mỹ, và đặt nền tảng giúp trẻ học ở các cấp học tiếp theo (Cao Văn Quang, 2012 và Nguyễn Thị Phượng, 2016).
1.2.2.3. Đặc điểm KNTPV của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, những yếu tố đầu tiên của nhân cách được hình thành, đặc biệt là việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp một, vì vậy KNTPV của trẻ trong giai đoạn này sẽ mang những đặc điểm sau:
KNTPV phải phù hợp với độ tuổi mẫu giáo lớn 5 – 6 tuổi. KNTPV phải mang lại cho trẻ những lợi ích phù hợp với việc hình thành và phát triển những chức năng tâm lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, đáp ứng được những yêu cầu của giai đoạn lứa tuổi đặt ra, khơi dậy và phát huy tối đa cho trẻ những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho trẻ học ở các cấp học tiếp theo và học tập suốt đời.
Trong giai đoạn tuổi mẫu giáo, trẻ đang làm quen với thế giới quanh mình và các mối quan hệ mới, vì thế những KNTPV của trẻ phải gắn liền với cuộc sống mà trẻ đang hiện diện. Đó là việc mở rộng mối quan hệ của trẻ với các thành viên trong gia đình, với môi trường mầm non, với cộng đồng quanh trẻ và với môi trường tự nhiên. Nội dung KNTPV cần cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi rất phong phú và toàn diện, điều đó giúp cho trẻ thích ứng với cuộc sống tốt hơn. Vì thế, đặc điểm KNTPV của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi phù hợp với nội dung giáo dục của chương trình giáo dục mầm non (Lê Bích Ngọc, 2013).
1.2.2.4. Nội dung kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
Ở lứa tuổi mầm non, giai đoạn tuổi mẫu giáo 5 – 6 tuổi, những kĩ năng tự phục vụ được thiết lập dựa trên đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, dựa trên nhiều quan điểm khác nhau của nhiều tác giả khác nhau. Có thể kể một vài tác giả nói về nội dung kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi như sau:
Tác giả Lê Bích Ngọc cho rằng: trẻ từ 5 – 6 tuổi đã có thể thực hiện một số kĩ năng để tự phục vụ cho mình, các kĩ năng này phải vừa sức đối với trẻ và cần được hướng dẫn, củng cố bởi người lớn, đó là những kĩ năng:
- Kĩ năng ăn uống, bao gồm những kĩ năng về: kĩ năng biết mời trước khi ăn, kĩ năng biết tự xúc ăn, kĩ năng biết ăn không rơi vãi, kĩ năng ăn thức ăn đã được nấu chín, kĩ năng uống nước đã được đun sôi, kĩ năng ăn nhiều loại thức ăn được chế biến khác nhau, kĩ năng dọn dẹp bàn ăn cho gọn gàng sạch sẽ, kĩ năng tự uống nước khi khát.
- Kĩ năng vệ sinh cá nhân, bao gồm những kĩ năng về: kĩ năng đi vệ sinh đúng nơi quy định; kĩ năng tự đánh răng rửa mặt, rửa tay chân sạch sẽ, chải tóc gọn gàng; kĩ năng sọn dẹp đồ dùng cá nhân gọn gàng, sạch sẽ.
- Kĩ năng tự bảo vệ sức khỏe, bao gồm những kĩ năng về: kĩ năng tự mặc áo ấm khi trời lạnh và mặc áo mát khi trời nóng; kĩ năng tự đội mũ khi đi ra trời nắng; kĩ năng tự mặc áo mưa khi đi ra trời mưa; kĩ năng thích mặc đồ sạch sẽ và gọn gàng; không ngại uống thuốc, tiêm thuốc khi bị ốm.
- Kĩ năng phòng chống các tai nạn thông thường, bao gồm những kĩ năng về: kĩ năng tránh tai nạn giao thông; kĩ năng tránh ao hồ sông suối; kĩ năng không trèo cây, vịn cành; kĩ năng không cho đồ dùng, đồ chơi vào mắt mũi miệng, không chơi những đồ chơi dơ bẩn, không ngịch đồ cháy nổ, đồ nhọn, đồ nóng; kĩ năng tránh bị lạc đường (Lê Bích Ngọc, 2010).
Tác giả Trương Thị Hoa Bích Dung đã phân tích kĩ năng tự phục vụ của trẻ mẫu giáo với 7 nội dung cần quan tâm, đó là:
- Kĩ năng dùng muỗng: lên 5 tuổi, trẻ đã có thể sử dụng muỗng thành thạo như người lớn và học theo cách ăn của người lớn. Trong một vài trường hợp, trẻ cũng cần sử dụng đến đũa nhưng chưa thành thạo, vì việc dùng đũa đối với trẻ đòi hỏi kĩ năng cao hơn, phức tạp hơn.
- Kĩ năng tự ăn: khi trẻ được 4 tuổi rưỡi thì trẻ đã có thể tự ăn một cách thành thạo, trẻ biết tự xúc ăn khi đói
- Kĩ năng tự cởi quần áo: trong khoảng 3 tuổi thì trẻ đã có nhu cầu tự cởi quần áo nhưng giai đoạn này trẻ chưa thành thục, đến khi lên 5 tuổi trẻ đã có thể cởi quần áo nhanh và gọn gàng.
- Kĩ năng mặc quần áo: trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi đã có thể mặc nhiều loại quần áo khác nhau: áo chui đầu, áo có nút, quần lửng, quần dài kéo dây khóa.
- Kĩ năng đánh răng: trẻ muốn tự đánh răng lúc khoảng 2 tuổi nhưng trẻ chưa làm được, đến 5 tuổi thỉ trẻ đã đủ khả năng để đánh răng một mình, bên cạnh đó trẻ còn tự nhớ và nhắc nhở mình phải đánh răng sau các bữa ăn.
- Kĩ năng rửa và lau khô tay: trẻ 3 tuổi đã có khả năng rửa tay nhưng trẻ chưa làm đúng cách và hợp vệ sinh, đến giai đoạn 5 – 6 tuổi thì trẻ tự rửa tay, lau tay sạch sẽ, trẻ cũng tự giác đi rửa tay khi phát hiện tay bẩn mà không cần ai nhắc nhở.
- Kĩ năng sử dụng nhà vệ sinh: trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi đã có thể tự giác đi vệ sinh khi có nhu cầu, trẻ đi đúng nơi quy định, trẻ biết dội sạch nhà vệ sinh và rửa tay sau khi đi vệ sinh (Trương Thị Hoa Bích Dung, 2012).
Chương trình giáo dục mầm non sửa đổi năm 2016, các nội dung về kĩ năng tự phục vụ nằm ở chuẩn hiểu biết và chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng; chăm sóc vệ sinh cá nhân; giữ an toàn cá nhân.
- Kĩ năng hiểu biết và chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, gồm các giá trị về: hiểu biết sự lớn lên và những hoạt động có lợi cho sức khỏe; biết một số thực phẩm thông thường, thực phẩm có lợi cho sức khỏe, lựa chọn và gọi tên nhóm thực phẩm hay dùng; biết ăn nhiều loại thức ăn được chế biến khác nhau, biết chăm sóc và bảo vệ sức khỏe như không ăn ngọt nhiều không uống chất có ga, không uống nước ngọt, không đến gần người hút thuốc vì biết thuốc lá có hại cho sức khỏe.
- Kĩ năng chăm sóc vệ sinh cá nhân, gồm các giá trị về: biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau ki đi vệ sinh và khi tay bẩn; biết đi vệ sinh đúng nơi qui định và làm sạch sau khi đi vệ sinh; biết đánh răng rửa mặt thay quần áo khi bị dơ bẩn, bị ướt và đúng nơi quy định; biết chọn trang phục phù hợp với giới tính và thời tiết; biết giữ và làm cho đầu tóc gọn gàng; biết che miệng khi ho, ngáp, hắt hơi.
- Kĩ năng giữ an toàn cá nhân, trẻ biết được một số nguy cơ không an toàn cách phòng tránh chúng: trẻ biết và không nghịch phá những đồ dùng bằng điện, đồ nhọn, đồ gây cháy nổ, biết những nơi không an toàn và tránh xa như ao, hồ, sông, suối, giếng; biết được những nguy cơ có thể xảy ra khi ăn uống như không cười đùa trong khi ăn uống, không tự uống thuốc khi chưa có sự đồng ý của người lớn, không ăn những thức ăn đã bị hư hỏng; biết được những tình huống không an toàn và gọi người giúp đỡ (Chương trình giáo dục mầm non, 2016).
Tác giả Đỗ Thị Bắc đã tiếp cận kĩ năng tự phục vụ theo chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ ở trường mầm non với 5 hoạt động:
- Hoạt động tổ chức đón trẻ, gồm các kĩ năng: kĩ năng cởi giày dép, kĩ năng cất đồ vào tủ cá nhân.
- Hoạt động tổ chức bữa ăn, gồm các kĩ năng: kĩ năng xúc ăn; kĩ năng cầm cốc uống nước; kĩ năng lau miệng và xúc miệng; kĩ năng xếp và cất ghế; kĩ năng rửa tay bằng xà phòng; kĩ năng rửa mặt.
- Hoạt động tổ chức vui chơi và học tập, gồm các kĩ năng: kĩ năng lấy đồ dùng học tập và đồ chơi; kĩ năng cất đồ dùng học tập và đồ chơi.
- Hoạt động tổ chức giấc ngủ, gồm các kĩ năng: kĩ năng tự đi ngủ; kĩ năng lấy gối; kĩ năng đi vệ sinh đúng nơi quy định; kĩ năng chải tóc.