1.3.1.1. Nhân tố thuộc môi trường vĩ mô
a. Xu hướng quốc tế hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
Quốc tế hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các khu vực trên thế giới. Các quốc gia muốn phát triển được đều phải mở cửa nền kinh tế của mình để tham gia vào quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế. Xu thế trên vừa là cơ hội vừa là thách thức với NHTM trong phát triển hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động TTQT nói riêng. Cơ hội để NHTM Việt Nam tiếp xúc công nghệ hiện đại, khách hàng mới, thị trường mới, khẳng định mình trên trường quốc tế, mở rộng quy mô hoạt động, gia tăng thu nhập; thách thức trước sự gia nhập của các NHNNg với những lợi thế về vốn, công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm... tác động mạnh đến nâng cao năng lực cạnh tranh TTQT của ngân hàng. Các NHTM, đặc biệt là ngân hàng của các nước đang phát triển nếu không thay đổi, chỉ tập trung vào các hoạt động truyền thống sẽ bị tụt hậu, bị khách hàng rời bỏ. Ngược lại, nếu các ngân hàng này có chiến lược đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm hài lòng khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình sẽ gia tăng lợi nhuận và phát triển vững chắc.
b. Chính sách vĩ mô của nhà nước
Thứ nhất, chính sách kinh tế đối ngoại
Chính sách kinh tế đối ngoại thiên về xu hướng bảo hộ mậu dịch hay tự do hóa mậu dịch sẽ cản trở hay thúc đẩy thương mại quốc tế, từ đó ảnh hưởng lớn đến hành vi của các doanh nghiệp, dẫn đến sự sôi động hay trầm lắng của hoạt động TTQT. Hoạt
động TTQT càng sôi động, môi trường ngành cạnh tranh càng gay gắt thì càng đòi hỏi ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh TTQT của mình.
Thứ hai, chính sách ngoại hối
Chính sách ngoại hối phù hợp sẽ có tác dụng kích thích ngoại thương phát triển, thúc đẩy các doanh nghiệp XNK mở rộng sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, NHTM được phép hoạt động TTQT phải tuân thủ đầy đủ, chấp hành nghiêm ngặt các quy định về quản lý ngoại hối nhà nước đưa ra. Vì vậy, chính sách ngoại hối có tác động trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng về khả năng cân đối ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu TTQT cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh TTQT của ngân hàng.
Thứ ba, chính sách tỷ giá
Chính sách tỷ giá có tác động một cách nhạy bén đến hoạt động XNK cũng như hoạt động của ngân hàng. Hoạt động mua bán ngoại tệ của ngân hàng sẽ trở nên khó khăn khi tỷ giá thay đổi liên tục, bất thường, hậu quả là nguồn ngoại tệ phục vụ TTQT bị ảnh hưởng. Các ngân hàng khi đó buộc phải lựa chọn hoặc chấp nhận co hẹp hoạt động TTQT, hạn chế đối tượng khách hàng, hoặc chịu lỗ về kinh doanh ngoại tệ, bù lại ngân hàng sẽ giữ được khách hàng. Ngược lại NHTM nếu tận dụng được những cơ hội do chính sách tỷ giá mang lại có thể mở rộng hoạt động TTQT, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của khách hàng. Như vậy, chính sách tỷ giá cũng là một trong những nhân tố tác động đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh TTQT của NHTM.
c. Môi trường kinh tế, chính trị trong nước
Môi trường kinh tế, chính trị trong nước là nhân tố quan trọng có tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Chính trị có ổn định thì các nhà đầu tư mới muốn bỏ tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động XNK nói riêng, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động TTQT cũng phát triển theo. Bên cạnh đó, một nền kinh tế không ổn định, lúc tăng trưởng, lúc sụt giảm một cách nhanh chóng, doanh nghiệp không thể yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như mức độ rủi ro trong cung ứng dịch vụ TTQT của ngân hàng. Vì thế các ngân hàng muốn nâng cao năng lực cạnh tranh TTQT của mình thì phải có một môi trường kinh tế, chính trị an toàn, ổn định.
d. Môi trường kinh tế, chính trị nước ngoài
TTQT là hoạt động thanh toán diễn ra giữa các quốc gia khác nhau. Do đó, bên cạnh môi trường kinh tế, chính trị trong nước, TTQT còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tác động của môi trường kinh tế, chính trị nước ngoài. Mỗi sự biến động về chế độ chính trị của nước bạn hàng sẽ ảnh hưởng đến khả năng và sự sẵn sàng đáp ứng các cam kết đã thỏa thuận giữa các bên. Sự suy thoái kinh tế, biến động chính trị sẽ ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động XNK của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động TTQT và mức độ nâng cao năng lực cạnh tranh TTQT của ngân hàng.
1.3.1.2. Nhân tố thuộc môi trường vi mô
a. Các đối thủ NHTM hiện tại
Các đối thủ NHTM hiện tại là nhân tố tác động trực tiếp tới nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Đó là lực lượng đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Bởi lẽ đặc tính của sản phẩm ngành tài chính - ngân hàng là không có sự khác biệt nhiều, chủ yếu cạnh tranh về giá bán nên mỗi quyết định hành động của đối thủ đều có những tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động TTQT nói riêng của ngân hàng. Ngân hàng luôn phải dự đoán hành động của đối thủ để chủ động có những chiến lược, sách lược đối phó nhằm bảo vệ và gia tăng thị phần, nâng cao khả năng cạnh tranh.
b. NHTM mới tham gia thị trường
Đó là các đối thủ mới xuất hiện tham gia vào đội ngũ các ngân hàng cung cấp dịch vụ TTQT, họ có khả năng cạnh tranh trong tương lai bởi những lợi thế như: có động cơ và ước vọng giành được thị phần, học hỏi kinh nghiệm từ những ngân hàng đang hoạt động, có được những thống kê đầy đủ và dự báo về thị trường,... Như vậy, các đối thủ mới luôn là một mối đe dọa bị chia sẻ thị phần và lợi nhuận, ngân hàng cần dự đoán chuẩn xác để có cách đối phó.
c. Sức ép từ phía khách hàng sử dụng dịch vụ TTQT
Câu nói “khách hàng là thượng đế” luôn luôn đúng với mọi doanh nghiệp trong mọi ngành nghề kinh doanh. Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng chú trọng đến nhu cầu, sự hài lòng của khách hàng nếu họ muốn thành công, chiếm lĩnh thị trường. Ngân hàng cung ứng dịch vụ TTQT cũng không nằm ngoài xu thế đó, đặc biệt với đặc tính của sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là không có sự khác biệt thì giá cả và chất lượng sẽ
là yếu tố quyết định đến lựa chọn của khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.