1.2.1.1. Kỹ năng
a. Khái niệm
Kỹ năng là một vấn đề được nhiều nhà tâm lý học, giáo dục trong và ngoài nước quan tâm. Ở các góc độ khác nhau, các tác giả có những quan niệm khác nhau về kỹ năng, nhưng tổng kết lại có 2 quan niệm về kỹ năng như sau:
Quan niệm thứ nhất, xem xét kỹ năng nghiêng về mặt kỹ thuật của hành động. Đại diện cho loại quan niệm này là các tác giả V. A. Cruchetxki, V.V Tsebưseva, A.V. Petrovxki… chẳng hạn, A.V. Petrovxki quan niệm rằng: kỹ năng là cách thức hoạt động dựa trên cơ sở tri thức và kỹ xảo. Kỹ năng được hình thành bằng con đường luyện tập, kỹ năng tạo khả năng cho con người thực hiện hành động không chỉ trong những điều kiện quen thuộc mà trong những điều kiện đã thay đổi. Xuất phát từ chỗ coi kỹ năng là mặt kỹ thuật của hành động, các tác giả này quan niệm rằng, khi nắm được kỹ thuật hành động, hành động đúng các yêu cầu kỹ thuật của nó thì sẽ đạt kết quả. Muốn nắm được kỹ thuật hành động và thực hiện được hành động theo đúng kỹ thuật thì có phải quá trình học tập và rèn luyện. Như vậy, theo loại quan niệm này, kỹ năng là phương tiện thực hiện hành động mà con người đã nắm vững. (Dẫn theo Nguyễn Thị Hải, 2014)
Quan niệm thứ hai, xem xét kỹ năng nghiêng về mặt năng lực của con người. Đó là quan niệm của các tác giả: N.Đ.Levitov, X.I. Kixegof, K. K. Platonov, Xavier Roegiers, Kevin Barry, Ken King, Trần Quốc Thành (1992), Nguyễn Quang Uẩn (2005)…
Theo N.Đ.Levitov, kỹ năng là sự thực hiện có kết quả một động tác nào đó hay một hành động phức tạp hơn, bằng cách áp dụng hay lựa chọn những cách thức đúng đắn, có chiếu cố đến những điều kiện nhất định. Kỹ năng có liên quan nhiều đến thực tiễn, đến việc áp dụng tri thức vào thực tiễn. Tương tự như vậy, X.I.Kixegof cho rằng, kỹ năng là khả năng thực hiện có hiệu quả hệ thống hành động phù hợp với mục đích và điều kiện thực hiện hệ thống hành động này. Theo ông, kỹ năng bao giờ cũng diễn ra dưới sự kiểm tra của ý thức nhiều hay ít. Kỹ năng đòi hỏi việc sử dụng những kinh nghiệm đã thu được trước đây và những tri thức nhất định nào đó trong các hành động, thiếu những điều này, không thể có kỹ năng. K.K. Platonov còn nhấn mạnh đến tính linh hoạt mềm dẻo của kỹ năng. Theo ông, người có kỹ năng không chỉ hành động có kết quả trong một hoàn cảnh cụ thể mà còn phải đạt kết quả tương tự trong những điều kiện khác.
Như vậy, khác với quan niệm thứ nhất, các tác giả theo quan niệm thứ hai, coi kỹ năng không chỉ đơn thuần là kỹ thuật hành động mà nó còn là biểu hiện của năng lực, kỹ năng vừa có tính ổn định, vừa có tính mềm dẻo. Nhờ có sự mềm dẻo mà con người có tính sáng tạo hoạt động thực tiễn. Ở đây các tác giả có chú ý đến kết quả của hành động.
Trong những năm gần đây khi đề cập tới kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp người ta không chỉ dừng ở tiêu chí kết quả chính xác, khả năng linh hoạt, mà còn xem xét các yếu tố thái độ, động cơ của cá nhân trong thực hiện hành động có kỹ năng đó. Cách tiếp cận này xem xét kỹ năng ở góc độ rộng hơn khi nó kết nối các yếu tố kiến thức, kỹ thuật và giá trị (thái độ, niềm tin) trong hành vi của một hoạt động nhất định. Cho rằng, mọi hành vi của con người đều xuất phát từ cách mà người ta suy nghĩ, tác giả J.N.Richard coi kỹ năng là những hành vi được thể hiện ra hành động bên ngoài và chịu sự chi phối cách thức con người cảm nhận và suy nghĩ. Còn tác giả I.Louise (1995) cũng khẳng định, kỹ năng là yếu tố mang tính
thực tiễn và là kết quả của sự nối kết giữa lý thuyết và giá trị (thái độ, niềm tin). Mặc dù ghi nhận hành vi có kỹ năng là khả năng lựa chọn những kiến thức, kỹ thuật thích hợp và sử dụng chúng có hiệu quả, song S.A. Morales & W.Sheator (1987) và M.Bartte Hariet (1970) nhấn mạnh sự lựa chọn đó chịu ảnh hưởng của thái độ, niềm tin của cá nhân đối với hoạt động cụ thể. Đây là một xu hướng khá mới về quan niệm kỹ năng. Quan điểm này tương đối phù hợp cho nghiên cứu những kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn.
Từ những phân tích các quan niệm trên, chúng tôi đi đến kết luận:
Kỹ năng là sự vận dụng thuần thục tri thức, kinh nghiệm vào hành động thực tiễn trong điều kiện cụ thể để đạt được mục đích đã đề ra.
- Người có kỹ năng hành động trong một lĩnh vực hoạt động được biểu hiện ở những dấu hiệu sau đây:
+ Có tri thức về hành động: nắm được mục đích hành động; nắm được cách thức thực hiện hành động và các điều kiện thực hiện hành động.
+ Thực hiện hành động đúng với các yêu cầu của nó. + Hành động đạt kết quả theo mục đích đề ra.
+ Có thể thực hiện hành động có kết quả trong những điều kiện thay đổi.
b.Quá trình hình thành kỹ năng
Tác giả G.Theodorson (1969) cho rằng, ban đầu kỹ năng mới chỉ là các thao tác riêng lẻ chưa được hoàn thiện, trong quá trình rèn luyện, chúng trở nên hành động nhanh chóng, chính xác, và sau đó trở thành kỹ xảo (không cần sự kiểm soát của ý thức).
Hai tác giả K.K.Platonov và G.G.Golubev đưa ra các giai đoạn phát triển kỹ năng với 5 giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn 1: kỹ năng còn rất sơ đẳng khi chủ thể mới ý thức được mục đích và tìm kiếm cách thức hành động dưới dạng “thử và sai”
Giai đoạn 2: kỹ năng đã có, nhưng chưa đầy đủ.
Giai đoạn 3: kỹ năng chung, song còn mang tính riêng lẻ.
Giai đoạn 4: kỹ năng ở trình độ cao, cá nhân sử dụng thành thạo các thao tác kỹ thuật, cách thức thực hiện để đạt được mục đích.
Giai đoạn 5: Kỹ năng tay nghề cao, khi cá nhân vừa thành thạo vừa sáng tạo trong sử dụng các kỹ năn ở những điều kiện khác nhau.
Một số tác giả V.A.Cruchetxki, Phạm Minh Hạc, N.Đ.Levitôv, A.V.Petrovxki, Trần Quốc Thành (1992) … cho rằng, quá trình hình thành kỹ năng gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Nhận thức đầy đủ về mục đích, cách thức và điều kiện hành động.
Giai đoạn 2: Quan sát và làm thử theo mẫu.
Giai đoạn 3: Luyện tập để tiến hành các hành động theo đúng yêu cầu nhằm đạt được mục đích đặt ra.
Theo các tác giả này, việc nhận thức mục đích, cách thức và điều kiện hành động cực kỳ quan trọng. Vì mục đích là kết quả hành động mà người ta dự kiến trước khi bắt tay vào hành động. Trên cơ sở xác định mục đích hành động, người ta sẽ lập kế hoạch và tìm các điều kiện, biện pháp phù hợp để đạt được mục đích. Như vậy, đây chỉ là bước định hướng hành động. Nếu dừng lại ở bước này thì chưa có kỹ năng, vì nó chỉ thể hiện mặt lý thuyết, tri thức về hành động, chứ chưa có mặt kỹ thuật, thao tác thực tiễn của hành động để đạt mục đích đề ra.
Giai đoạn làm thử theo mẫu cũng không kém phần quan trọng. Ở giai đoạn này con người một mặt thực hiện thao tác theo mẫu để hình thành kỹ năng, một mặt con người đối chiếu với tri thức về hành động và điều chỉnh các thao tác, hành động nhằm đạt được kết quả giảm bớt những sai sót trong quá trình hành động. Tùy theo khả năng của từng người mà độ sai sót nhiều hay ít, giai đoạn làm thử dài hay ngắn.
Sau khi làm thử để nắm vững cách thức hành động, người ta phải tiến hành luyện tập để hoàn thiện kỹ năng. Ở giai đoạn này, các tri thức về hành động được củng cố nhiều lần, cách thức hành động cũng được ôn luyện có hệ thống làm cho người ta nắm chắc hành động hơn. Đến đây có thể nói, kỹ năng đã được hình thành. Tuy nhiên, kỹ năng vẫn chưa ổn định. Nhiều khi, người ta có thể đạt được kết quả cần thiết song vẫn còn những sai sót, vấp váp trong hành động. kỹ năng thực sự ổn định khi người ta hành động có kết quả trong những điều kiện khác nhau.
Việc luyện tập đạt kết quả cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện luyện tập, tính hệ thống của nhiều quá trình luyện tập, đặc biệt là sự nỗ lực của cá nhân.
Quan điểm trên đây đã chỉ ra những yêu cầu cần thiết của việc hình thành kỹ năng hành động: nhận thức và triển khai nó trong thực tiễn.
Chúng tôi nhất trí với quan điểm của các tác giả V.A.Cruchetxki, Phạm Minh Hạc, N.Đ.Levitov, A.V.Petrovxki, Trần Quốc Thành nêu trên, như vậy quy trình hình thành KN đi từ hình thành nhận thức về mục đích, cách thức, điều kiện hành động tới việc quan sát và làm thử, cuối cùng là luyện tập để tiến hành hành động theo đúng yêu cầu nhằm đạt được mục đích đề ra.
1.2.1.2. Cảm xúc a. Khái niệm cảm xúc
Theo “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa: “Cảm xúc là rung động trong lòng do tiếp xúc với sự việc gì đó” (Hoàng Phê, 1997).
Theo “Từ điển Tâm lý học” (Nguyễn Khắc Viện, 1991) “Cảm xúc là phản ứng rung chuyển của con người trước một kích động vật chất hoặc một sự việc gồm hai mặt: Những phản ứng sinh lý do thần kinh thực vật, như tim đập nhanh, toát mồ hôi, hoặc run rẩy, rối loạn tiêu hóa; phản ứng tâm lý, qua những thái độ, lời nói, hành vi và cảm giác dễ chịu, khó chịu, vui sướng, buồn khổ có tính bột phát, chủ thể kiềm chế khó khăn. Lúc phản ứng chưa phân định gọi là cảm xúc, lúc phân định rõ nét gọi là cảm động, lúc biểu hiện với cường độ cao gọi là cảm kích”.
Theo Từ điển Tâm lý học (Vũ Dũng, 2000), cảm xúc: “là sự phản ánh tâm lý về mặt ý nghĩa sống động của các hiện tượng và hoàn cảnh, tức mối quan hệ giữa các thuộc tính khách quan của chúng với nhu cầu của chủ thể, dưới hình thức những rung động trực tiếp”.
Trong tâm lý học, cảm xúc được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, dưới nhiều góc độ khác nhau:
Theo X.L. Rubinstein (1960) khi xem xét cảm xúc về mặt nội dung thì các cảm xúc được xác định bởi mối quan hệ xã hội của con người, bởi tập quán và thói quen trong từng hoàn cảnh xã hội, tư tưởng của nó. Theo quan điểm của X.L.
Rubinstein khi xem xét dưới góc độ hình thức thì các cảm xúc được phân chia theo cường độ của nó: (1) cảm xúc nội tại hướng vào chủ thể hay nhân cách. (2) Trạng thái cảm xúc. (3) Xúc động là loại cảm xúc diễn ra rất mạnh và có tác động tổ chức hành vi. Tùy theo nguồn gốc nảy sinh liên quan đến những điều kiện hoàn cảnh có thể phân ra những kiểu cảm xúc khác nhau:
- Cảm xúc sơ cấp liên quan trực tiếp đến tri giác đến hoạt động hướng đích, ví dụ: giận dữ, vui vẻ hay sợ hãi.
- Cảm xúc sống liên quan đến tri giác cơ thể hay đối tượng tạo ra niềm khoái lạc hay không khoái lạc cơ thể, ví dụ: ốm, đau đớn.
- Cảm xúc với môi trường bên ngoài như căm thù, yêu nước, yêu người thân… Các nhà tâm lý học Mác xít khẳng định tâm lý là kết quả hoạt động của não, là sự phản ánh hiện thực khách quan. Trong số đó có quan điểm của nhà nghiên cứu X.L.Rubinstein (1960) cho rằng: “Cảm xúc là một hiện tượng tâm lý, là sự rung cảm của chủ thể đối với môi trường xung quanh, là trạng thái tinh thần của chủ thể trong mối quan hệ với đối tượng”.
J.Mayer, P.Salovey và D.Caruso (2000) cho rằng: “Cảm xúc là một hệ thống đáp lại của cơ thể giúp điều phối những thay đổi về sinh lý, tri giác, kinh nghiệm, nhận thức và các thay đổi khác thành những trải nghiệm mạch lạc về tâm trạng và tình cảm, chẳng hạn như hạnh phúc, tức giận, buồn chán, ngạc nhiên…”.
Daniel Goleman (2002), dưới góc độ nghiên cứu cảm xúc và mối quan hệ giữa cảm xúc và trí tuệ, đã định nghĩa: “Cảm xúc vừa là một tình cảm và các ý nghĩ, các trạng thái tâm lý và sinh học đặc biệt, vừa là thang của các xu hướng hành động do nó gây ra”. Ông cho rằng số lượng các cảm xúc rất phong phú do không chỉ có các cảm xúc đơn lẻ mà còn có sự kết hợp, sự biến thể và biến đổi của các cảm xúc tạo ra.
Trong cuốn sách “Thấu hiểu cảm xúc” hai tác giả Keith Oatley và Fennifer M. Jenkins (2005) đã định nghĩa cảm xúc như sau:
“1- Một cảm xúc hình thành từ sự lượng định chủ định hay vô tình của một người đối với một sự kiện liên quan đến một sự việc (một mục đích) đáng quan tâm.
Cảm xúc sẽ được cảm nhận một cách tích cực nếu điều quan tâm đó là một sự kiện thuận lợi và một cách tiêu cực nếu đó là một sự kiện mang tính ngăn trở.
2- Cốt lõi của một cảm xúc là sự sẵn sàng để hành động và thúc đẩy những dự định; một cảm xúc là tác nhân để bắt đầu một hay một số cách hành động nào đó.
3- Một cảm xúc thường được trải nghiệm như một hình thức phân biệt của trạng thái tinh thần, thường dẫn đến những hành động, phản ứng hay thay đổi của một con người. (theo Kevin, 2008)”
Theo Carroll E.Izard (1992) nhà tâm lý học Mỹ với các công trình nghiên cứu về cảm xúc, không nêu một định nghĩa cụ thể của cảm xúc mà cho rằng những cảm xúc tạo nên hệ thống động cơ chính của con người bao gồm ba yếu tố đặc trưng sau:
(1) Cảm giác được thể nghiệm hay là được ý thức về cảm xúc.
(2) Các quá trình diễn ra trong hệ thần kinh, hệ nội tiết, hô hấp, tiêu hóa và các hệ khác của cơ thể.
(3) Các phức hợp biểu cảm cảm xúc được quan sát, đặc biệt là những phức hợp phản ánh trên bộ mặt.
Theo C.Izard (1992) định nghĩa cảm xúc trọn vẹn “Phải tính đến tính chất thể nghiệm của nó, phải bao hàm những thành tố thần kinh và biểu cảm”. Khi xem xét nguồn gốc cảm xúc ông cho rằng: “Các cảm xúc nảy sinh như là kết quả của những biến đổi trong hệ thần kinh và những biến đổi này có thể được quy định bởi các sự kiện bên trong cũng như bên ngoài”.
Cùng quan niệm như vậy, Nguyễn Huy Tú (1975) định nghĩa “Cảm xúc của con người là những rung động khác nhau của chúng ta nảy sinh do sự thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu nào đó, do sự phù hợp hay không phù hợp của các biến cố hoàn cảnh, cũng như trạng thái bên trong cơ thể với mong muốn, hứng thú, khuynh hướng, niềm tin và thói quen của chúng ta”.
Các tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Xuân Thức đều có chung một nhận định về cảm xúc là những thái độ thể hiện rung cảm của con người đối với những sự vật hiện tượng của hiện thực, phản ánh ý nghĩa của chúng trong mối liên hệ với nhu cầu và động cơ của con người.
Tác giả Trần Trọng Thủy (2002) đưa ra khái niệm: “cảm xúc là một quá trình tâm lý, biểu hiện thái độ của con người hay con vật với sự vật, hiện tượng có liên quan đến nhu cầu của cá thể đó, gắn liền với phản xạ không điều kiện, với bản năng”.
Chúng tôi nhất trí với quan điểm của X.L. Rubinstein, Vũ Dũng, Nguyễn Quang Uẩn, Trần Trọng Thủy, Nguyễn Xuân Thức, Nguyễn Huy Tú khi cho rằng: Cảm xúc là những rung động trực tiếp của cá nhân khi có những kích thích tác động tới cá nhân, phản ảnh ý nghĩa của chúng với nhu cầu và động cơ của con người.
Cảm xúc là những rung động khi thể hiện những thái độ của mình trước những kích thích tác động. Những cảm xúc có thể là âm tính như: Sợ hãi, tức giận, tội lỗi. Những cảm xúc dương tính là: vui vẻ, hạnh phúc, sung sướng. Những kích thích đó là môi trường, quá trình học tập, hệ thần kinh, văn hóa giáo dục, trải nghiệm sống.