Thiên hạ từ văn hóa, lịch sử Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) anh hùng của trương nghệ mưu từ chất lịch sử, văn học trung hoa đến điện ảnh (Trang 86 - 92)

3.2.1.1. Thiên hạ trong văn hóa Trung Quốc thời Cổ đại và Trung đại

Khái niệm về Thiên mệnh xuất hiện dưới thời nhà Chu, do Chu Văn Vương đưa ra. Ông đưa ra thuyết Thiên mệnh, dùng khái niệm Thiên (trời) để thay thế cho Thượng đế - vị thần tối cao của thời nhà Thương nhằm thuyết phục thần dân về sự chính đáng trong quyền lực của mình bằng bốn tính chất: tính chính danh, tính duy nhất, tính luân lý và tính liên tục. (Tingyang Zhao, 2006)

Về tính chính danh, Chu Văn Vương định nghĩa việc làm vua là người được trời trao cho quyền lực tối cao. Là vị trí trung gian kết nối trời và đất. Thay thế thượng đế cai quản phần dưới trời. Ông đưa ra thuyết chỉ có một thượng đế nên để cai quản dưới đất cũng chỉ nên có một thiên tử để nói về tính duy nhất của các vị vua. Nhà vua không chỉ là người nắm quyền lực tối cao, mà còn phải là người làm gương cho muôn dân. Vua phải sống đúng luân thường đạo lý, phải thuận theo ý trời thì mới có thể cầm quyền được thần dân của mình, đó là tính luân lý. Cuối cùng trong thuyết Thiên mệnh là tính liên tục, quyền của người làm vua không bị giới hạn về mặt thời gian, ngôi vua được truyền lại cho con cái của mình từ đời này đến đời khác.

Trong lịch sử Trung Hoa, một trong những khái niệm luôn được nhấn mạnh chính là tính chính danh, thiên tử là duy nhất, là con trời. Danh chính thì ngôn thuận, vua ra vua thì tôi ra tôi, cha ra cha thì con ra con (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử), từ đó mà những giềng mối cương thường được thắt chặt, từ đó mà xã hội ổn định và phát triển.

Nhờ thuyết Thiên mệnh mà cha con Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương đã chiến thắng nhà Thương, mở ra triều đại lâu đời nhất lịch sử Trung Quốc – nhà Chu. Cũng từ thuyết này mà khái niệm Thiên hạ (tất cả những gì dưới trời) ra đời. Người Trung Quốc thời kì này tự gọi mình là Trung Hoa, là nơi tập trung tất cả những gì tốt đẹp nhất của vũ trụ. Thiên hạ là tất cả những gì dưới bầu trời, đồng thời còn có nghĩa là thế giới dành cho người và thần linh trong đời sống tâm linh của người Trung Quốc.

Với khái niệm Thiên hạ của mình, nhà Chu chia nhỏ đất nước làm 5 vùng lớn, đặt bộ máy chính trị cao nhất ở giữa, bao quanh là các chư hầu. Tất cả các tài sản dưới đất đai đều là của Thiên tử (con trai của trời) vì thế cho nên các chư hầu phải thực hiện cống nạp tài sản theo chu kì nửa năm hoặc 1 năm, họ xem đó là nghi lễ để hiến tế lên trời thông qua Thiên tử để nhận được sự ban phát quyền lực và thái bình. Nhà vua thể hiện sự che chở cũng như quan tâm để các chư hầu xung quanh thì cũng thực hiện vi hành đi bốn phương để nắm bắt tình hình, tạo mối quan hệ với tất cả các tộc chu hầu. Việc xuất phát theo hướng nào cũng tùy thuộc vào 4 mùa

trong năm. Trong thời kì này, họ cho rằng những bộ tộc nằm ngoài thiên hạ là những thành phần man rợ, hạ đẳng.

Sau khi Tần thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước Công Nguyên, xưng là Thủy Hoàng đế (vị hoàng đế đầu tiên) đánh dấu sự mở rộng và thay đổi của khái niệm Thiên hạ. Tần Thủy Hoàng thực hiện thống nhất về văn bản, tiền bạc, bộ máy chính trị. Ngoài ra ông còn cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành – biên giới biểu tượng của Trung Quốc,trên nền móng các công sự cổ từ thời đại trước, kéo dài từ Cam Túc đến phần phía đông của Liêu Ninh, bức trường thành dựng lên với mục đích bảo vệ Trung Quốc khỏi ngoại bang man di, chống lại các cuộc xâm lược của người Hung Nô ở phía Bắc. Mục tiêu của Tần Thủy Hoàng là thống nhất, kiểm soát lãnh thổ Trung Quốc, sau đó mở rộng thêm lãnh thổ.

Đến thời Hán, Thiên tử quyết định trở lại “phong kiến”, thực hiện trao đất là và phong chức tước cho các tầng lớp Vương Hầu để tránh việc tiêu tốn tiền của và sinh mạng để thực hiện các cuộc chiến tranh nhằm khuất phục họ. Nhưng Vương Hầu được cấp đất, phương tước hầu hết là hậu duệ của các nước thời Chiến Quốc bị Tần xóa bỏ. Nhà Hán còn khôi phục Nho giáo, trở thành hệ tư tưởng chính nhấn mạnh quan hệ giữa thần quyền với quân quyền “Trời không đổi thì đạo cũng không đổi”, mọi học thuyết thời kì này đều bị bãi bỏ, Nho giáo độc tôn. Nho giáo lúc này được dùng để hợp pháp hóa chế độ phong kiến chuyên chế của nhà Hán mà vẫn được lòng dân. Chính sách thu phục Thiên hạ mềm dẻo của nhà Hán còn được thể hiện qua việc mở rộng ngoại giao, tích cực tuyên truyền văn hóa Trung Hoa thông qua việc mở Con đường tơ lụa. Chủ đề hợp nhất được áp dụng cho Thiên hạ thời Hán có thể nhìn thấy thông qua câu “Người giỏi dụng binh, thắng địch mà không phải giao chiến, đoạt thành mà không cần tấn công, phá quốc mà không cần đánh lâu, nhất địch phải dùng mưu lược toàn thắng mà thủ thắng trong thiên hạ, quân không mỏi mệt mà vẫn giành được thắng lợi hoàn toàn.” (Tôn Tử, 2004, tr.9). Mục tiêu tối cao của việc chinh phục Thiên hạ (về tâm lý lẫn quyền lực) không phải là tấn công bạo lực điên cuồng mà là chinh phục nhưng không phá hủy thứ ta tìm cách chinh phục.

Thế kỉ 13, người Mông Cổ - những con người theo khái niệm Thiên hạ là tộc người man di, đã chiếm lấy Trung Hoa. Trung Quốc trải qua hơn 100 năm bị “ngoại bang” chiếm giữ. Năm 1368, nhà Nguyên bị Chu Nguyên Chương đánh đổ. Triều Minh ra đời, thống nhất Trung Quốc dưới sự cai trị của Hán tộc, khái niệm Thiên hạ lại trở về như thời nhà Hán. Cấu trúc Thiên hạ giờ đây đã có biên giới rõ ràng hơn, các thế lực chính trị xung quanh đã trổi dậy, phát triển và sụp đổ cùng với các triều đại ở Hoa Hạ. Các quốc gia như bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Xiêm, Lưu Cầu...vẫn ở rìa của nền văn mình Trung Quốc, họ có thể chọn các cách ngoại giao của mình như kiểm soát, buôn bán, cống nạp hoặc thậm chí là nổi dậy đánh chiếm Trung Hoa. Dù bằng cách này hay cách khác, khái niệm Thiên hạ của Trung Quốc trung đại cũng đã có sự thay đổi, họ không khép kín Thiên hạ bên trong khuôn khổ biên giới, mà nó ngày càng được mở rộng ra hơn. Người Trung Quốc thời kì vẫn giữ niềm tin mình là trung tâm của vũ trụ, là nơi có văn hóa tinh hoa nhất, họ trói buộc các quốc gia bằng lòng tốt, bằng sự che chở của Thiên Tử. Họ thực hiện một số chính sách mềm mỏng với lân bang, chỉ cần được cống nạp, kiểm soát gián tiếp chứ không cần phải xâm chiếm để thống trị một cách trực tiếp.

Vào cuối thời nhà Minh, Nho giáo dần mất đi vị thế độc tôn và bị phê phán rất nhiều. Vai trò trung tâm Thiên hạ của Trung Quốc cũng không còn mạnh mẽ như xưa, nhiều quốc gia đã từ chối cống nạp, thậm chí còn phản kháng mạnh mẽ: Vua của Ayudhya (nay là Thái Lan) yêu cầu xứ thần triều Minh phải khấu đầu với mình để thể hiện sự tôn trọng ông hay việc Triều Tiên năm lần bảy lượt dời hạn cống nạp ngựa cho nhà Minh. Một yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến Thiên hạ của người Trung Hoa đó chính là sự phát triển giao thương mạnh mẽ và nguồn lợi khổng lồ mà các nước phương Tây mang lại cho các quốc gia nằm trong hệ thống Thiên hạ. Giờ đây các quốc gia không còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc nữa, phần là vì họ đang dần phát triển thông qua giao thương, phần là vì họ biết ngoài Trung Quốc ra cũng có những quốc gia phương Tây hùng mạnh làm đối trọng.

Đến thời Thanh, ý tưởng về quyền lực tuyệt đối của hoàng đế Trung Quốc và sự mở rộng Thiên hạ bằng việc đồng hóa các nước chư hầu bắt đầu mờ nhạt dần. Nước Anh là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên muốn ký thỏa thuận

giao thương với Trung Quốc, nhưng họ lập tức bị hoàng đế Trung Quốc từ chối. Nước Anh cho rằng không thể đối xử với Trung Quốc như một quốc gia bình đẳng nữa. Đầu thế kỉ 19, họ tiến hành cuộc Chiến tranh nha phiến lần đầu tiên. Sau sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến này, Anh đã buộc Trung Quốc ký một số hiệp ước không bình đẳng, Trung Quốc gọi đây là thế kỉ của sự sỉ nhục. Đánh dấu sự khởi đầu cho việc kết thúc khái niệm Thiên hạ.

Trung Quốc tiếp tục thất bại với Anh trong cuộc chiến nha phiến lần thứ hai, sau đó họ bị buộc kí hiệp ước Thiên Tân. Buộc Trung Quốc mở cửa và xem Anh cùng một số cường quốc khác ngang hàng với mình. Điều này đánh mạnh vào hệ thống Thiên hạ của Trung Quốc phong kiến bởi vì vai trò độc tôn của Trung Quốc đã không còn được duy trì như trước. Sau thất bại trong cuộc chiến Trung Nhật, người Nhật đã tuyên bố sẽ là nước bảo hộ cho Trung Quốc. Hệ thống chế độ phong kiến và chư hầu đã được xây dựng và kéo dài từ thời Hán đã thực sự chấm dứt.

3.2.1.2. Thiên hạ trong văn hóa Trung Quốc thời hiện đại

Từ một quốc gia vĩ đại đến một quốc gia lạc hậu đang bị tấn công, từ trung tâm của thế giới đến việc không thể tìm thấy chỗ đứng trên thế giới, sự tương phản rõ rệt của Trung Quốc ở cuối thế kỉ 19 đã khiến cho các nhà tư tưởng hiện đại khám phá đường đi cho khái niệm mới của Thiên hạ. Dù là phát triển đường đi mới cho khái niệm Thiên hạ, thì tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự thế giới đưa bao giờ đi chệch khỏi đường ray của lịch sử.

Khang Hữu Vi một đại diện tiêu biểu của phong trào Bách nhật duy tân đã viết cuốn sách “Đại đồng thư” vào năm 1901 – 1902 trong thời gian lưu vong tại Nhật. Cuốn sách dựa vào tư tưởng Thế giới đại đồng - Thiên hạ là một nhà của Khổng Tử. Khang Hữu Vi đề xuất một thế giới thống nhất vĩ đại, theo đó các biên giới sẽ bị xóa bỏ: “Thiên hạ là một nơi quốc gia, nơi các quốc gia không tồn tại, các hoàng đế không tồn tại, mọi người đều yêu thương nhau, mọi người đều bình đẳng, Thiên hạ là một và điều đó là một sự đoàn kết tuyệt vời. Nếu có sự thống nhất như vậy, sẽ là một thế giới với sự hòa bình tuyệt vời”( Kang Yu Wei, 1901). Tuy lập luận của ông bao trùm 5000 năm lịch sử Trung Quốc nhưng suy cho cùng con đường ấy vẫn không thể thực hiện, vì nó quá lý tưởng. Mao Trạch Đông đã có nhận

xét về cuốn sách này: “Ông ta đã không và sẽ không bao giờ tìm thấy con đường dẫn đến sự thống nhất tuyệt vời đó”.

Với Tôn Trung Sơn – một nhà cách mạng, có thể ông chọn con đường cách mạng khác với các cuộc vận động năm 1898, nhưng sự ưu tiên của ông về vấn đề “Thiên hạ là một” cũng không khác gì những người trước đó. Tôn Trung Sơn đã nhiều lần nhắc đến khái niệm này trong các phát biểu của mình, từ đó trở thành ý tưởng cốt lõi trong việc thành lập Trung Hoa Dân Quốc sau này của ông. Chẳng hạn như trong một số bài giảng về Chủ nghĩa Tam dân năm 1924, ông nói: “Để đoàn kết thế giới cần dựa trên nền tảng đạo đức và hòa bình hiện có để tạo ra sự thống nhất vĩ đại”. Ý tưởng của ông về một thế giới thống nhất vĩ đại có mối liên hệ mật thiết với ba nguyên tắc: Chủ nghĩa dân tộc, dân chủ và phúc lợi của nhân dân. Suy nghĩ của Tôn Trung Sơn về Thiên hạ trộn lẫn quan điểm về chủ nghĩa tư sản, đạo đức Khổng Tử và thậm chí cả Chủ nghĩa Xã hội và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc để tạo nên một sự hài hòa nhất định. Trong một bài phát biểu khác trước quân đội của mình, Tôn Trung Sơn đã nhận xét:

Sau thành công của Cách mạng, kho báu mà tổ tiên ta để lại trong suốt

quá trình lịch sử sẽ được khai thác.... Quốc gia sẽ nỗ lực để cung cấp bốn nhu cầu chính

yếu của nhân dân: thực phẩm, nơi ở, quần áo và phương tiện đi lại. Trong khi đó, người

trẻ sẽ được đi dạy, người mạnh khỏe sẽ được đi làm, người già sẽ được chăm sóc. Lý tưởng Khổng Tử về sự thống nhất tuyệt vời của Thiên hạ sẽ được thực sự tạo ra bởi một

nền cộng hòa mới của Trung Quốc, đó là sự long trọng, là sự vĩ đại và nó vượt lên trên cả

châu Âu và châu Mỹ” (Tôn Trung Sơn, 1921).

Nếu “sự thống nhất tuyệt vời của Thiên hạ” là một điều không tưởng, thì có rất nhiều điểm chung một điều không tưởng khác: Chủ nghĩa Cộng sản. Mao Trạch Đông vào ngày 30/06/1946 cũng đã đề cập đến một “sự thống nhất vĩ đại” khác:

Đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và Đảng Cộng sản, đó

hủy bỏ tự nhiên của giai cấp xã hội, quyền lực quốc gia và các Đảng chính trị, do đó thúc đẩy nhân loại vào sự thống nhất tuyệt vời.” (Mao Trạch Đông, 1946).

Như đã đề cập, Mao Trạch Đông tin rằng Khang Hữu Vi đã thất bại trong việc tìm ra con đường thực sự cho sự thống nhất vĩ đại, điều đó chỉ có thể xảy ra thông qua nền cộng hòa nhân dân tiến tới Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản để đạt được sự hủy bỏ tự nhiên của tầng lớp xã hội và sự thống nhất tuyệt vời của Thiên hạ. Điều này đòi hỏi phải thực hiện cách mạng Xã hội Chủ nghĩa và cải cách ở Trung Quốc, và đồng thời đoàn kết các quốc gia và người dân trong hệ thống Thiên hạ ở nước ngoài. Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, các khẩu hiệu như “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lâu đời” và “Sự đoàn kết vĩ đại của người dân trong Thiên hạ” được treo khắp nơi trên cổng của Thiên An Môn để thể hiện quan điểm quốc tế của một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa. Quan điểm như vậy cũng đã thâm nhập vào cách chính sách và chiến lược ngoại giao cốt lõi của Trung Quốc. Lý tưởng về sự thống nhất tuyệt vời của Thiên hạ Chủ nghĩa Xã hội được đưa vào các khái niệm “lý tưởng Cộng sản” để thực hiện một xã hội hài hòa và hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa. Sự mở rộng khái niệm Thiên hạ thời kì này của Trung Quốc thể hiện ở Hồng Kông và Ma Cao với một quốc gia nhưng hai hết thống chính trị, đã vượt qua khuôn khổ cơ bản về khải niệm Thiên hạ.

Tư tưởng Thiên hạ thời hiện đại của Trung Quốc được hệ thống hóa dựa trên nghiên cứu của Zhao Tingyang qua cuốn sách Redefining a Philosophy for World Governance. Có thể tóm tắt Thiên hạ có ba ý nghĩa. Đầu tiên, Thiên hạ là tất cả những gì dưới bầu trời. Thứ hai, đề cập đến ý chí chung của tất cả các dân tộc trong Thiên hạ, xuất phát từ trái tim nhiều hơn, một thỏa thuận chung của các dân tộc trong Thiên hạ. Cuối cùng, Thiên hạ là một hệ thống chính trị chịu trách nhiệm về trật tự, sự vận hành của thế giới. Thiên hạ không thể có được khi không thống nhất mọi thứ với nhau: chữ viết, kinh tế, chính trị - tất cả đều phải trùng khớp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) anh hùng của trương nghệ mưu từ chất lịch sử, văn học trung hoa đến điện ảnh (Trang 86 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)