Hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong đó rủi ro tín dụng, đặc biệt là từ tín dụng trung dài hạn là rủi ro mà hậu quả của nó có thể ảnh hưởng rất xấu đến các hoạt động kinh doanh hay thậm chí đe doạ sự tồn tại của ngân hàng. Do đó, mục tiêu của các ngân hàng không chỉ là cho vay được nhiều với lãi suất cao mà còn là giảm được rủi ro xuống mức thấp nhất. Tuy vậy, bất kỳ một dự án nào trong quá trình soạn thảo cũng có thể mắc phải những sai sót, khiếm khuyết mang tính khách quan và chủ quan. Những sai sót này nếu không được phát hiện và kịp thời điều chỉnh có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho cả chủ đầu tư và ngân hàng tài trợ khi dự án đi vào giai đoạn triển khai, vận hành.
Vì vậy, trước khi quyết định tài trợ vốn cho dự án, ngân hàng nhất thiết phải tiến hành thẩm định dự án. Thông qua thẩm định một cách đầy đủ về mọi phương diện như thị trường, kỹ thuật, tài chính, xã hội... có liên quan đến dự
án, ngân hàng sẽ có được cái nhìn vừa tổng quát vừa sâu sắc và chi tiết về dự án, đánh giá được tính khả thi, hiệu quả kinh tế, khả năng trả nợ và những rủi ro có thể xảy ra của dự án. Nắm bắt được những thông tin này sẽ giúp cho ngân hàng đưa ra quyết định đúng đắn về việc đồng ý hoặc từ chối cho vay.
Bên cạnh đó, thông qua việc thẩm định một cách chi tiết, ngân hàng có thể phát hiện ra những điểm thiếu sót, những bất hợp lý trong các luận cứ và tính toán của dự án, từ đó cùng với chủ đầu tư tìm ra biện pháp khắc phục nhằm nâng cao tính khả thi của dự án. Thực tế cho thấy những cán bộ thẩm định có nhiều kinh nghiệm thường có những nhận xét rất sắc sảo và chính xác về các dự án. Với những nhận xét này, cán bộ thẩm định không những giúp cho ngân hàng tài trợ vốn cho dự án được an toàn, hiệu quả mà còn giúp ích rất nhiều cho chủ đầu tư. Đồng thời qua đó uy tín hình ảnh của ngân hàng cũng được nâng cao.
Những kết quả thẩm định cũng sẽ là cơ sở để ngân hàng xác định số tiền cho vay, thời gian cho vay, mức thu nợ hợp lý, đảm bảo vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vừa giúp ngân hàng có thể thu nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn. Đây cũng là căn cứ để ngân hàng kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm vốn.
Ngoài ra, qua mỗi lần thẩm định các cán bộ thẩm định sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích để thẩm định các dự án sau được tốt hơn.
Như vậy có thể nói, công tác thẩm định có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của ngân hàng và chất lượng công tác thẩm định sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng hoạt động kinh doanh ngân hàng. Chính vì vậy, các NHTM luôn tìm mọi biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định dự án để thẩm định luôn là công cụ hữu hiệu góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của ngân hàng.