1.3.1.1. Chiến lược quản trị thanh khoản tài sản có
* Đây là chiến lược cổ điển nhất trong việc giải quyết vấn đề thanh khoản của NH. Chiến lược này kêu gọi NH tích luỹ thanh khoản (dự trữ thanh khoản) bằng cách nắm giữ các tài sản thanh khoản (có tính thanh khoản cao) - chủ yếu là tiền mặt và các chứng khoán dễ bán. Khi yêu cầu thanh khoản xuất hiện, NH sẽ bán một số tài sản cho tới khi toàn bộ yêu cầu được đáp ứng. Chiến lược này thường được gọi là chiến lược chuyển đổi tài sản bởi vì vốn thanh khoản được tạo ra từ việc chuyển tài sản phi tiền mặt thành tiền mặt.
Một tài sản được xem là thanh khoản thì phải có các đặc điểm sau: - Có thể chuyển thành tiền mặt nhanh chóng.
- Thị trường của tài sản phải có khả năng đảo chiều để cho người bán có thể mua lại tài sản với mức tổn thất không đáng kể.
Một NH chỉ có tính thanh khoản cao khi nó có thể sở hữu, ở chi phí hợp lý, những khoản vốn quy mô cần thiết đúng tại thời điểm cần thiết.
* Chiến lược quản lý thanh khoản tài sản thường được những NH nhỏ áp dụng bởi vì họ thấy rằng chiến lược này ít rủi ro hơn việc quản lý thanh khoản dựa vào hoạt động vay nợ.
* Tuy nhiên chiến lược này có một số nhược điểm sau:
- Chuyển đổi tài sản không phải là phương pháp quản lý thanh khoản chi phí thấp. Thứ nhất, bán tài sản có nghĩa là NH sẽ mất đi những khoản thu nhập tạo ra bằng tài sản nếu như chúng bị bán đi. Đồng thời, việc bán tài sản đều liên quan đến chi phí giao dịch trả cho người môi giới. Hơn nữa, những tài sản này cũng có thể bị bán trên một thị trường đang xuống với mức giá thấp và NH phải chịu tổn thất về vốn lớn. Vì vậy NH trước hết cần phải bán những tài sản có mức thu nhập tiềm năng thấp nhất để tối thiểu hoá chi phí cơ hội cho việc không nhận dược thu nhập tương lai.
- Bán tài sản để tăng cường thanh khoản sẽ làm hình ảnh của NH thể hiện qua Bảng cân đối kế toán yếu đi bởi vì tài sản bán đi thường là các chứng khoán ít rủi ro của Chính phủ, cái thường tạo cho công chúng ấn tượng là NH lành mạnh về mặt tài chính.
- Tài sản thanh khoản thường có tỷ lệ thu nhập thấp nhất so với các tài sản tài chính khác. Đầu tư vào tài sản thanh khoản, NH phải bỏ qua tỷ lệ thu nhập cao mà nó mong muốn đạt được từ những tài sản khác nếu như không phải chuẩn bị quá kỹ lưỡng cho yêu cầu thanh khoản.
1.3.1.2. Chiến lược quản trị thanh khoản nợ
Chiến lược này còn được gọi là chiến lược vay thanh khoản hay mua thanh khoản. Chiến lược này kêu gọi NH đáp ứng nhu cầu thanh khoản dự tính bằng cách vay những nguồn vốn khả dụng tức thời.
NH tiếp cận với thị trường để tăng nguồn vốn tức thời bằng các khoản tín dụng có thời hạn ngắn bao gồm giao dịch với NH Nhà nước, giao dịch liên NH và hợp đồng mua lại. Một phương án hỗ trợ khác là NH có thể phát hành kỳ phiếu ngắn hạn, hay phát hành một số trái phiếu có thời hạn dài.
Cần chú ý là, chiến lược này không làm thay đổi quy mô bảng cân đối tài sản và kết cấu tài sản, nhưng làm thay đổi kết cấu nguồn vốn.
* Những NH lớn thường sử dụng phương pháp vay nợ trên thị trường tiền tệ để tăng cường vốn thanh khoản vì một số ưu điểm sau:
- NH có thể lựa chọn chỉ vay khi thực sự cần vốn. Không giống như chiến lược dự trữ thanh khoản, NH luôn phải nắm giữ một số tài sản thanh khoản tại bất cứ thời điểm nào, làm giảm thu nhập tiềm năng bởi vì tài sản thanh khoản thường mang lại tỷ lệ thu nhập thấp.
- Sử dụng phương pháp vay vốn cho phép NH duy trì quy mô và cấu trúc của danh mục tài sản nếu như NH cảm thấy thoả mãn với danh mục hiện tại. Ngược lại với chiến lược dữ trữ thanh khoản, việc bán tài sản để cung cấp thanh khoản sẽ làm giảm quy mô của NH do tổng tài sản giảm.
- Quản lý thanh khoản nợ giúp NH có khả năng điều chỉnh chi phí -mức lãi suất đưa ra để vay vốn. Nếu NH đi vay thêm vốn, nó chỉ cần nâng lãi suất cho
* Tuy nhiên chiến lược này cũng có nhược điểm:
Vay thanh khoản là cách tiếp cận rủi ro trong việc giải quyết vấn đề thanh khoản của NH bởi vì lãi suất và quy mô tín dụng sẵn có trên thị trường tiền tệ có thể thay đổi nhanh chóng. NH phải mua thanh khoản trong những thị trường khó khăn - cả về giá và về tính sẵn có. Chi phí vay vốn của NH thường khó xác định chắc chắn, làm giảm tính ổn định trong thu nhập.
Hơn nữa, những NH rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính thường có nhu cầu vay thanh khoản lớn nhất bởi vì người gửi tiền nhận thức được sự khó khăn của NH và bắt đầu thực hiện việc rút vốn.
Các tổ chức tài sản cũng không muốn cho vay đối với NH có vấn đề do mức rủi ro liên quan tăng lên. Vì vậy NH sẽ rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn thanh khoản trên thị trường tiền tệ để đảm bảo nhu cầu thanh khoản của mình.
1.3.1.3. Chiến lược quản trị thanh khoản phối hợp
Do những rủi ro cố hữu của việc dựa qua nhiều vào vay thanh khoản khi sử dụng chiến lược quản lý thanh khoản nợ và mức chi phí đáng kể trong việc dự trữ thanh khoản khi sử dụng chiến lược quản lý thanh khoản tài sản, hầu hết NH đã sử dụng kết hợp cả quản lý thanh khoản tài sản và quản lý thanh khoản nợ trong chính sách quản lý thanh khoản của mình nhằm phát huy được những lợi thế và hạn chế những nhược điểm của từng chiến lược khi sử dụng chúng một cách riêng lẻ. Theo chiến lược quản lý phối hợp, một phần nhu cầu thanh khoản dự tính sẽ được đáp ứng bằng việc dự trữ tài sản thanh khoản (chủ yếu là các giấy tờ có giá và tiền gửi tại NHNN) trong khi phần còn lại của nhu cầu thanh khoản sẽ được giải quyết bằng cách vay vốn trên thị trường tiền tệ. Những nhu cầu thanh khoản bất thường sẽ được giải quyết chủ yếu bằng việc vay vốn, còn
những nhu cầu thanh khoản mang tính chu kỳ sẽ được xử lý bằng việc dự trữ các tài sản mang tính thanh khoản.