Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm dân số thành phố hồ chí minh (Trang 54 - 59)

a. Địa hình

TP. Hồ Chí Minh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa triền Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long. Địa hình tương đối thấp, khá bằng phẳng và có dạng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, chia thành 3 tiểu vùng địa hình:

- Vùng cao nằm ở phía Bắc – Đông Bắc và một phần Tây Bắc thuộc bắc huyện Củ Chi, đông bắc quận Thủ Đức và Quận 9 với dạng địa hình lượn sóng, độ cao trung bình khoảng 10 – 25m, xen kẽ có những gò cao, nơi cao nhất tới 32m, như khu đồi Long Bình (Quận 9).

- Vùng có độ cao trung bình phân bố ở khu vực Trung tâm Thành phố, gồm phần lớn nội thành cũ, một phần các quận 2, Thủ Đức, toàn bộ quận 12 và huyện Hóc Môn, cao trung bình từ 5 – 10m.

- Vùng thấp trũng ở phía Nam – Tây Nam và Đông Nam thành phố thuộc quận 7, quận 8, quận 9 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ với độ cao trung bình khoảng 1m, cao nhất 2m, thấp nhất 0,5m.

Nhìn chung, khu vực địa hình cao và trung bình của thành phố, là nơi thuận lợi cho xây dựng các công trình, tổ chức hoạt động kinh tế và sinh sống của dân cư, đây là khu vực tập trung khá nhiều các khu công nghiệp, hình thành các khu đô thị cùng hệ thống CSHT hiện đại của thành phố. Ngược lại, vùng trũng nằm ở phía Nam – Tây Nam và Đông Nam thành phố không thuận lợi cho dân cư tập trung sinh sống, thường xuyên bị ngập trong những ngày triều cường, khó khăn trong việc xây dựng CSHT và phát triển kinh tế.

b. Khí hậu

Khí hậu là nhân tố ảnh hưởng lớn đến sự phân bố dân cư và hoạt động sản xuất của con người. Khí hậu ấm áp và ôn hòa thường thu hút đông dân cư. Nhìn chung, khí hậu TP. Hồ Chí Minh khá dễ chịu, không quá nóng cũng không quá lạnh, lượng mưa tương đối lớn. Ngoài ra, thành phố nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão. Đây là những điều kiện thuận lợi cho dân cư sinh sống và sản xuất, nhất là các hoạt động kinh tế công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có thể tiến hành quanh năm, ít bị gián đoạn bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu; việc đi lại và lưu thông hàng hóa cũng được dễ dàng. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh có sự tập trung dân cư và lao động, cũng như thu hút lực lượng người nhập cư lớn.

Tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đều theo thời gian và theo từng khu vực đòi hỏi thành phố có những giải pháp để cung cấp nước sạch sinh hoạt và nước cho hoạt động sản xuất của người dân vào mùa khô.

c. Đất

Đất của TP. Hồ Chí Minh được chia thành 6 nhóm đất chính:

- Đất phèn là loại đất có diện tích lớn nhất khoảng 38% diện tích thành phố, phân bố ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn.

- Đất xám chiếm khoảng 19,4% phát triển trên phù sa cũ, phân bố ở phía bắc huyện Củ Chi và Bình Chánh, phía bắc quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, đây là loại đất mịn và nhiều mùn có khả năng phát triển nông nghiệp.

- Đất mặn chiếm khoảng 12,3% diện tích, tập trung ở huyện Cần Giờ, một phần nhỏ ở phía nam huyện Bình Chánh và Nhà Bè. Đất có khả năng trồng trọt, nếu được đắp đê ngăn mặn và giữ nước ngọt.

- Đất phù sa ngọt chiếm khoảng 2,6% diện tích đất của thành phố, phân bố rải rác ở huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức và các quận huyện ven nội thành. Đây là loại đất tốt nhất, được khai thác từ lâu đời và là vùng nông nghiệp trù phú nhất thành phố. - Đất đỏ vàng chiếm 1,5% diện tích đất trồng, phân bố chủ yếu ở quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn và Củ Chi, thường là đất cát nhiều mùn, có khả năng sản xuất nông nghiệp.

- Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 3,2% diện tích là đất cồn cát bãi biển, phân bố ở huyện Cần Giờ (từ Cần Thạnh đến Cần Hòa).

Với nhiều nhóm đất tự nhiên song tùy theo mục đích mà cơ cấu sử dụng đất của TP. Hồ Chí Minh có sự khác nhau giữa các quận huyện.

Tính đến năm 2016, TP. Hồ Chí Minh có diện tích khoảng 209.539,0 ha, trong đó đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là 66.821,4 ha (chiếm 31,88% diện tích), tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè; chỉ tính riêng 5 huyện này đã chiếm 88,69% tổng diện tích đất nông nghiệp (tương đương 59.268,3 ha), phần còn lại nằm rải rác ở các quận ven và quận mới với tỉ lệ khá nhỏ. Nhóm đất phục vụ cho lâm nghiệp với diện tích khoảng 34.885,0 ha (chiếm 16,65% diện tích), tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ, chiếm khoảng 96,75% diện tích đất lâm nghiệp.

Bảng 2.1. Hiện trạng và cơ cấu sử dụng đất chia theo quận huyện của TP. Hồ Chí Minh năm 2016 (Đơn vị: ha) Quận/huyện Tổng diện tích Trong đó Đất sản xuất nông nghiệp Đất lâm nghiệp Đất chuyên dùng Đất ở Toàn thành phố 209.539,0 66.821,4 34.885,0 34.192,5 27.363,0 Quận 1 771,8 - - 504,3 196,9 Quận 2 4.979,4 621,6 - 1.744,0 1.373,2 Quận 3 492,3 - - 248,6 221,5 Quận 4 417,8 - - 175,7 170,0 Quận 5 427,3 - - 250,1 160,6 Quận 6 713,8 - - 331 9 49,3 Quận 7 3.569,6 143,7 - 1.509,0 1.026,7 Quận 8 1.911,4 73,8 - 663,8 826,3 Quận 9 11.397,3 3.379,3 21,6 3.264,8 2.519,8 Quận 10 572,1 - - 327,4 239,1 Quận 11 513,7 1,1 - 264,5 237,9 Quận 12 5.273,9 1.268,2 - 1.440,1 2.299,9 Gò Vấp 1.973,4 76,4 - 689,1 1.098,1 Tân Bình 2.242,7 7,4 - 1.544,4 668,6 Tân Phú 1.597,2 60,2 - 690,9 818,9 Bình Thạnh 2.078,6 251,3 - 583,3 866,9 Phú Nhuận 486,0 - - 225,1 247,2 Thủ Đức 4.780,2 755,4 - 1.762,3 1.886,4 Bình Tân 5.202,1 914,7 - 2.024,7 2.094,1 Củ Chi 43.477,2 31.292,7 48,5 7.262,2 2.838,7 Hóc Môn 10.917,2 5.394,9 - 2.231,8 2.809,6 Bình Chánh 25.256,0 14.758,6 1.062,4 4.038,9 2.892,5 Nhà Bè 10.042,7 3.663,3 - 1.507,1 923,8 Cần Giờ 70.445,3 4.158,8 33.752,5 691,9 597,0 (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM, 2017)

Diện tích của đất chuyên dùng của TP. Hồ Chí Minh năm 2016 là 34.192,5 ha và đất ở là 27.363,0 ha, hai nhóm đất này chiếm khoảng 29,38% tổng diện tích toàn thành phố, tập trung ở tất cả các quận huyện, song nếu xét riêng về tỉ lệ trong cơ cấu sử dụng đất của từng quận, huyện thì các quận nội thành sử dụng phần lớn diện tích đất để phục vụ cho các hoạt động phi nông nghiệp như xây dựng các công trình nhà ở, nhà máy xí nghiệp, CSHT phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ, thậm chí nhiều quận nội thành gần như sử dụng hoàn toàn quỹ đất cho đất chuyên dùng và đất ở, không có đất nông – lâm nghiệp như quận 1, 3, 4, 5, 6, 10 và Phú Nhuận. Vì thế đây là khu vực thu hút dân cư tập trung đông đúc, với mật độ dân số cao, đồng thời lực lượng lao động phi nông nghiệp là chủ yếu.

Còn đất ở khu vực các huyện ngoại thành phần lớn quỹ đất được sử dụng cho mục đích nông, lâm nghiệp; từ đó tạo nên sự phân hóa lao động theo ngành nghề và sự phân bố dân cư giữa các khu vực nội và ngoại thành, khu vực ngoại thành có mật độ dân số thấp hơn và lao động nông, lâm nghiệp cao hơn nội thành.

d. Thủy văn

Nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch rất phát triển, với tổng chiều dài khoảng 7.955km, tổng diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích thành phố.

Hệ thống thủy văn của TP. Hồ Chí Minh thuận lợi để xây dựng các cảng như Sài Gòn, Bến Nghé, Cát Lái… thuộc hệ thống giao thông đường thủy có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy các hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước; góp phần phát triển công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tập trung dân cư.

Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi, kênh rạch của thành phố đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; đồng thời hệ thống cấp thoát nước còn nhiều hạn chế gây tình trạng thủy triều xâm nhập sâu tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, các khu vực trong thành phố nhất là khu vực nội thành, thường xuyên bị ngập lụt khi xảy ra mưa lớn hoặc triều cường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng đô thị cũng như sản xuất và sinh hoạt của người dân.

e. Sinh vật

Thành phố Hồ Chí Minh có 3 hệ sinh thái thảm thực vật, gồm:

Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm ở Củ Chi và Thủ Đức. Rừng ở huyện Củ Chi thường là rừng kín thường xanh với ưu thế cây họ dầu, tầng dưới tán có cây mã tiền, cù đèn, bời lời, lim sẹt, cò ke, lồng mút… đây là kiểu rừng ẩm hơi khô.

Hệ sinh thái rừng úng phèn gồm có các cánh rừng Tràm tự nhiên ở Tây Nam huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Do sự tác động của con người, nên loại rừng này hầu như không còn nữa, chỉ sót lại một ít rặng cây ở dạng chồi bụi.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn tập trung ở huyện Cần Giờ, thuộc loại rừng phòng hộ được hình thành trên các bãi bồi ở cửa ven sông, ven biển có hệ thực vật khá phong phú, khoảng 104 loài thuộc 48 họ với tổng diện tích lên đến 25.000 ha, các quần xã thực vật quen thuộc ở rừng ngập mặn phía nam nước ta hầu như đều hiện diện tại Cần Giờ. Với sự phong phú về thành phần loài và nhiều giá trị sinh học quý giá, năm 2001 UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của gần 90 nước trên thế giới.

Tóm lại, TP.Hồ Chí Minh có vị trí Địa lí thuận lợi, gần các vùng giàu tài nguyên giàu có và là đầu mối giao thông trong nước cũng như quốc tế quan trọng; thành phố có điều kiện khí hậu ổn định thích hợp cho hoạt động sản xuất và cuộc sống của con người cùng hệ thống sông ngòi có giá trị về nhiều mặt (giao thông, sản xuất, sinh hoạt…); hệ thống đất đa dạng thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng CSHT và CSVCKT… Vì thế, TP. Hồ Chí Minh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ cấu ngành nghề đa dạng, đa thành phần, từ đó tạo nhiều việc làm cho người lao động, đồng thời làm thay đổi cơ cấu lao động cả về số lượng và chất lượng và có sức hút lớn đối với lao động nhập cư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm dân số thành phố hồ chí minh (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)