Hứng thú học tập của sinh viên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hứng thú học tập theo hình thức dạy học kết hợp của sinh viên trường cao đẳng thực hành FPT (Trang 27 - 41)

1.2.1.1. Khái niệm hứng thú học tập

Học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sinh viên và trong quá trình học tập, hứng thú học tập giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của các quá trình học tập. Nhờ hứng thú mà trong quá trình học tập, sinh viên có thể giảm mệt mỏi, căng thẳng, tăng sự chú ý, thúc đẩy tính tích cực

tìm tòi, sáng tạo. Hứng thú tạo nên ở sinh viên sự tích cực học tập, khao khát tiếp cận và đi sâu vào tìm hiểu, khám phá tri thức.

A.G Côvaliôp định nghĩa: Hứng thú học tập chính là thái độ lựa chọn đặc biệt của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, vì sự cuốn hút về mặt tình cảm và ý nghĩa thiết thực của nó trong đời sống của cá nhân (Côvaliôp, 1971). Theo Nguyễn Quang Uẩn, hứng thú học tập là thái độ đặc biệt của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, mà đối tượng của hoạt động học tập chính là nội dung của môn học đó vì nó vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống (tính thiết thực), vừa có khả năng đem lại khoái cảm (cuốn hút về mặt tình cảm) cho chủ thể (Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Văn Lũy và Đinh Văn Vang, 2006).

Theo Phùng Mạnh Tường thì hứng thú là một hiện tượng tâm lý rất phức tạp có vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong các lĩnh vực khoa học- làm tăng hiệu quả của quá trình nhận thức, làm nảy sinh khát vọng hành động và hành động một cách say mê, sáng tạo, có hiệu quả, làm tăng thêm sức làm việc… của mỗi người (Phùng Mạnh Tường, 2008).

Theo Bích Thủy: Hứng thú học tập là thái độ nhận thức đặc biệt của người học đối với hoạt động học tập do có ý nghĩa thiết thực và có ý nghĩa trong cuộc sống, trong quá trình học tập làm việc của mỗi người (Nguyễn Thị Bích Thủy, 2010).

Nguyễn Kim Vui cho rằng hứng thú học tập là thái độ nhận thức đặc biệt của người học đối với hoạt động học tập, bởi hoạt động này có ý nghĩa thiết thực đối với cá nhân người học trong quá trình sống, học tập và làm việc. Do đó, để có hứng thú học tập, nội dung môn học cần gây được sự chú ý, hấp dẫn và phải được chủ thể (người học) ý thức, hiểu rõ ý nghĩa của môn học đối với bản thân và nhất là nội dung môn học cần phải tạo được tình cảm đặc biệt với cá nhân. Có như vậy, hứng thú học tập mới tạo nên khát vọng tiếp cận và đi sâu vào môn học nơi cá nhân. Khát vọng này biểu hiện ở chỗ cá nhân tập trung cao độ vào nội dung môn học, đồng thời, điều chỉnh các quá trình tâm lý cũng như những hoạt động cá nhân

sao cho phù hợp với hứng thú ấy. Vì lẽ đó, một khi được tiếp cận với môn học phù hợp với hứng thú, người học sẽ cảm thấy thoải mái và từ đó kết quả học tập mới cao (Nguyễn Kim Vui, 2011).

Bước vào giai đoạn sinh viên, học tập của bản thân các bạn là gắn liền với nghề nghiệp trong tương lai mà họ đã lựa chọn, phần lớn họ ý thức được rằng việc học tập của bản thân là để trở thành những chuyên gia thành thạo trong lĩnh vực nghề nghiệp đã chọn.

Hứng thú học tập của sinh viên hình thành dần dần và phát triển qua mỗi bài học, khi người dạy khơi dậy sự tích cực ở sinh viên làm cho sinh viên cùng suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo trong quá trình học.

Người dạy biết cách tổ chức bài giảng và sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp sẽ thúc đẩy sinh viên quan tâm tới những vấn đề đặt ra cả trong giờ học lẫn sau khi giờ học đã kết thúc. Từ đó, bản thân sinh viên sẽ nhận thức được ý nghĩa, tác dụng, tầm quan trọng của bài học, của ngành nghề mình đang học và tính chất, đặc điểm của học tập, tri thức trở thành đối tượng hấp dẫn. Hứng thú với những vấn đề mới mẻ của ngành nghề họ đang theo học ngày càng phát triển hơn. Hứng thú này trở thành một trong những động cơ học tập chủ yếu của sinh viên. Nó kích thích khát vọng thường xuyên mở rộng và đào sâu suy nghĩ trong lĩnh vực khoa học đó. Từ đó, sinh viên trở nên thích thú, yêu thích việc học tập và biểu hiện sự tích cực học tập bằng những hành động cụ thể, khát khao đi sâu vào tiếp cận, khai thác, tìm hiểu tri thức. Sinh viên dành thời gian rảnh của mình vào việc tìm tòi thêm những kiến thức của bài học, của ngành nghề mình đang theo học.

Chúng tôi đồng ý với định nghĩa sau: Hứng thú học tập là thái độ nhận thức đặc biệt của người học đối với hoạt động học tập do có ý nghĩa thiết thực và có ý nghĩa trong cuộc sống, trong quá trình học tập làm việc của mỗi người (Nguyễn Thị Bích Thủy, 2010).

1.2.1.2. Đặc điểm và biểu hiện của hứng thú học tập Đặc điểm của hứng thú học tập

Đối tượng của hứng thú học tập là học tập, là sự lĩnh hội và vận dụng hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mới, hướng tới việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách người chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể. Do vậy, hứng thú học tập không chỉ nhằm vào việc tiếp thu tri thức mà còn hướng vào quá trình đạt được những tri thức đó.

Yếu tố đặc trưng của hứng thú học tập là bao hàm thái độ nhận thức phức tạp đối với đối tượng học tập. Thái độ nhận thức đó được thể hiện ra ở việc thường xuyên nghiên cứu sâu sắc, độc lập, tiếp thu kiến thức thuộc lĩnh vực mình thích thú, hoàn thiện phương pháp học tập, kiên trì khắc phục khó khăn nắm kiến thức và phương pháp tiếp thu kiến thức.

Trong hứng thú học tập, các quá trình suy nghĩ mang màu sắc xúc cảm rõ rệt, các hành vi nhận thức không dừng ở mức độ quan sát thụ động mà mang tính chất định hướng tích cực. Chủ thể không chỉ có nguyện vọng nắm chắc kiến thức mà còn muốn mở rộng kiến thức. Hơn nữa, việc mở rộng kiến thức được gắn liền với hoạt động tích cực, tìm tòi ra cái bản chất, cái cơ bản bên trong của quá trình cũng như của những hiện tượng, sự kiện được nghiên cứu, chứ không chỉ dừng lại ở bề ngoài.

Biểu hiện của hứng thú học tập

Hứng thú là sự kết hợp giữa nhận thức với xúc cảm tích cực và hành động, nghĩa là có sự kết hợp giữa sự hiểu biết về đối tượng với sự thích thú với đối tượng và tính tích cực hoạt động với đối tượng. Như vậy, hứng thú học tập được biểu hiện ở ba mặt: Nhận thức về đối tượng, thái độ đối với đối tượng và thể hiện hành vi để vươn tới chiếm lĩnh đối tượng.

Đồng thời, nhà tâm lý học N.G.Marôzôva cho rằng để phát hiện ra hứng thú học tập có thể căn cứ vào 3 nhóm dấu hiệu dưới đây:

- Những dấu hiệu đặc thù riêng của hứng thú, đó là những biểu hiện về hành vi và hoạt động của chủ thể trong quá trình hoạt động học tập trên lớp:

+ Tập trung chú ý trong giờ học: khi hứng thú cá nhân tập trung tư tưởng, không sao nhãng với vấn đề đang quan tâm.

+ Khi theo dõi bài giảng, cá nhân tham gia vào bàn bạc, thảo luận những vấn đề giáo viên đặt ra cho cả lớp. Do đó, việc cá nhân hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài, số lượng và chất lượng của những phát biểu…. là một dấu hiệu chứng tỏ cá nhân có hứng thú học tập.

+ Nảy sinh các câu hỏi trong quá trình hoạt động học tập. Khi hứng thú, cá nhân muốn đi sâu vào bản chất của đối tượng nhận thức, do đó nảy sinh các câu hỏi và sự tìm tòi lời giải đáp cho câu hỏi đó.

- Những dấu hiệu của hứng thú có liên quan với sự thay đổi hành vi của cá nhân ở ngoài giờ học: các cá nhân tranh luận với nhau về vấn đề đặt ra, suy nghĩ về nội dung bài học…

- Những dấu hiệu liên quan tới cách sống của cá nhân ở nhà là biểu hiện độ bền vững, phát triển cao của hứng thú học tập, như: ở nhà cá nhân thường đọc loại sách gì, sử dụng thời gian rảnh rỗi như thế nào, lựa chọn các hình thức ngoại khóa nào…(Imkock, 1990).

Từ những phân tích trên, có thể tổng hợp những biểu hiện cụ thể cho hứng thú học tập của người học trong nghiên cứu này như sau: Một là, sinh viên có một lượng kiến thức đủ về phương pháp dạy học mà mình đang và sẽ áp dụng; hai là, sinh viên nhận thức được sự tối ưu cùng mặt tích cực trong phương pháp học của mình; ba là sinh viên có thái độ tích cực với việc học tập; bốn là, không chỉ có kiến thức nền tảng, nhận thức tốt, thái độ đúng đắn, mà biểu hiện cao nhất của sự hứng thú học tập đó là sinh viên tích cực hoạt động để tiếp cận, khai thác và chiếm lĩnh tri thức.

- Căn cứ vào cấu trúc và các dấu hiệu của hứng thú học tập, có thể đánh giá hứng thú học tập của người học theo các mức độ sau:

+ Hứng thú ở mức độ rất cao: Người học nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc học đối với nghề nghiệp trong tương lai và với cuộc sống của cá nhân. Trong quá trình học tập, người học tỏ ra yêu thích, chăm chú nghe giảng, tích cực phát biểu ý kiến, tham gia thảo luận, nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

+ Hứng thú ở mức độ cao: Người học nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học, có thái độ học tập nghiêm túc, chú ý nghe giảng, nghiên cứu tài liệu, nhưng tính tích cực chưa cao, chủ yếu dựa vào tài liệu trong giáo trình mà chưa đầu tư nhiều cho môn học.

+ Hứng thú ở mức độ bình thường: Người học học để cho qua các môn, học theo nghĩa vụ, không biểu hiện sự hứng thú học tập.

+ Hứng thú ở mức độ thấp: Trên lớp không tập trung vào nội dung bài học, làm việc riêng, không chú ý nghe giảng, không đọc giáo trình hay tài liệu liên quan.

+ Rất hứng thú: không muốn đến lớp, vô cùng chán nản mỗi khi có giờ học và phải học môn này (Nguyễn Thị Bích Thủy, 2010).

1.2.2. Dạy học kết hợp

1.2.2.1. Định nghĩa dạy học kết hợp

Dạy học kết hợp (blended learning) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới trong thời điểm hiện tại. Mặc dù được nghiên cứu và áp dụng trong thời gian gần đây nhưng nó đã nhanh chóng chứng minh được ưu điểm của mình.

Nền tảng ban đầu của dạy học kết hợp (blended learning) căn cứ theo sự giao tiếp của người dạy và người học là dạy học giáp mặt và dạy học trực tuyến. Trong đó dạy học giáp mặt là hình thức dạy học trong đó hoạt động dạy của người dạy và hoạt động học của người học được diễn ra trong cùng một không gian và vào cùng một thời gian còn dạy học trực tuyến là phương pháp mà trong đó các

khóa học được tổ chức thông qua phương tiện điện tử của Internet. Tư liệu khóa học, bao gồm các tài liệu tham khảo, tư liệu học tập và tương tác với người dạy cũng như những người học khác đều được thực hiện thông qua việc sử dụng máy tính cá nhân và các phương tiện truyền thông (Vũ Dũng, 2008).

Dạy học kết hợp "Blended Learning" được nghiên cứu từ năm 1960 nhưng thuật ngữ được xuất hiện công khai lần đầu tiên trong một bài báo cáo của trung tâm học tập tương tác của một doanh nghiệp giáo dục tại Atlanta.

Theo Alvarez (2005), dạy học kết hợp là "Sự kết hợp của các phương tiện truyền thông trong đào tạo như công nghệ, các hoạt động, và các loại sự kiện nhằm tạo ra một chương trình đào tạo tối ưu cho một đối tượng cụ thể".

Theo Bonk và Graham (2005), Dạy học kết hợp (Blended Learning) là: “Kết hợp các phương thức giảng dạy (hoặc cung cấp các phương tiện truyền thông); Kết hợp các phương pháp giảng dạy; Kết hợp học tập trực tuyến và học tập truyền thống”.

Tác giả Victoria L. Tinio cho rằng "Dạy học kết hợp (Blended Learning) để chỉ các hình thức học kết hợp giữa hình thức lớp học truyền thống và các giải pháp E - learning" (Victoria, 2003).

Theo Emma Tudor: Hình thức học tập kết hợp là một khái niệm được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục nhằm mô tả một chương trình học kết hợp giữa thời gian tương tác trên lớp và áp dụng công nghệ trong hoạt động dạy và học. Phần lớn thời lượng của một chương trình học áp dụng hình thức này vẫn sẽ diễn ra trong lớp học với sự hướng dẫn của giáo viên (giống như các phương pháp truyền thống khác), nhưng ngoài ra, hình thức này sẽ mang lại những lợi ích từ việc áp dụng công nghệ vào trong giáo dục. Từ đó giúp cải thiện trải nghiệm và kết quả học tập (Nguyễn Thị Bích Thủy, 2010).

Tóm lại, có nhiều định nghĩa khác nhau về học kết hợp, tuy nhiên theo một cách ngắn gọn, dễ hiểu thì có ba cách định nghĩa được sử dụng rộng rãi.

- Blended Learning là kết hợp các phương thức giảng dạy (hoặc cung cấp các phương tiện truyền thông) (Bersin, 2006).

- Blended learning là kết hợp các hình thức giảng dạy (Rossett and Frazee, 2006).

- Blended Learning là kết hợp hướng dẫn trực tuyến và sự hướng dẫn đối mặt (Medina, 2018).

Các định nghĩa được đưa ra chủ yếu dựa trên sự kết hợp về hình thức tổ chức, nội dung và phương pháp dạy học.

Ở Việt Nam, dạy học kết hợp còn là một khái niệm mới mẻ. Tác giả Nguyễn Văn Hiền có đưa ra một khái niệm tương tự là "Học tập hỗn hợp" để chỉ hình thức kết hợp giữa cách học truyền thống với học tập có sự hỗ trợ của công nghệ, học tập qua mạng, Tổ chức Học tập hỗn hợp, biện pháp rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho sinh viên trong dạy học sinh học” (Nguyễn Văn Hiền, 2008).

Dạy học kết hợp (Blended learning) được đưa ra nhằm đáp ứng thỏa mãn hai yêu cầu giúp người học vừa nắm vững kiến thức đồng thời không làm ảnh hưởng tới thời gian học môn học trên lớp. Chìa khóa của hình thức này là “tỷ lệ hòa trộn hoàn hảo” giữa nhu cầu của người học, khả năng của người học và những yếu tố bên ngoài như ứng dụng công nghệ thông tin và hình ảnh hóa và game hóa. Từ những cách định nghĩa trên, có thể hiểu một cách đơn giản, dạy học kết hợp (Blended Learning) là sự phối hợp nội dung, hình thức và cách thức tổ chức dạy - học giữa các hình thức học khác nhau nhằm tối ưu hóa thế mạnh mỗi hình thức, đảm bảo hiệu quả giáo dục đạt được là cao nhất.

Được xem là hình thức giáo dục tiên tiến, dạy học kết hợp (blended learning) hiện đang được áp dụng giảng dạy tại nhiều trường đại học danh giá như Harvard, Oxford và 40% các tổ chức chuyên nghiệp về đào tạo trên thế giới.

1.2.2.2. Đặc điểm dạy học kết hợp

Dạy học kết hợp (blended learning) là một sự thay đổi đáng kể so với hình thức giảng dạy truyền thống. Nếu như trước đây, công nghệ thông tin đóng vai trò là công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy trên lớp thì nay, việc học trên lớp và việc học trực tuyến có thời gian ngang nhau và quan trọng như nhau. Theo Inacol, dạy học kết hợp (blended learning) có các đặc điểm sau:

- Sự thay đổi hình thức giảng dạy, lấy người học làm trung tâm thay vì người dạy như trước đây, người học sẽ trở nên năng động và tương tác nhiều hơn.

- Sự tăng sự tương tác giữa người học và người dạy, giữa người học với người học, giữa người học với nội dung kiến thức và giữa người học với các nguồn bên ngoài.

- Cơ chế hình thành và tổng kết đánh giá cho người học và người dạy. Xét về mặt bản chất của hình thức tổ chức dạy học, dạy học kết hợp (blended learning) có những đặc điểm sau:

- Linh hoạt về không gian và thời gian diễn ra các hoạt động dạy và học,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hứng thú học tập theo hình thức dạy học kết hợp của sinh viên trường cao đẳng thực hành FPT (Trang 27 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)