Hiện nay, tín dụng vẫn là hoạt động chính mang lại doanh thu, lợi nhuận cho hệ thống NHTM tại Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn tín dụng từ các NHTM cũng là một trong những nguồn vốn chính cung cấp cho nền kinh tế. Do đó, chất lượng tín dụng có tác động trực tiếp không chỉ đến NHTM mà còn đến sự ổn định, phát triển kinh tế - chính trị của cả quốc gia. Chính vì vậy, chất lượng tín dụng luôn được Chính phủ, NHNN, ban lãnh đạo của các NHTM quan tâm, thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Chất lượng tín dụng về cơ bản đó là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phù hợp với luật pháp hiện hành, sự phát triển kinh tế, xã hội và sự đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngân hàng. Thực tế chất lượng tín dụng là một phạm trù rất rộng gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung quan trọng nhất đó là thương số giữa Dư nợ quá hạn trên Tổng dư nợ hay còn gọi là Tỷ lệ nợ xấu, khi đó nếu thương số này càng thấp thì chất lượng tín dụng được coi là tốt và ngược lại.
Chất lượng tín dụng được hiểu theo đúng nghĩa là ngân hàng đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, đồng thời khách hàng vay vốn phải hoàn trả đúng hạn đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Đối với khách hàng vay vốn, chất lượng tín dụng thể hiện qua việc vốn vay được sử dụng có hiệu quả, trang trải được các chi phí hoạt động và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, chất lượng tín dụng được thể hiện qua mối quan hệ giữa các chủ thể và do vậy cần được xem xét đối với ba chủ thể đó là: khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế quốc dân.
- Đối với lợi ích của khách hàng: Chất lượng tín dụng được thể hiện thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, với lãi suất và kỳ hạn hợp lý nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tín dụng;đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng, tạo điều
kiện thuận lợicho khách hàng trong quá trình sử dụng vốn vay.
- Đối với ngân hàng thương mại: Chất lượng tín dụng được thể hiện ở ở phạm vi, mức độ, giới hạn tín dụng phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý theo hướng tích cực của bản thân ngân hàng; đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như khả năng kiểm tra, giám sát khách hàng và nguyên tắc hoàn trả đúng hạn và có lãi.
- Đối với cả nền kinh tế: Chất lượng tín dụng thể hiện ở sự phục vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, góp phần giúp các chủ thể trong nền kinh tế có thể mở rộng quy mô, từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Như vậy giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần thưc hiện được các mục tiêu chung của nền kinh tế quốc dân.
Có thể thấy rằng, chất lượng tín dụng là một khái niệm tổng hợp, vừa cụ thể (như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ thu lãi,...) vừa trìu tượng (như mức độ hài lòng của khách hàng,..); chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố chủ quan (khả năng quản lý, trình độ cán bộ, sự tuân thủ quy trình nghiệp vụ..) và khách quan (sự thay đổi của môi trường kinh tế, do chủ quan của khách hàng...) Nâng cao chất lượng tín dụng là nâng cao tính an toàn của ngân hàng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.