3.3.2.1. Nâng cao chất lượng thông tin tại Trung tâm thông tin tín dụng CIC
Trung tâm thông tin tín dụng CIC là một trong những kênh cung cấp thông tin chính thống đáng tin cậy để các ngân hàng thu thập thông tin liên quan đến quan hệ tín dụng của khách hàng. Chính vì vậy các ngân hàng rất cần sự mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng thông tin cung cấp của CIC. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp số liệu về mức cấp tín dụng, dư nợ và chất lượng dư nợ của doanh nghiệp tại thời điểm cuối các tháng, từ đó làm căn cứ xây dựng biểu đồ diễn biến dư nợ của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng và chất lượng của khoản nợ.
- Yêu cầu các ngân hàng thương mại định kỳ cung cấp BCTC của khách hàng để CIC có thể cập nhật tình hình tài chính của khách hàng cũng như thống kê, đánh giá các số liệu tín dụng đối với ngành nghề kinh doanh của khách hàng.
- Xây dựng thông tin liên quan đến tình hình ban lãnh đạo, khách hàng liên quan của từng doanh nghiệp để có thể thông tin cảnh báo một cách kịp thời. - Tăng cường học hỏi các tổ chức thông tin quốc tế, các ngân hàng
nước ngoài, trong công tác quản lý và khai thác nguồn thông tin tín dụng.
- Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đặc biệt là quy mô tăng trưởng tín dụng đã vượt quá năng lực đáp ứng yêu cầu về mặt thông tin tín dụng của CIC. Việc ra đời của các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân có thể bổ sung cho các trung tâm tín dụng bằng cách mở rộng diện thu thập và lưu trữ thông tin tín dụng mà trung tâm tín dụng hiện nay không đảm nhận hết được. Chính phủ đã chấp thuận việc ra đời của trung tâm thông tin tín dụng tư nhân nhưng cho đến nay trung tâm này chưa chính thức phát huy vai trò của mình. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần ban hành quy chế hỗ trợ hoạt động các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đặc biệt tập trung vào đối tượng DNNVV và cá nhân.
3.3.2.2. Tăng cường hiệu quả thanh tra kiểm tra
Tăng cường hiệu quả thanh tra kiểm soát hoạt động tín dụng tại các NHTM nhằm hạn chế, phòng ngừa rủi ro tín dụng. NHNN thực hiện giám sát chặt chẽ công tác quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại. Về bản chất, hoạt động giám sát của NHNN đối với các NHTM có những điểm khác biệt so với hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lí nhà nước khác. Bởi lẽ, NHNN thực hiện hoạt động giám sát không chỉ với tư cách là cơ quan quản lí nhà nước mà còn có tư cách là Ngân hàng Trung ương đối với hoạt động của NHTM. Chính vì vậy, việc giám sát của NHNN được đánh giá là rất quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn trong hoạt động của NHTM.
Hiện nay, hoạt động giám sát của NHNN chủ yếu do Thanh tra NHNN thực hiện và mục đích hoạt động của thanh tra ngân hàng là nhằm góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các NHTM, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phục vụ việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy chế an toàn trong hoạt động của các NHTM bằng phương pháp giám sát từ xa theo quy định của Thống
đốc NHNN. Với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của NHNN các NHTM sẽ có ý thức cao hơn trong việc nâng cao chất lượng quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng mình