3.2.4.1. Nâng cao trình độ cán bộ nhân viên, xây dựng chiến lược đầu tư và sử dụng cán bộ
Hiệu quả công tác QTRRTD của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, trước những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế, chính trị pháp luật, để nắm bắt cũng như thấu hiểu rõ được ngành lĩnh vực mà mình thực hiện đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải trang bị cho mình một khối lượng kiến thức tổng hợp về nền kinh tế, tài chính... đồng thời đòi hỏi phải thường xuyên cập nhất những thay đổi trong hoạt động cho vay.
Đối với HDBank Bắc Ninh, việc sở hữu một đội ngũ cán bộ trẻ, tất cả đều có trình độ đại học và trên đại học là một trong những lợi thế lớn trong việc tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin mới nhưng cũng đặt ra yêu cầu tăng cường công tác hướng dẫn, bồi dưỡng ngày càng cao hơn. Để nâng cao trình độ cán bộ tín dụng, HDBank Bắc Ninh nên xem xét các biện pháp sau:
Trong quá trình tuyển nhân sự cho công tác tín dụng, ngoài việc xem xét đến trình độ nghề nghiệp cần chú trọng đến các kĩ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng điều tra, kỹ năng đàm phán, kỹ năng phân tích, kỹ năng viết..
Mỗi cán bộ cần phải được đặt trong môi trường cạnh tranh, tạo thêm ưu đãi và các chế độ thưởng phạt cũng như các quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi
để tạo ra động lực cũng như sự năng động sáng tạo của mỗi người. Cần có sự phân công địa bàn công tác theo sở trường hoặc mức độ am hiểu của từng cán bộ, có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá. Định kì 6 tháng 1 lần HDBank Bắc Ninh nên tổ chức kiểm tra đánh giá lại trình độ cho cán bộ tín dụng, nếu không đạt yêu cầu, cán bộ tín dụng đó sẽ bị trừ lương thưởng, và học thêm để nâng cao trình độ.
Đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ ngay từ khi mới được tuyển dụng, chú trọng đào tạo cả về chuyên môn lẫn đạo đức để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, tinh thông nghiệp vụ. Bên cạnh đó, thường xuyên cử cán bộ tham gia các Hội nghị thường niên do HDBank tổ chức; giao lưu học hỏi với các ngân hàng bạn để các cán bộ có thể tổng kết, học tập, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ và các giải pháp thực hiện sao cho công tác của các cán bộ hiệu quả và thực hiện theo quy định của pháp luật.
3.2.4.2. Cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng
Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại và cùng phát triển. Hoạt động tín dụng của ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, khách hàng tiến hành hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả thì khả năng thanh toán các khoản vay cho ngân hàng sẽ cao hơn và ngân hàng tránh được rủi ro tín dụng phát sinh.
Nhiều trường hợp khách hàng vay vốn bị hạn chế trong vấn đề phân tích, dự báo xu hướng thị trường. Cũng như là ít cập nhật các vấn đề liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm thay thế và các vấn đề về các ngành nghề liên quan khác. Thêm vào đó là các vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp cũng có nhiều hạn chế. Và chính những lý do này có thể là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng khiến cho khách hàng gặp khó khăn, phá sản và dẫn đến rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng có quan hệ với rất nhiều khách hàng hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau nên có nhiều hiểu biết, thông tin chi tiết về các ngành nghề mà khách hàng khó tiếp cận được cũng như nắm bắt, phân tích, dự báo được xu hướng thị trường. Từ đó, ngân hàng có thể giới thiệu một số đối tác cho khách hàng
hoặc đưa ra lời khuyên cho khách hàng về các lĩnh vực hiện đang đầu tư có hiệu quả, về kỹ thuật công nghệ, quản trị doanh nghiệp cũng như những văn bản pháp luật có liên quan để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.