II. Luyện vòng Nhâm Ðốc Chung
NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH
Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ sư Thiền Tông Ấn Độ đời thứ hai mươi tám lúc bấy giờ xã hội Ấn Độ đang bị ảnh hưởng lâu đời của Bà La Môn Giáo, và tín ngưỡing của dân Ấn, hầu hết thiên nhiều về siêu hình, thần bí học. Cho nên Ấn Độ lúc bấy giờ, rất thích hợp cho Phật giáo Duy Tông Thức, Chân Như Tông, Hoa Nghiêm Tông và Không luận Tông. Trái lại, con đường trực chỉ quy nguyên của Thiền Tông rất khó khăn phát triển tại quê nhà. Do dó, Thiền Tông cần phải tìm đến một môi trường thích nghi như Trung Hoa. Đúng theo lời di huấn của Tổ thứ hai mươi bảy, ngài Bát Nhã Đa La (Prajanatra) truyền lại cho Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma như sau: "Sáu mươi năm sau ngày ta viên tịch, đệ tử nên du hành sang Đông Độ Trung Hoa truyền đạo, vì môi trường hướng Đông rất thích hợp với Thiền Tông.
Theo các học giả Đông Tây, Trung Hoa và các nước thuộc miền Đông Châu Á là đất dụng võ, rất thích hợp phát triển Thiền Tông, vì phần lớn người dân bản xứ từng thấm nhuần, và áp dụng tinh thần hòa hợp các tư tưởng Lão Trang trong cuộc sống hàng ngày. Đây là yếu tố thuận lợi giúp cho tâm hồn con người dễ trở nên điềm đạm, hào sảng, chân thành, bình thản, quân bình, mẫn tiệp, hài hòa, an nhiên tự tại, ... Những đức tính căn bản này rất cần thiết, là những viên gạch cốt tủy để xây dựng nền móng vững chắc cho Thiền Tông.
Vào năm 520, đời vua Lương Võ Đế, những ngày đầu tiên mới đến Trung Hoa, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma nhận thấy hầu hết những người học Phật chỉ hiểu theo danh số, hành theo sự tướng "Dĩ danh số vi giải, sự tướng vi hành" (Theo Thiền Sư Khuê Phong, tác giả sách Truyền Nguyên Chư Thuyên tập). Cũng như các tông phái Phật giáo tại đây đều có khuynh hướng về tranh luận siêu hình, pháp quan vô thường, phụng trì giới hạnh, ... Tất cả khuynh hướng này đều là lớp vỏ bên ngoài, những phương tiện để diễn tả chân lý, giống như ngón tay chỉ trăng của Phật.
Do dó, với tư tưởng cách mạng, chặt bỏ ngón tay chỉ trăng, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma chủ xướng một đường lối tu hành mới, đặt lại vấn đề "giác ngộ" cho người Trung Hoa.