Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh thanh toán quốc tế đối với ngân hàng thương mại cổ phần quân đội,khoá luận tốt nghiệp (Trang 93 - 95)

3.3.2.1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các NHTM, đặc biệt là lĩnh vực TTQT

NHNN nên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và dưới nhiều hình thức để ngăn chặn những vi phạm tiêu cực trong hoạt động TTQT, làm lành mạnh hóa hoạt động của các NHTM, đưa hoạt động TTQT, TTTM của ngân hàng vào đúng quỹ đạo luật pháp. Cần xây dựng đội ngũ thanh tra, giám sát có kiến thức chuẩn về nghiệp vụ ngân hàng, có phẩm chất đạo đức tốt, được cập nhật liên tục về hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo việc thực hiện hoạt động kiểm soát có hiệu quả và độ an toàn cao nhất.

3.3.2.2. Hoàn thiện và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng

Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là thị trường trao đổi cung cấp các loại ngoại tệ nhằm giải quyết các mối quan hệ ngoại tệ giữa các ngân hàng với nhau. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng phát triển giúp cho NHTM có thể mở rộng hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tạo điều kiện cho hoạt động TTQT phát triển. Thông qua thị trường này, NHNN có thể điều hành tỷ giá cuối cùng một cách linh hoạt và chính xác nhất. Để mở rộng và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, NHNN cần:

- Mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.

- Đa dạng hóa các loại ngoại tệ, các hình thức giao dịch trên thị trường như mua bán giao ngay, mua bán kỳ hạn, mua bán quyền chọn, hoán đổi ngoại tệ.

- Tăng cường giám sát hoạt động của thị trường, quản lý và theo dõi việc các NHTM có chấp hành các quy định của NHNN về việc duy trì trạng thái ngoại tệ trong ngày hay không, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý mạnh nhằm kiểm soát tốt hoạt động mua bán ngoại tệ của các ngân hàng.

- Điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, thận trọng theo cơ chế thị trường, dần từng bước tiến tới áp dụng một cơ chế tỷ giá hối đoái tự do và Nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết thông qua công cụ lãi suất chiết khấu và các biện pháp vĩ mô khác.

3.3.2.3. Chú trọng điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt

Trong giai đoạn sắp tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, cơ hội và thách thức cũng ngày càng lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. NHNN cần:

- Tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô, cán cân TTQT và thị trường ngoại tệ.

- Điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, không chủ quan với lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các TCTD.

- Điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam trong bối cảnh kim ngạch XNK tăng cao, tình trạng buôn lậu tiếp tục gia tăng và tinh vi, các luồng ngoại tệ chuyển ra và vào nước ta cũng có quy mô lớn hơn nhằm đảm bảo tỷ giá biến động có lợi cho nền kinh tế; tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

- Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

- Tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

3.3.2.4. Đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và với hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng nhằm đảm bảo phát triển hệ thống ngân hàng đa năng, hiện đại, hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, vững chắc ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo đủ năng lực đáp ứng vốn cho phát triển kinh tế xã hội. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một quá trình phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có liên quan. Một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan cần được thực thi hiệu quả. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu các TCTD. Để đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu TCTD, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, giảm số lượng các TCTD thực sự yếu kém, đồng thời tăng cường quy mô, năng lực tài chính và quản trị ngân hàng tiên tiến theo thông lệ quốc tế, giải quyết tình trạng sở hữu chéo không lành mạnh là vô cùng cần thiết. Trong thời gian sắp tới, NHNN cần tiếp tục triển khai mạnh nội dung theo lộ trình trong đề án tái cấu trúc. Cụ thể, đẩy mạnh mua bán xử lý nợ xấu thông qua hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), đưa vào triển khai một số văn bản về quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống, đồng thời tăng cường năng lực tài chính của các TCTD hướng tới đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh thanh toán quốc tế đối với ngân hàng thương mại cổ phần quân đội,khoá luận tốt nghiệp (Trang 93 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w