Tình trạng dinh dưỡng trước ghép

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình trạng dinh dưỡng và thực trạng nuôi dưỡng bệnh nhân trước và sau ghép thận tại bệnh viện bạch mai năm 2018 2019 (Trang 82 - 88)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, BMI trung bình là 20,6 ± 2,7 kg/m2, kết quả nghiên cứu này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa, BMI trung bình của nhóm suy thận 19,5 ± 1,9 kg/m2 [58], và Trần Văn Vũ [88]. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng theo BMI chiếm 26,9%, kết quả này thấp hơn trong nghiên cứu của Vũ Thị Thanh trên 150 bệnh nhân suy thận mạn tính có lọc máu chu kỳ tại bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ SDD là 37,3%[12], cũng thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Anh năm 2008 là 41%, có thể do, nhóm đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là trên người bệnh ghép thận, đã có chọn lọc và được điều chỉnh dinh dưỡng chuẩn bị trước phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra kết luận, chỉ số BMI có liên quan đến nguy cơ tử vong. Theo nghiên cứu của Beddhu và cộng sự năm 2003 trên 70028 bệnh nhân LMCK tại Mỹ từ năm 1995-1999 cho thấy, nguy cơ tử vong thấp hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm bệnh nhân có BMI ≥ 25 so với nhóm có BMI thấp [4]. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu đưa ra kết luận, thừa cân, béo phì trước ghép làm tăng nguy cơ của biến chứng về tim mạch và chuyển hóa sau ghép. Ở bệnh nhân sau ghép thận có BMI>30 làm tăng 20-40% các nguy cơ trên so với BN có BMI bình thường [3]. Mức độ béo phì cũng ảnh hưởng rất lớn đến thận ghép. Theo nghiên cứu của Cacciola, thời gian sống thêm của

bệnh nhân và của thận ghép sau 1 năm và 5 năm ở nhóm bệnh nhân BMI từ 30 đến 34,9 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm bệnh nhân BMI ≥ 35 [89]. Trong nghiên cứu của Zrim năm 2012, hồi cứu trên 508 người bệnh ghép thận cho thấy, BMI cao hơn có liên quan đến tăng nguy cơ biến chứng phẫu thuật (p<0,01), cắt thận sớm (p<0,01), và chậm chức năng thận ghép (p<0,05)[6]. Tỷ lệ thừa cân trong nghiên cứu của chúng tôi là 5 bệnh nhân tương ứng là 9,6%, cao hơn trong nghiên cứu của Vũ Thị Thanh (3,3%)[12] và trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa trên nhóm bệnh nhân trước ghép thận (0%) [58], và thấp hơn trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà năm 2005 (14%) [90], nghiên cứu của Torres (15%) [10]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, MLCT sau ghép 7 ngày của nhóm BMI<18,5 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm BMI>25 với p<0,05, có thể do khối cơ ở người bệnh nhẹ cân ít hơn so với khối cơ ở các đối tượng khác, sản phẩm chuyển hóa ít hơn, qua thời gian thận ghép sẽ thích nghi để đáp ứng nhu cầu hoạt động, vì vậy, cần các nghiên cứu ở các thời điểm xa hơn để đưa ra kết luận về sự ảnh hưởng của dinh dưỡng trước ghép tới chức năng thận sau ghép. Theo nghiên cứu của Netto trên 145 người bệnh ghép thận, sau 6 tháng sau ghép, nhóm có cân nặng thấp hơn có chức năng thận tốt hơn nhóm thừa cân, béo phì [14]. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả trong nghiên cứu của Tutal năm 2013 nghiên cứu hồi cứu trên 189 bệnh nhân ghép thận [66]. Người bệnh có trọng lượng cơ thể cao trước ghép có sự gia tăng có ý nghĩa thống kê về tổng khối lượng mỡ cơ thể so với người bệnh thấp cân [54], làm tăng các biến chứng sau ghép, ảnh hưởng đến chức năng thận ghép. Trong nghiên cứu của chúng tôi có mối tương quan nghịch giữa cân nặng trước ghép và mức lọc cầu thận ngày 7 sau ghép với r= -0,311 có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Sự suy giảm albumin huyết thanh, có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong có ý nghĩa ở bệnh nhân bệnh thận mạn [91],[92]. Trong nghiên cứu của Lopes và cộng sự trên 40.950 bệnh nhân thận nhân tạo chu kì năm 1996-2008 cho thấy, mối liên quan của nồng độ albumin thấp với nguy cơ tử vong mạnh hơn mối liên quan của BMI thấp hay nồng độ Creatinin với nguy cơ tử vong [91]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 21,2% đối tượng nghiên cứu có nồng độ Albumin huyết thanh <35 g/L, kết quả này tương đương với kết quả của Ikizer và cộng sự năm 2000 (22%) kết quả này thấp hơn kết quả của Nguyễn Thị Vân Anh [57], cao hơn kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thanh (13,4%) [12] và Trần Văn Vũ (12,4%) [93]. Tuy nhiên, độ nhạy của albumin trong đánh giá tình trạng dinh dưỡng đang được tranh luận, do có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến đến nồng độ albumin huyết thanh như tình trạng nhiễm khuẩn, viêm, bệnh lí gan, ngoài ra, albumin có thời gian bán hủy khá dài, sự sụt giảm albumin thời điểm hiện tại phản ánh sự mất một lượng albumin cách đó nhiều ngày. Ở bệnh nhân CKD, các yếu tố như mất nước và mất protein qua nước tiểu và dịch thẩm tách làm giảm nồng độ của albumin huyết thanh, đây cũng là lí do làm giảm sự chính xác của albumin trong đánh giá TTDD [94]. Trong nghiên cứu cắt ngang trên 40 bệnh nhân thận nhân tạo chu kì ổn định với mức protein phản ứng C bình thường (0,8 mg/dL), không có sự khác biệt đáng kể giữa nồng độ albumin huyết thanh giữa nhóm bệnh nhân bình thường và suy dinh dưỡng [95]. Nồng độ albumin thấp trong huyết thanh cũng là yếu tố nguy cơ độc lập mạnh với tử vong sau ghép thận [96], nghiên cứu trên 8961 bệnh nhân ghép thận cho thấy mức độ albumin trước ghép thấp hơn liên quan đến kết quả xấu hơn sau ghép, nồng độ albumin huyết thanh trước ghép lớn hơn 0,2g/dL có liên quan đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 13% (HR = 0,87), tỷ lệ tử vong do tim mạch

thấp hơn 17% (HR=0,93), nguy cơ thải ghép cấp tháp hơn 7% (HR=0,93) và thận chậm chức năng thấp hơn 4% (HR=0,96) [97]. Tuy nhiên, việc bù albumin trong khi phẫu thuật ghép thận không có tác dụng trong việc cải thiện chức năng thận ghép sớm trong ghép thận từ người hiến còn sống [98]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, MLCT 7 ngày sau ghép của nhóm albumin thấp (<35 g/l) thấp hơn MLCT của nhóm albumin bình thường, tuy nhiên kết quả chưa có ý nghĩa thống kê, có lẽ do cỡ mẫu chưa đủ lớn.

Phương pháp đánh gía tổng thể đối tượng (SGA) hiện nay được nhiều nghiên cứu trên thế giới sử dụng để đánh giá TTDD của bệnh nhân BTM- TNTCK. Theo phương pháp này, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ có nguy cơ SDD mức độ nhẹ là 42,3%, tương đương với kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thanh (44%) [12], thấp hơn trong nghiên cứu của Tsai và cộng sự năm 2010 tại Đài Loan (51%) [99]. Tuy nhiên tỷ lệ nguy cơ SDD mức độ nặng (1,9%) tượng tự trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Anh năm 2008 [100], nghiên cứu của Tsai (1%) [99], thấp hơn so với nghiên cứu của Vũ Thị Thanh (18%). Ưu điểm của phương pháp này là có thể đánh giá được đối tượng trong thời gian dài, trong suốt quá trình mắc bệnh bao gồm sự thay đổi về cân nặng, các biểu hiện lâm sàng cụ thể liên quan đến tình trạng dinh dưỡng, và khẩu phần ăn.

4.2.2. Tình trạng dinh dưỡng sau ghép

Trong 7 ngày đầu sau ghép thận, tỷ lệ người bệnh có triệu chứng tiêu chảy là 38,5%, thường xuất hiện ở ngày thứ 2-4 sau ghép, có thể do sau khi ghép, người bệnh phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, một trong tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch là rối loạn tiêu hóa, thời gian tiêu chảy ngắn, triệu chứng không nặng nề.

Sau ghép 7 ngày, cân nặng trung bình của người bệnh là 54,82 ± 10,12 kg, thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với trước ghép, thay đổi cân nặng trung bình 1,6 ± 3,3 kg/m2 trong đó giảm nhiều nhất là 9,6 kg, tăng nhiều nhất là 5,5 kg. Người bệnh sau ghép chủ yếu là giảm cân chiếm 71%, trong đó sụt cân nhiều (>10% cân nặng) chiếm 11,5% người bệnh. Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về sự thay đổi cân nặng giữa các nhóm ĐTNC về BMI, albumin hay SGA. BMI trung bình của người bệnh sau ghép 7 ngày là 20,1 ± 2,9 kg/m2, tương đương hơn kết quả của Nguyễn Thị Hoa trên nhóm bệnh nhân sau ghép thận (BMI trung bình 20,8 ± 2,6 kg/m2) [58] và thấp hơn nghiên cứu của Netto trên 145 bệnh nhân ghép thận có thời gian sau ghép từ 21 ± 15 ngày là 23,9 ± 3,9 kg/m2 [14], thấp hơn nghiên cứu của Dahn [85]. Thay đổi cân nặng trung bình của người bệnh 7 ngày sau phẫu thuật tương đồng với nghiên cứu của Chu Thị Tuyết năm 2013 trên bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa [101] và nghiên cứu của Vũ Thị Thanh trên bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại tràng [12]. Nguyên nhân sụt cân ở giai đoạn này chủ yếu là do ảnh hưởng của mất máu, mất thể dịch của cuộc phẫu thuật, chức năng thận ghép hồi phục, người bệnh có hiện tượng đa niệu, khẩu phần ăn ngay sau ghép chưa đáp ứng được nhu cầu do người bệnh vừa trải qua cuộc phẫu thuật.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng theo BMI sau ghép tăng lên so với trước ghép, chiếm 30,8%, xuất hiện thêm một trường hợp SDD mức độ nặng, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai giới. Kết quả của nghiên cứu khác biệt so với các nghiên cứu của Haef [55], Dahl [85]và Netto [14] . Trong các nghiên cứu này, tỷ lệ người bệnh sau ghép có BMI<18,5 chiếm tỷ lệ thấp lần lượt là 2%, 4% và 1,38%, trong khi đó tỷ lệ thừa cân béo phì lần lượt là 53 %, 65% và 38,6%, có thể do thời điểm nghiên cứu của các nghiên cứu khác nhau, nghiên cứu của

chúng tôi tiến hành trên nhóm bệnh nhân ở giai đoạn sớm sau ghép, biến chứng chuyển hóa của thuốc ƯCMD còn chưa rõ nét, tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn và tỷ lệ béo phì của người Âu Mỹ cao hơn của người châu Á. Tỷ lệ thừa cân béo phì trong nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp hơn trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa trên đối tượng sau ghép ở giai đoạn muôn (8,1%) [58].

Thừa cân, béo phì là biến chứng rất thường gặp sau ghép thận, đây là hậu quả của các yếu tố khác nhau như tăng cảm giác thèm ăn do corticoid, phục hồi chức năng thận, phục hồi thiếu máu, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nghiên cứu của Netto cho thấy, tại các thời điểm 6 tháng, 1 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 12% trước ghép xuống còn 5% (p<0,05) ở thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì tại các thời điểm lần lượt là 44%, 51%, 54%, 60%, và giảm xuống còn 36% ở thời điểm 15 và 20 năm sau ghép [10]. Trong nghiên cứu của Zelle năm 2013 thấy tăng cân dao động sau 6 tuần, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng trung bình là 5,7 ± 5 kg (trong khoảng -2,4 kg đến 19,5 kg) phần lớn là tăng khối mỡ trong cơ thể, BMI trung bình tăng 7,9% (2 kg/m2)[56].

Sau ghép thận 7 ngày, có 14 người bệnh tương đương 26,9% người bênh có MLCT về bình thường (≥ 90 ml/phút/m2), nhóm này có sự thay đổi cân nặng, chủ yếu là giảm cân nhiều hơn so với nhóm có MLCT < 90 ml/phút/m2 có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Có thể do, ở nhóm người bệnh có MLCT tốt hơn, chức năng lọc của thận tốt hơn, cân bằng dịch tốt hơn, người bệnh không bị tăng cân do thừa dịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tình trạng dinh dưỡng và thực trạng nuôi dưỡng bệnh nhân trước và sau ghép thận tại bệnh viện bạch mai năm 2018 2019 (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)