10. Cấu trúc luận văn
1.5.1. Vài nét về tâm lý lứa tuổi sinh viên
Đại bộ phận sinh viên ở vào khoảng từ 18 đến 24 tuổi, giai đoạn 2 của tuổi thanh niên (18-25 tuổi) có những đặc điểm về tâm lý khác biệt so với lứa tuổi phổ thông trung học.
Tự ý thức là một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất ở lứa tuổi sinh viên. Ở tuổi này họ đã tự đánh giá được mình một cách toàn diện về tư tưởng, tình cảm, phong cách, đạo đức, hứng thú, động cơ và kết quả hoạt động của mình. Nghĩa là họ có khả năng đáng giá một cách toàn diện về nhân cách của mình và vị trí của mình trong cuộc sống, những đòi hỏi của xã hội đối với mình…. Đây là cơ sở để họ có thể tự vạch ra phương hướng cho sự phát triển nhân cách của mình, tích cực điều khiển, điều chỉnh hành vi của mình trong học tập, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Như vậy khả năng tự giáo dục của sinh viên đã tương đối phát triển cả về mặt phương hướng, biện pháp rèn luyện cũng như khả năng tự điều khiển, điều chỉnh hành vi của mình.
Thời kỳ này cũng là thời kỳ sinh viên hình thành mạnh mẽ các mặt khác về nhân cách như: thế giới quan, niềm tin, nắm vững các chuẩn giá trị và các yêu cầu của nghề nghiệp…
Sự xuất hiện tình yêu nam nữ cũng là một nét đặc trưng của lứa tuổi này. Tình yêu ở lứa tuổi sinh viên đa số là những mối tình rất đẹp. Nhưng hiện nay do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường nên trong sinh viên đã xuất hiện những kiểu tình yêu phóng túng, hay những kiểu tình yêu thực dụng.
Sinh viên là nhân vật trung tâm trong các nhà trường. Nhìn chung, về mặt tư tưởng của sinh viên trong ngững năm gần đây có nhiều chuyển biến tiến bộ. Niềm tin đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng được củng cố
vững chắc. Sinh viên quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề thời cuộc, những thành quả của công việc đổi mới và cả những mặt tiêu cực trong xã hội
Trong điều kiện mở cửa tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá nghệ thuật bên ngoài, nhưng đa số sinh viên vẫn giữ được phong cách truyền thống dân tộc và nếp sống lành mạnh, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây mất ổn định chính trị xã hội. Họ năng động sáng tạo trong học tập, trong cuộc sống và có nguyện vọng muốn góp phần đưa đất nước vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, phát triển đi lên. Có thể thấy rõ thanh niên sinh viên hiện nay có hai xu hướng:
- Số ít thanh niên sinh viên còn xa rời lý tưởng và niềm tin cách mạng, có tư tưởng chạy theo lối sống thực dụng, hưởng thụ cá nhân.
- Phần lớn thanh niên sinh viên đã tỏ rõ xu hướng, tiếp cận trở lại với vấn đề lý tưởng, với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Họ quan tâm hơn đến các vấn đề quốc gia, dân tộc, truyền thống, hướng về cội nguồn với nhiều hoạt động tự giác bổ ích
Hiện nay đang có sự chuyển đổi giá trị, niềm tin, lý tưởng, hoài bão của đa số thanh niên sinh viên. Họ sống học tập trong điều kiện thế giới có nhiều biến đổi về chính trị xã hội cực kỳ phức tạp, chủ nghĩa xã hội đang ở trong giai đoạn thử thách. Ở trong nước công, cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế đã làm thay đổi lớn bộ mặt kinh tế xã hội nước ta. Chính những điều đó là nguyên nhân cơ bản tác động rất lớn tới mỗi con người, tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội và làm biến đổi những chuẩn mực giá trị xã hội trong đó có sinh viên.
Sự chuyển đổi định hướng giá trị xã hội đang là một thực tế và là những mâu thuẫn vướng mắc trong sinh viên hiện nay. Nhưng đây không phải là mâu thuẫn đối kháng. Mâu thuẫn có thể giải quyết tốt khi xã hội phát triển ngày một hình thành rõ những chuẩn mực giá trị chung được mọi người chấp nhận và thực hiện tự giác.
Đạo đức của sinh viên ở các trường ĐH, CĐ nói chung là tốt. Họ được giáo dục từ nhỏ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được tiếp thu truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Nhưng trong sự biến động chính trị sâu sắc của thế giới và nền kinh tế thị trường tác động, một số nơi trong nhân dân đã và đang xuất hiện nhiều biểu hiện không lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng về đạo đức lối sống, nếp sống. Tại hội nghị lần thứ IV ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: “Điều đáng quan tâm là các quan hệ đạo đức giữa người với người, một trong những phương diện quan trọng nhất của văn hoá, có nhiều mặt bị sa sút nghiêm trọng” Xét nguyên nhân của sự sa sút đạo đức đó là do những nguyên nhân khách quan từ đời sống kinh tế thị trường, sự giao lưu quốc tế, sự phá hoại của các thế lực thù địch về ý nghĩa đạo đức, ý nghĩa chính trị… tác động xấu đến quan hệ đạo đức của một bộ phận nhân dân trong đó có sinh viên. Biểu hiện sự sa sút đạo đức của một số học sinh, sinh viên là thiếu tôn trọng thầy cô giáo, gây gỗ đánh nhau với bạn bè, thiếu quan tâm, chăm sóc cha mẹ, không tôn trọng kỷ luật kỷ cương của trường lớp… nhiều hiện tượng xảy ra nghiêm trọng khiến cho xã hội và gia đình lo lắng như trộm cắp, lừa đảo…
Để nâng cao chất lượng giáo dục nếp sống cho thanh niên sinh viên, các tổ chức Đoàn, hội, nhà trường… cần có kế hoạch quản lý giáo dục tốt sinh viên bằng nhiều biện pháp thực hiện, quan tâm lợi ích nguyện vọng của sinh viên. Sinh viên phần đông đã và đang phát huy được những mặt ưu điểm tích cực trong nếp sống, cần cù, chịu khó học tập, nhanh nhẹn hoạt bát năng động trong ứng xử, phù hợp với nếp sống của xã hội hiện nay.
Song cũng có một bộ phận nhỏ sinh viên chưa chăm học, sống buông thả, nói năng thiếu văn hoá, cư xử thiếu lễ độ, còn vi phạm pháp luật như nghiện hút, trộm cắp… Việc giáo dục đạo đức, nếp sống tiến bộ, lành mạnh, có văn hoá, khoa học cho sinh viên luôn là vấn đề bức thiết và có ý nghĩa chiến lược lâu dài, bởi lẽ nó là nền tảng, sức mạnh nội tại chủ đạo quá trình khơi dậy tính tích cực của sinh viên.
Hoạt động chủ đạo chủ yếu của sinh viên vẫn là hoạt động học tập. Nhưng so với hoạt động học tập của học sinh phổ thông, việc học tập của sinh viên có nhiều điểm khác. Trước hết hoạt động học tập của sinh viên không phải có một nền học vấn phổ thông chung mà để chuẩn bị cho một nghề chuyên môn nhất định, đối với sinh viên GTVT, việc học tập và rèn luyện của họ là để trở thành những kĩ sư, những người thợ lành nghề, có chuyên môn năng lực cao, nếp sống tốt. Vì vậy hoạt động học tập của sinh viên còn được gọi là hoạt động học tập nghề nghiệp. Vốn học vấn thu được trong thời kỳ này hết sức quan trọng vì nó là công cụ để họ tiến hành tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp sau này và nó cũng là nền tảng cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu sau này của họ. Một điều khác với hoạt động học tập của học sinh phổ thông nữa là hoạt động học tập của sinh viên mang tính tự giác, tích cực chủ động hơn. Sinh viên ngoài giờ lên lớp theo chương trình để tiếp thu những kiến thức trong bài giảng, họ còn phải tự giác tích cực đọc thêm các tài liệu tham khảo để tự tìm kiến thức cho mình. Tranh thủ sự giúp đỡ của giáo viên để đào sâu thêm những kiến thức chuyên môn. Có như vậy sau khi ra trường họ mới có thể vững vàng trong công việc của mình.
Bên cạnh hoạt động học tập nghề nghiệp là hoạt động chủ đạo, với sinh viên hoạt động giao tiếp, ứng xử cũng là hoạt động không kém phần quan trọng. So với học sinh phổ thông, giao tiếp của sinh viên phong phú hơn nhiều. Sinh viên không chỉ giao tiếp với bạn cùng lớp, cùng trường mà còn mở rộng mối quan hệ giao tiếp với nhiều thành phần khác trong xã hội. Những mối quan hệ phong phú với những đối tượng ngoài xã hội này một mặt giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn ra xã hội, nhưng mặt khác nó cũng kéo theo những sự phức tạp của nó. Nếu sinh viên không biết chọn bạn mà giao tiếp với các đối tượng xấu ngoài xã hội thì họ sẽ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, trộm cắp, bài bạc...
Thực tiễn cho thấy rằng những sinh viên có kết quả học tập cao thường chủ động tích cực trong việc tự giáo dục. Họ tích cực sử dụng thời gian rỗi của mình để tìm tòi
nghiên cứu, học thêm những tri thức cần thiết chuẩn bị cho tương lai hoặc họ tham gia vào những hoạt động tích cực với việc rèn luyện nhân cách của bản thân. Còn những sinh viên có kết quả học tập thấp, họ thường bị động trong việc tự giáo dục. Nhu cầu giao tiếp của những sinh viên này lớn hơn nhu cầu nhận thức. Họ dùng phần lớn thời gian rỗi của mình để tiếp xúc giao du với bạn bè, tụ tập quán xá hoặc tham gia các trò chơi vui chơi giải trí… Họ coi vui chơi là chính, học hành là phụ.
Tóm lại, sự quan tâm tới vấn đề tổ chức giáo dục nếp sống hình thành những thói quen tốt cho sinh viên trong nhà trường nói chung, KTX nói riêng, chính là tạo ra những tác động tích cực mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. Muốn vậy thì các hoạt động của các sinh viên trong KTX phải có nội dung phong phú, hướng vào những mục tiêu cụ thể từ đó xác định cách thức quản lý giáo dục thích hợp với tiêu chuẩn nếp sống con người mới trong thời kỳ CNH-HĐH.
Việc tìm hiểu đặc điểm lứa tuổi sinh viên về một số hoạt động cơ bản (học tập, sinh hoạt, giao tiếp) cũng sẽ là cơ sở để tìm ra các biện pháp quản lý giáo dục nếp sống cho sinh viên một cách có hiệu quả.