TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật lớn nhất nước ta, đồng thời có lượng người dân nhập cư lớn nên thành phố có thành phần dân tộc đa dạng, tuy nhiên đại bộ phân người dân thành phố là dân tộc kinh, chiếm khoảng 93,5% dân số, tiếp đến là dân tộc Hoa chiếm 5,8% dân số, dân tộc Khmer chiếm khoảng 0,34% và dân tộc Chăm khoảng 0,11%; các dân tộc khác chiếm 0,23% dân số. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn một bộ phận người nước ngoài sinh sống và làm việc chiếm khoảng 0,02% dân số.
Sự đa dạng về thành phần dân tộc tạo nên sự đa dạng về văn hóa cho TP. Hồ Chí Minh, tạo nên môi trường thân thiện, cởi mở thuận lợi để cộng đồng các dân tộc phát triển.
Trong quá trình phát triển TP. Hồ Chí Minh, dân tộc Hoa sinh sống tại vùng đất này khoảng từ năm 1778 khi TP. Hồ Chí Minh có tên là Chợ Lớn, nhờ giỏi buôn bán nên cộng đồng người Hoa ở đây chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực như bán buôn, sản xuất hàng tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ như điện máy, vải, hàng kim khí…Họ cũng là cầu nối quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các quốc gia có người Hoa sinh sống như Singapore, Trung Quốc… góp phần xây dựng kinh tế các quận cư ngụ nói riêng và kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói chung thêm sầm uất, nhất là các hoạt động thương mại. Hiện người Hoa sống tập trung tại các quận 5, 6, 8 và 10.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh có 0,02% lao động nước ngoài đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp... đa phần làm việc trong chức vụ quản lí hoặc chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, cũng có một bộ phận là giáo viên dạy tiếng nước ngoài…đây là bộ phận có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển giao văn hóa và tác phong làm việc công nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới, góp phần thay đổi cách làm việc và chất lượng lao động TP. Hồ Chí Minh.
Tiểu kết chương 2
Qua nghiên cứu và phân tích đặc điểm dân số TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2016 cho thấy rằng:
Đây là giai đoạn dân số thành phố gia tăng mạnh mẽ với quy mô dân số lớn nhất cả nước, trong đó chủ yếu là gia tăng cơ học trong giai đoạn đầu, nhưng từ thập niên thứ hai của thế kỉ XXI gia tăng tự nhiên có vai trò quan trọng hơn. Vì thế, để ổn định và kiểm soát được vấn đề gia tăng dân số của TP. Hồ Chí Minh cần kiểm soát cả vấn đề gia tăng tự nhiên lẫn gia tăng cơ học.
Do tính tích cực di cư của nữ giới cao hơn nam, đặc biệt trong nhập cư ngoại tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh nên thành phố có tỉ số giới tính thấp và nữ giới chiếm đa số trong cơ cấu dân số theo giới, vì thế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác dân số TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm, chú trọng phát triển các ngành nghề phù hợp với lao động nữ, cũng như xây dựng các chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe nữ giới, nhất là sức khỏe sinh sản, tăng cường bình đẳng giới trong hưởng thụ các dịch vụ cộng đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh có cơ cấu dân số trẻ, đang trong thời kì cơ cấu dân số vàng. Vì thế, thành phố có nguồn lao động dồi dào, nhất là lực lượng lao động đang làm việc và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, dân số thành phố đang có xu hướng già hóa. Bên cạnh đó, mặc dù hiện tại lao động của thành phố chủ yếu là lao động phi nông nghiệp với trình độ văn hóa, khoa học – kĩ thuật của dân số và lao động đều cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vùng Đông Nam Bộ, nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của thành phố. Vì thế, TP. Hồ Chí Minh cần tận dụng giai đoạn này để đầu tư cho việc nâng cao chất lượng và trình độ lao động bên cạnh việc phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, thành phố cũng cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt về cả chính sách lẫn cơ sở hạ tầng – kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu khi xu hướng già hóa dân số ngày càng gia tăng.
Sự phân bố dân cư của TP. Hồ Chí Minh có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực nội thành và ngoại thành, tuy nhiên đang có sự phân bố lại dân cư theo xu hướng: giảm dân số ở các quận nội đô do việc triển khai các dự án nâng cấp, chỉnh trang đô
thị, do giá nhà đất cũng như các dịch vụ khu vực này tăng cao. Việc phát triển kinh tế nói chung và phát triển các KCN, KCX của thành phố nói riêng ở các quận huyện ven đô đã thu hút lao động từ các tỉnh và thành phố khác đến TP. Hồ Chí Minh làm ăn, sinh sống. Đồng thời quá trình đô thị hóa của thành phố cũng giãn dân từ các quận trung tâm ra quận ven và các quận mới làm dân số ở khu vực này tăng mạnh. Trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng – kĩ thuật chưa hoàn thiện và chưa phát triển kịp với sự gia tăng dân số nên khiến những khu vực này trở nên quá tải và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống dân cư.
Bên cạnh đó, người nhập cư từ khắp mọi miền đất nước đổ về TP. Hồ Chí Minh làm việc, một mặt cung cấp nguồn lao động cho thành phố, làm đa dạng ngành nghề, tăng tính cạnh tranh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lí đô thị TP. Hồ Chí Minh, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng kĩ thuật và xã hội, đến việc làm, nhà ở, chất lượng cuộc sống và cảnh quan môi trường đô thị.
TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có sự đa dạng văn hóa cùng với sự đa dạng về thành phần dân tộc. Vì thế, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP. Hồ Chí Minh cần phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy sự đa dạng văn hóa nhằm góp phần phát triển thành phố bền vững trong tương lai.
Có thể nói dân số là yếu tố cơ bản trong phát triển đô thị và kinh tế - xã hội, do đó nếu phát triển dân số và phân bố dân cư hợp lí sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị. Vì vậy, cần phải có chính sách phát triển dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội để TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, bền vững và là môi trường sống tốt cho mọi người dân.
Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
NHẰM PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ HỢP LÍ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025
3.1. Cơ sở đề xuất các định hướng
3.1.1. Căn cứ thực trạng đặc điểm dân số thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2016
TP. Hồ Chí Minh là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, gia tăng dân số của thành phố do cả gia tăng tự nhiên cơ học lẫn gia tăng cơ học quyết định. Trong giai đoạn nghiên cứu, mặc dù gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ cơ học của thành phố có nhiều biến động và thể hiện vai trò quyết định đến vấn đề gia tăng dân số khác nhau ở từng giai đoạn, nhưng đều có xu hướng giảm, song vẫn đạt giá trị dương (>0) nên số lượng dân số tăng hàng năm, đặc biệt là lực lượng lao động nhập cư của TP. Hồ Chí Minh rất lớn, đồng thời địa bàn nhập cư của bộ phận này cũng có sự thay đổi, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và phân bố dân cư của TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh là đô thị có tỉ số giới tính thấp và nữ giới chiếm đa số trong cơ cấu dân số theo giới, cùng sự đa dạng về văn hóa với sự đa dạng về thành phần dân tộc.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đô thị có đặc điểm cơ cấu dân số trẻ, đang trong thời kì cơ cấu dân số vàng nhưng dân số đang có xu hướng già hóa. Mặt khác, lao động của thành phố chủ yếu là lao động phi nông nghiệp với trình độ văn hóa, khoa học – kĩ thuật của dân số và lao động đều cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vùng Đông Nam Bộ, nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của thành phố.
Sự phân bố dân cư của TP. Hồ Chí Minh cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực nội thành và ngoại thành, tuy nhiên thành phố đang có sự phân bố lại dân cư theo xu hướng “ngoại ô hóa” rất rõ rệt.
2025
Mục tiêu
Xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Quan điểm
- Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với Vùng TP. Hồ Chí Minh, VKTTĐPN, với cả nước và quốc tế.
- Phát triển hài hoà, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường.
- Phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc; phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
3.1.2.1. Định hướng phát triển kinh tế
TP. Hồ Chí Minh có quy mô dân số và tiềm lực phát triển kinh tế lớn nhất cả nước, giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với VKTTĐPN, với cả nước và khu vực. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và phát huy vai trò kinh tế của thành phố đối với các vùng, cần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng kinh tế cao. Định hướng trong những năm tới, thành phố đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2016 – 2020 đạt từ 9,5% – 10%/năm và giai đoạn 2021 – 2025 đạt từ 8,5% - 9%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2020 đạt từ 8.430 – 8.822 USD, đến năm 2025 đạt từ 13.340 – 14.285 USD.
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh sản xuất, giữ vững vai trò động lực phát triển cho cả vùng, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn nhất, trung tâm văn hóa khoa học kĩ thuật mạnh nhất cả nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng
tỉ trọng khu vực dịch vụ, phát triển kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu.
Dịch vụ: giai đoạn 2016 - 2025 TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp. Tập trung phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố gồm thương mại; du lịch; tài chính; vận tải và kho bãi; công nghệ thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản, bất động sản; tư vấn, khoa học công nghệ; y tế; giáo dục đào tạo. Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm thương mại và tài chính của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển các ngành dịch vụ biểu hiện trình độ phát triển của nền kinh tế đô thị, điều này càng làm cho thành phố trở thành nơi thu hút lực lượng lao động lớn.
Công nghiệp: TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, lợi thế cạnh tranh; tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn (điện, điện tử, cơ khí, hóa chất, chế biến tinh lương thực thực phẩm). Đồng thời, thành phố cũng giảm tỉ trọng phát triển các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và lao động, xu hướng chuyển dịch về các tỉnh lân cận. Như vậy, trong những năm tới, TP. Hồ Chí Minh ngày càng thu hút số lượng lớn lao động có trình độ khoa học kĩ thuật cao.
Về định hướng phát triển các KCN - KCX của thành phố: Theo quy hoạch phát triển đến năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh, các khu - cụm công nghiệp tập trung gồm 1 khu công nghệ cao có diện tích 872 ha; 20 KCN tập trung, KCX có diện tích 6.020 ha và các cụm công nghiệp địa phương (cũ và mới) có diện tích 1.900 ha. Vùng phát triển công nghiệp được phát triển tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Cũng theo quy hoạch TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành cũ, hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển. Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông.
Phát triển các KCN của thành phố phù hợp với chiến lược phát triển và phân bố lực lượng sản xuất của toàn vùng, có mối quan hệ hợp tác với các KCN của các tỉnh lân cận trong một thể thống nhất. Ngoài ra, thành phố thực hiện chính sách phát triển
kinh tế mở cửa nhiều thành phần, hướng ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tiếp cận với thị trường thế giới, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tăng cường thu hút vốn trong và ngoài nước, tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng suất lao động. Với định hướng phát triển như trên, trong thời gian tới nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn, kĩ thuật cao ngày càng tăng, lao động chân tay giản đơn giảm và xu hướng chuyển dần sang các tỉnh lân cận.
Nông nghiệp: thành phố phát triển nền nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển theo chiều sâu các mô hình sản xuất kết hợp với kinh doanh, phục vụ du lịch, đẩy mạnh nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến.
3.1.2.2. Định hướng phát triển dân số ở TP. Hồ Chí Minh
- Quy mô dân số: Đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người; năm 2025 khoảng 10 triệu người; khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người;
- Phân bố dân cư: Khu vực nội thành cũ quy mô dân số từ 4,0 - 4,5 triệu người; khu nội thành phát triển (6 quận mới) từ 2,8 - 2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 2,6 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).
- Giải quyết việc làm: tăng khả năng giải quyết việc làm cho người lao động, đến năm 2020 hàng năm sẽ tạo ra 125.000 chỗ làm việc mới và đến năm 2025 hàng năm sẽ tạo ra 130.000 chỗ làm việc mới.
3.1.2.3. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng vật chất kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh
Giao thông vận tải
Cải thiện đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kĩ thuật của thành phố nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải hiện nay, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho nhu cầu phát triển theo các mục tiêu đề ra, đặc biệt đáp ứng cho nhu cầu giao thông vận tải khi thành phố trở thành “siêu đô thị” với 10 triệu dân. Cơ